Nam Định: Ở một mình với bầy chó mèo, ăn mỳ tôm, lương khô sống qua ngày, người phụ nữ vẫn quyết giữ đứa con trong bụng

Nam Định: Ở một mình với bầy chó mèo, ăn mỳ tôm, lương khô sống qua ngày, người phụ nữ vẫn quyết giữ đứa con trong bụng

Cách đây 4 năm, chị Lương Ngọc Dung (29 tuổi, TP. Nam Định) đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng gian khó để giữ được đứa con “ngoài ý muốn”. Có lần, một mình chị phải chuyển nhà với bụng bầu 3 tháng, xe đồ đạc và lũ chó mèo.

Nhiều lần muốn phá thai và tự tử

Sáng làm ca sĩ, chiều làm diễn viên, tối làm MC, đêm về làm bà chủ quán cafe kiêm chạy bàn và là mẹ của cô công chúa Nhật Vi 3 tuổi vô cùng đáng yêu, chị Lương Ngọc Dung bảo một ngày chị “biến hóa như một chú tắc kè”.

Bé Nhật Vi đã lên 3 tuổi, rất giống mẹ. Ảnh: NVCC

Chị đã từng là ca sĩ nghiệp dư đi diễn các event, tiệc tùng hay phòng trà. Rồi sau đó, chị làm giáo viên mỹ thuật cấp 2, nhân viên kinh doanh cho một công ty máy tính, làm biên tập viên cho một chương trình truyền hình và kiêm cả… cứu hộ chó mèo tại Trạm cứu hộ chó mèo.

Một hành trình sự nghiệp đầy đầy gian khó nhưng có lẽ, mọi thứ chưa thấm vào đâu so với hành trình hai mẹ con chị đã trải qua. Rất nhiều lần, chị đã có ý định phá thai vì không chịu nổi định kiến.

Cuối năm 2013, chị Dung cảm nhận cơ thể bắt đầu có sự khác lạ. Mệt mỏi, buồn nôn kèm theo tiêu chảy không ngừng, bụng dạ óc ách khó chịu. Cho rằng mình bị rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm giống như mọi khi, chị đã hồn nhiên trêu mẹ đẻ và chị gái ruột là “có thai”.

Nghe chị nói, mẹ và chị gái đều hốt hoảng hỏi chị có phải đã có thai hay không? Chị còn thấy khoái trá vì thấy trò đùa có mình có “tác dụng”. Vậy mà chỉ vài chục phút sau trò đùa đó, chị Dung thấy trời sập xuống khi cầm trên tay chiếc que thử thai đã lên “hai vạch” căng nét. Chị chưa sẵn sàng để có con dù chỉ vài tháng nữa là chị và anh chính thức thành vợ chồng.

Sau bao nhiêu biến cố, hiện vợ chồng chị Ngọc Dung và con gái nhỏ đều sống hạnh phúc. Ảnh: NVCC

“Lúc đó, tôi thực sự không biết nên buồn hay vui? Khi mà tôi – một người con gái tỉnh lẻ lên thủ đô lập nghiệp, đang đi ở thuê, nuôi một đống chó mèo kèm theo việc cứu hộ không tên, công việc thì nay chỗ này đuổi, mai chỗ kia cho nghỉ việc. Còn anh chỉ là quân nhân chuyên nghiệp, mức lương thiếu úy chưa đủ 3 triệu để tiêu, lại đóng quân ở xa, hai tuần mới về một lần, mỗi lần về hai ngày rồi lại đi”, chị Dung kể.

Chị cảm thấy mình có thêm động lực bởi anh không rũ bỏ trách nhiệm, không bắt chị phải bỏ con hoặc đổ cho một người cha nào đó như không ít “gã họ Sở” ngoài kia.

“Tôi đành tự trấn an mình rằng chắc việc thử lúc nửa đêm thì sẽ có sai sót. Tôi cố gắng nhắm mắt đi ngủ để sáng sớm thức dậy sẽ thử lại. Biết đâu, ông trời sẽ không đùa giỡn mình nữa? Suốt đêm đó, tôi không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, cộng với cảm giác buồn nôn như đang say sóng.

6h sáng hôm sau, tôi hồi hộp thử lại lần thứ hai. Run rẩy chờ đợi và kết quả thì lại không như tôi mong đợi. Tôi lại gọi cho anh, anh vẫn phản ứng không khác đêm qua. Tôi chỉ mong mọi thứ lại trở về y như cũ, nhưng con vẫn thực sự tồn tại”, chị Dung nhớ lại.

