Nghĩa Bình xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Nghĩa Bình xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Trong đó tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá”; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, phát triển phong trào văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Rước trong lễ hội Đền Trần thôn Thịnh Phú.

Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” xã đã triển khai các tiêu chí cụ thể, sát thực về xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá”; gắn việc thực hiện phong trào với cuộc vận động xây dựng khu dân cư tiên tiến.

Đến nay, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” của xã đạt 79,3%; cả 15 xóm được UBND huyện công nhận đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Hằng năm, Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra đôn đốc các xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa” tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm tìm ra nguyên nhân tồn tại từ đó bổ sung những quy định mới vào quy ước và những biện pháp để tiếp tục thực hiện.

Vào Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ban vận động xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” ở các xóm tổ chức bình xét, tập hợp, báo cáo Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã xét duyệt, đề nghị Chủ tịch UBND xã ra quyết định và cấp giấy chứng nhận “Gia đình văn hoá”.

Các xóm trong xã tập trung huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế NVH, xây dựng quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, phát huy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp trong cộng đồng dân cư gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và cùng nhau thực hiện.

Năm 2016, cả 15 xóm trong xã đều đã hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới NVH bằng nguồn kinh phí hỗ trợ 50% từ ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.

Các NVH xóm đều có diện tích trên 250m2, kinh phí xây dựng mỗi NVH từ 350-400 triệu đồng; được trang bị đầy đủ bàn ghế, loa đài, tủ sách, sân thể thao… phục vụ việc hội họp của chi bộ Đảng, các đoàn thể và sinh hoạt của cộng đồng.

Các NVH xóm đều hoạt động hiệu quả với các mô hình CLB như: CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB văn thể NCT, CLB Cựu quân nhân…

Tủ sách của 15 NVH xóm do nhân dân thành lập đều được trang bị các đầu sách, báo, tạp chí đa dạng thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp, thuỷ sản…

Trên nền tảng các thiết chế văn hóa hiện có, các thôn, xóm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Trong khuôn viên các NVH, vào mỗi buổi sáng, các hội viên NCT đều đến luyện tập thể dục, nâng cao sức khỏe.

Cả 5 thôn, 3 trường học trên địa bàn xã đều thành lập các tốp, đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hoá; trong đó phát triển mạnh và hoạt động hiệu quả nhất là các tốp, đội văn nghệ ở các thôn: Quần Phương, Thiên Bình, Thịnh Phú và Trường Mầm non Nghĩa Bình. Đội văn nghệ thôn Quần Phương có gần 20 thành viên gồm những người yêu văn nghệ ở các xóm: 1, 2, 3 thường xuyên phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương và hội họp của các chi bộ Đảng, đoàn thể.

Các thành viên trong các tốp, đội văn nghệ tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ. Các tiết mục văn nghệ do các thành viên trong đội dàn dựng, biểu diễn lấy đề tài từ cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, đã phát huy hiệu quả tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. NVH các xóm 1, 2, 3 (thôn Thịnh Phú) được xây dựng từ năm 2012-2015 theo chuẩn NTM với đầy đủ trang thiết bị, sân khấu…, là cơ sở cho các tốp văn nghệ của 3 xóm duy trì luyện tập thường xuyên…

Đội văn nghệ thôn Thịnh Phú gồm những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu ở các xóm đã dàn dựng được nhiều chương trình biểu diễn có giá trị nghệ thuật tư tưởng nhân văn sâu sắc với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.

Hằng năm, đội văn nghệ thôn Thịnh Phú thường xuyên giao lưu với các đội văn nghệ trên địa bàn xã vào dịp tết, mừng thọ NCT dịp đầu xuân, lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hoá ở địa phương.

Để khuyến khích phong trào văn nghệ phát triển, hằng năm, xã tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn vào dịp lễ, tết với các chủ đề như: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới”, “Trung thu cho em”…

Trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử – văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng là Đền Trần (thôn Thịnh Phú) và Đền Trần (thôn Thiên Bình). Lễ hội tại các di tích được tổ chức vào ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (20-8 âm lịch), hằng năm thường diễn ra các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm, kéo co, leo cầu ngô cạn, nhảy bao… và sự tham gia biểu diễn của các tốp, đội văn nghệ ở các thôn, xóm.

Trong ngày hội, địa phương đã mời đội văn nghệ phường Bưởi, quận Tây Hồ (TP Hà Nội) về giao lưu, biểu diễn với các loại hình nghệ thuật đặc sắc như: trống hội, hát chèo, hát văn, diễn xướng các giá đồng…

Lễ hội tại di tích lịch sử – văn hoá Đền Trần (thôn Thịnh Phú) hằng năm còn có sự tham gia của các đội kèn đồng, trống, trắc nam nữ giáo xứ Phương Lạc với nhiều tiết mục biểu diễn thể hiện tinh thần đoàn kết lương – giáo.

Ngoài ra, vào các ngày kỷ niệm của đất nước như: Chiến thắng 30-4, Quốc khánh 2-9, các hoạt động tôn giáo tại nhà thờ giáo xứ Phương Lạc, âm vang nhạc kèn, tiếng trống lại vang lên với các ca khúc mang âm hưởng hùng tráng như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”, “Xuân chiến khu”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Quốc ca”, “Hát mãi khúc quân hành”…

Với các thành viên trong đội kèn đồng, trống trắc, những buổi biểu diễn vừa là sân chơi âm nhạc bổ ích, vừa để góp phần xây dựng đời sống tinh thần cộng đồng phong phú hơn, vừa gìn giữ và phát huy các giai điệu âm nhạc truyền thống của quê hương, đất nước.

Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở xã Nghĩa Bình đã bồi đắp, phát huy nhân tố con người, bảo lưu được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.

Theo Khánh DŨng( báo nam định)


TOP