Phụ nữ Yên Phong giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ Yên Phong giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống chính là nền tảng giúp cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng NTM, những năm qua, Hội LHPN xã Yên Phong (Ý Yên) đã đẩy mạnh các hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp hội viên phụ nữ có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

Thời gian qua, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã, Hội Phụ nữ xã đã chú trọng mở các lớp dạy nghề, liên kết dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ. Mỗi năm, Hội Phụ nữ xã phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề may, thêu ren thu hút hàng chục hội viên phụ nữ tham gia học nghề. 100% chị em phụ nữ theo nghề đã có nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, chị Đào Thị Dịu, hội viên phụ nữ chi hội thôn Hưng Xá không có ngành nghề phụ, ngoài vài sào ruộng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện để chị tham gia lớp học nghề may công nghiệp do Hội LHPN xã tổ chức. Ngoài hỗ trợ học nghề, Hội Phụ nữ xã còn tạo điều kiện cho chị vay 60 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Với số vốn vay ưu đãi cùng với số tiền tích cóp của gia đình, vay mượn thêm của họ hàng, bạn bè, năm 2011, chị quyết định đầu tư mở xưởng may gang tay bảo hộ lao động tại nhà, tạo việc làm cho 20 chị em phụ nữ trong xã với mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, chị đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhận may gia công cho một Cty may tại Nam Định, đến nay, cơ sở may của chị tạo việc làm cho 35 chị em trong xã. Chị Vũ Thị Thương, hội viên chi hội Ninh Thôn, làm tại xưởng may chị Dịu cho biết: “Trước đây, tôi trọ và làm may tại KCN Hòa Xá. Năm 2011, khi lập gia đình và có con nhỏ, tôi đã xin về làm việc tại cơ sở may của chị Dịu, tôi vừa có việc làm gần nhà cho thu nhập ổn định vừa có thời gian chăm sóc con nhỏ. Không những tạo việc làm cho hội viên phụ nữ nghèo trong xã, chị Đào Thị Dịu còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã mở nhiều lớp dạy nghề may cho hội viên phụ nữ giúp chị em nâng cao tay nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các Cty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện với mức thu nhập ổn định. Cũng như chị Đào Thị Dịu, chị Nguyễn Thị Mỳ, chi hội thôn Phú Giáp cũng được Hội Phụ nữ tạo điều kiện tham gia lớp học nghề may; đồng thời hỗ trợ chị vay 20 triệu đồng từ vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Khi có nghề trong tay lại có vốn vay ưu đãi, chị đã thành lập cơ sở may tạo việc làm cho 20 hội viên phụ nữ trong xã. Ngoài 2 cơ sở may của chị Dịu, chị Mỳ, trên địa bàn xã hiện có 10 cơ sở may nhỏ lẻ của cán bộ, hội viên phụ nữ, tạo việc làm cho 5-7 chị em với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Bình quân, mỗi thôn có khoảng từ 20-30 hội viên tham gia nghề thêu với mức thu nhập bình quân đạt 30-40 nghìn đồng/ngày; 900 nghìn đồng đến 1.200 nghìn đồng/người/tháng. 10 hộ gia đình phát triển mô hình làm mộc tạo việc làm cho từ 2-3 lao động trong đó có hội viên phụ nữ với mức thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị em còn tạo điều kiện giúp nhau tham gia các đội thợ phụ xây, đến nay, toàn xã có khoảng trên 800 hội viên phụ nữ tham gia đội thợ xây, cho thu nhập bình quân 3-3,6 triệu/người/tháng.

1

Bên cạnh công tác hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, Hội Phụ nữ xã còn tích cực nhận ủy thác vốn từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý trên 7 tỷ đồng vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho trên 360 hộ gia đình hội viên vay. Bên cạnh đó, các chi hội còn thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm với số tiền trên 108 triệu đồng cho 28 hội viên khó khăn vay vốn lãi suất thấp góp phần hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ con cái học hành, xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị Nguyễn Thị Huế, hội viên phụ nữ chi hội thôn Ba Khu sau thời gian mùa vụ, không có việc làm thêm. Sau khi xây dựng ý tưởng mở cửa hàng tạp hóa buôn bán, kinh doanh kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, chị đã được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Với số tiền được hỗ trợ vay cùng với số tiền vay mượn thêm của họ hàng, chị mở cửa hàng tạp hóa diện tích 50m2 bán đa dạng các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong xã mang lại thu nhập bình quân đạt 50-70 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình chị có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở trên 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm bón, giống cây trồng, vật nuôi, phổ biến kiến thức, kỹ thuật gieo sạ… thu hút hàng nghìn hội viên phụ nữ tham dự. Nhờ đó, các gia đình hội viên đã chú trọng nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có trên 30 hộ gia đình hội viên phát triển mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập bình quân từ 80 đến trên 100 triệu đồng/hộ/năm. Với những hoạt động thiết thực, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã giúp đỡ 54 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo (đạt 100%), trong đó, có 25 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Đến nay, ngoài thu nhập từ nông nghiệp, 60% hội viên phụ nữ trong xã có thêm thu nhập từ ngành nghề phụ. Nhiều gia đình hội viên phụ nữ có điều kiện đầu tư xây nhà ở kiên cố, mua sắm trang, thiết bị, đồ sinh hoạt giá trị. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,9%.

Từ hiệu quả của phong trào giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững đã giúp cho nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Kinh tế phát triển, các hộ gia đình hội viên phụ nữ trong xã có điều kiện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi trên địa bàn. Từ nguồn vốn đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của cấp trên, năm 2015, xã cũng đã đầu tư xây dựng, tu sửa hệ thống trường học trên địa bàn xã, trụ sở UBND xã với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần đưa bộ mặt nông thôn xã Yên Phong ngày càng khởi sắc./.


TOP