Chiếc bụng bầu này đã từng theo chị chuyển nhà, về quê và vượt qua mọi định kiến. Ảnh: NVCC

3 tháng đầu, chị không dám cho gia đình biết chị có em bé. Hết tiền nên chị cũng chẳng được khám thai, chỉ biết có thai do que thử. Bé Kuchi theo chị hai lần chuyển nhà.

Chỉ có một mình chị với xe đồ đạc và lũ chó mèo. Chị tự chuyển đồ bằng xe máy từ tối đến đêm, đi từ Hoàng Hoa Thám về Khương Trung một thân một mình.

Một cậu bạn trong Trạm cứu hộ biết hoàn cảnh chị. Người này vờ đón chị đi chơi rồi đưa tuột chị đến bệnh viện để khám thai. Cậu ấy trả tiền khám chữa, siêu âm giống như cậu bạn này mới là cha của đứa bé vậy.

Đó cũng là lần đầu tiên chị gặp bé Kuchi. Sau đó, chị cứ thế sống một mình ở căn nhà trọ ở Khương Trung với lũ chó mèo. Bạn bè biết hoàn cảnh người cho 500, người cho 200, 300. Hai mẹ con lóp ngóp được hết một tháng chỉ ăn mì tôm và lương khô.

Nhưng điều tồi tệ nhất là sức khỏe của chị Dung xuống dốc không phanh. Chị hay bị ngất xỉu, co quắp và chảy máu cam. Bất ngờ có thai trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, chị đã từng nghĩ đến việc phá bỏ thai và tự tử luôn cùng con. Thậm chí, chị còn buông những lời ác nghiệt là “mẹ sẽ bỏ con”. Chỉ đến khi không thể giấu diếm được nữa, chị buộc phải thú thật mọi chuyện và nương nhờ bố mẹ đẻ.

“Vì con, dù phải bò bằng bốn chân thì mẹ cũng sẽ làm”

Về quê, chị Dung phải đồi mặt với định kiến “chưa chồng đã có bầu”, “hư hỏng”. Chị cảm giác như đang liệt nửa người, chưa bao giờ chị tưởng tượng có sự xúc phạm như thế dành cho mình.

Đám cưới xong được một tháng, cơ thể quá yếu ớt nên chị đành khăn gói về quê ở Nam Định. Định kiến đã khiến suốt thời gian mang thai, chị luôn nghĩ đến việc “nạo thai và chết”.

Về quê, chị đã từ bỏ nghiệp diễn để giữ lấy con. Ảnh: NVCC

Cho đến tận bây giờ, chị Dung vẫn khẳng định một trong những lý do khiến người mẹ muốn bỏ thai là vì không vượt qua nổi định kiến của những người xung quanh. Còn về bản chất, bà mẹ nào cũng yêu con và không muốn từ bỏ bất cứ đứa con nào.

Đứng lên sau những lúc nản lòng, chị đã tự nhủ phải sống kiên cường, dẫm đạp lên định kiến để sinh con. Thậm chí, chị tự nhắc mình “vì con, dù phải bò bằng bốn chân thì mẹ cũng làm”.

Hai mẹ con ngày bé giống nhau như hai giọt nước. Ảnh: NVCC

Thấm thoát cũng đến ngày vượt cạn. Chị bắt đầu làm quen với việc con bú, con ngủ, con tè, con ị. Ông bà ngoại là người dang rộng vòng tay cưu mang hai mẹ con trong những ngày khó khăn nhất. Khi bé Nhật Vi được hơn hai tuổi, bé cứng cáp hẳn, hai mẹ con chị mới quay trở lại Hà Nội để theo đuổi niềm đam mê diễn xuất.

Người mẹ từng muốn bỏ con này nghiệm ra: “Chỉ có bản năng làm mẹ thôi thúc mới khiến tôi dũng cảm đón nhận món quà trời cho. Sau này, tôi nhận ra quyết định năm xưa của mình là hoàn toàn đúng. Cảm ơn con vì đã đến với cuộc đời này, để lần đầu tiên tôi được biết cảm giác yêu một người nhiều hơn bản thân là như thế nào”.

Thu Hà – Emdep.vn


TOP