1,2 triệu người khuyết tật cần được hỗ trợ dạy nghề

1,2 triệu người khuyết tật cần được hỗ trợ dạy nghề

Số liệu này được đưa ra tại Hội nghị biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm với người khuyết tật – lần đầu tiên được Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chiều nay (30/11/2017), tại Hà Nội.


Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được thể hiện tập trung tại Quyết định số 1019 ngày 5/8/2012 của Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Bên cạnh đó là Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng trong đó có nhiều định chế với người khuyết tật.

Nhờ nỗ lực của các Bộ ngành và địa phương, tính đến nay có 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động và 75% trong số này tham gia hoạt động kinh tế, trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, khỏang 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc lao động hộ gia đình; khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Như vậy tại Việt Nam còn trên 1,2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề.

Cùng với việc cơ sở dạy nghề ở Việt Nam tăng nhanh cả về quy mô, số lượng, công tác dạy nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân. Cả nước hiện có trên 256 cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật và trên 500 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như Công ty Chan Shin Việt Nam, Công ty Chân – Thiện – Mỹ, Công ty 27/7 Hải Hậu, Nam Định, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, Thanh Hóa, Công ty 25-10 Hải Phòng. Hội Người mù Việt Nam hàng năm cũng đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 2.000 người với nghề phù hợp.

Điểm yếu của công tác dạy nghề hiện nay là chỉ tiêu dạy nghề cho người khuyết tật tuy đã được xác định cụ thể nhưng kinh phí thực hiện lại bị lồng ghép với các chương trình, đề án khác trong khi không được xác định một cách rõ ràng hàng năm. Đặc biệt hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật chủ yếu mới dừng ở khâu tư vấn, thiếu kết nối chặt chẽ giữa các trung tâm giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động do đó rất ít người khuyết tật tìm được việc làm.

Để đẩy nhanh tỷ lệ người khuyết tật có việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội – Đào Hồng Lan – cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, xử lý nghiêm tiêu cực, sai phạm trong thực hiện chính sách đối với người khuyết tật. Đồng thời quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, tạo việc làm với người lao động. Một số đại biểu tại hội nghị nêu đề xuất sớm có hướng dẫn việc thành lập Quỹ trợ giúp người tàn tật trong đó có quy định việc hỗ trợ phương tiện, công cụ, tư liệu sản xuất cho người khuyết tật, miễn thuế VAT cho sản phẩm của người khuyết tật, quy định tuổi hưu với người khuyết tật là 50 với nữ và 55 với nam…

Theo Quang Lộc( báo công thương)


TOP