Không biết từ bao giờ, tết Lùng Cùng đã tồn tại trong tâm thức mỗi người dân Lương Kiệt (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Nam Định. Xung quanh tục tết Lùng Cùng của người dân nơi đây có khá nhiều câu chuyện lý thú mà không phải ai cũng biết.
Gắn liền với truyền thống đánh giặc hào hùng
Khi được hỏi về sự tích tết Lùng Cùng, nhiều người dân vùng Lương Kiệt cho biết, ngày xưa vùng đất này thuộc trấn Sơn Nam Hạ, có sinh ra một vị danh tướng tài giỏi. Cả cuộc đời ông đều hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ nước non, bờ cõi. Có một năm, vì phải lo đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ cho nhân dân ăn tết Nguyên đán yên bình, ông và binh lính đã không kịp về vui Tết cùng gia đình. Đầu tháng Hai Âm lịch năm đó, đội quân do ông làm thủ lĩnh đã giành chiến thắng nên ông quyết định tổ chức ăn Tết lại cho quân lính.
Tuy nhiên, vì đánh giặc dài ngày nên lương thảo dự trữ không còn nhiều. Lúc bấy giờ mưa xuân đang bay, lấm tấm bên những thửa ruộng trơ gốc rạ là rau khúc xanh non,ông đã nghĩ ra cách giã rau khúc rồi trộn thêm với gạo nếp, làm nên những chiếc bánh khúc để dâng lên tế cáo trời đất, sau đó phát cho quân sĩ và nhân dân nơi đây. Tết Lùng Cùng xuất phát từ đó.Thời gian trôi qua, cho đến nay, tết Lùng Cùng đã trở thành tết truyền thống của nhân dân 3 thôn Thượng, Tâm, Tiền và được tổ chức thường niên vào ngày mùng 1 tháng Hai Âm lịch để tri ân công đức tổ tiên và là ngày gia đình sum họp. Trong ngày này, bánh khúc sẽ đóng vai trò như bánh chưng, bánh dày trong Tết âm lịch để dâng lên tổ tiên.
Tết Lùng Cùng còn có tên gọi khác là tết Bánh khúc, tết Vỗ bồ. Song người dân địa phương thường gọi là tết Lùng Cùng. Lý giải về tên gọi này, ông Phạm Văn Xuân (65 tuổi, người dân xóm Tiền) cho biết: “Tên gọi tết Lùng Cùng xuất phát từ chính cuộc sống bần cùng của người dân thuần nông nơi đây. Dạo đó, cái ăn còn nhiều thiếu thốn. Dẫu vậy vẫn không có ai quên tục làm bánh khúc vào ngày mùng 1 tháng Hai Âm lịch. Đến bay giờ, chúng tôi vẫn tâm niệm rằng nhất định phải duy trì thêm một tết của riêng mình để ghi nhớ công ơn của tổ tiên”.
Kỳ công nghề làm bánh
Về ba làng Thượng, Tâm, Tiền vào những ngày giáp Tết Lùng Cùng, nhà nào nhà đấy cũng đang chuẩn bị cho nồi bánh khúc. Lúc này việc đồng áng vẫn an nhàn. Đây cũng là thời điểm rau khúc mọc nhiều nhất.Khi chuẩn bị mọi thứ đã tươm tất, không khí chẳng khác nào không khí bên nồi bánh chưng xanh đêm 30 Tết. Đây được coi là ngày gia đình sum họp, quây quần bên đĩa bánh nghi ngút khói dâng lễ tổ tiên.
Vỏ ngoài để bọc nhân bánh được làm từ gạo và rau khúc. Rau khúc là một loài một loại rau dại, mọc nhiều vào mùa xuân ở những cánh đồng chiêm đã gặt còn trơ gốc rạ, trên các bãi hoang, bờ ruộng hay dọc theo những con mương…Mùa rau khúc vắt qua tết Âm lịch như thể loài cây này muốn khẳng định rằng nó đi qua cả vụ đông xuân cùng với lúa. Rau khúc có hình dáng bên ngoài như cỏ dại với màu lá xanh bạc, phủ lớp phấn trắng bên trên.Rau có hai loại là khúc tẻ và khúc nếp (còn được gọi là khúc ông và khúc bà). Nhưng để làm bánh khúc thì nhất thiết phải chọn lá khúc nếp. Khúc nếp lá nhỏ, phiến dày, đốt ngắn, vừa ngắt lên tay đã thấy thoảng mùi hương nồng nồng, ngan ngát. Rau khúc tẻ cũng ăn được, nhưng làm bánh sẽ có mùi hôi và không có vị đặc trưng như khúc nếp nên không mấy ai dùng. Rau hái từ ruộng về phải chế biến ngay, đem rửa sạch rồi rút hết cọng già, sau đó luộc sơ rồi cho vào cối giã nhuyễn. Giã xong rau khúc dẻo quánh, màu xanh đậm, có mùi thơm đặc trưng và hơi hắc.
Gạo dùng để làm bánh khúc phải được chọn lựa kỹ càng, cứ hai phần gạo nếp thì lại cho thêm một phần gạo tẻ hoặc dùng gạo nếp không cũng được.Gạo được ngâm với nước nóng trong khoảng 8 tiếng thì cho vào cối xay với nước. Dùng một chiếc thúng bên dưới có lót tro bếp và rơm, đặt tấm vải sạch lên trên rồi đổ bột nước gạo vừa xay xong vào để lọc. Khi đã lọc xong bột, cho rau khúc đã giã nhuyễn vào trộn thật đều. Theo kinh nghiệm của những người gói bánh lâu năm, cứ 1kg gạo cho khoảng 3 lạng rau khúc là vừa.
Nhân bánh thường là đỗ xanh giã mịn, hạt tiêu và thịt lợn thái miếng nhỏ đã được xào thơm với hành. Thịt phải là thịt mỡ gáy để bánh ăn vừa đủ ngậy mà không bị ngán. Bánh mới nặn xong, lớp vỏ còn dẻo dính sẽ được lăn qua một lớp mỡ hoặc một lớp gạo nếp đã được ngâm kỹ. Sau đó gói bằng lá chuối rồi đem luộc hoặc hấp.
Khi bánh chín, mùi lá chuối quyện vào với hương nếp thơm, mùi nồng ngát của rau khúc khiến bánh khúc trở lên hấp dẫn lạ thường.Sau này, nhiều gia đình chỉ dùng nguyên liệu rau khúc bọc nhân bánh rồi cho vào nồi đồ xôi cùng gạo nếp ngâm. Gạo chín đều bám chặt vào các viên rau khúc là có thể đưa bánh ra ngoài.
Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, mọi người vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt. Cách làm bánh khúc đơn giản, nhưng cái khó là tạo được hương vị riêng của quê hương. Các bậc cao niên ở đây luôn nhắc nhở con cháu khi làm bánh khúc trong tết Lùng Cùng phải làm làm sao cho tất cả các sản phẩm của quê hương phải có trong vị bánh khúc.
Từ những nguyên liệu dân dã, gắn bó với chân quê ruộng đồng qua bàn tay khéo léo, tỉ mẩn chăm chút của người làm bánh, bánh khúc với hương vị độc đáo, hấp dẫn không dễ gì trộn lẫn đã thực sự chinh phục được khẩu vị của khách tứ phương.
Giờ đây, ở nhiều nơi, bánh khúc được bày bán quanh năm nhưng không nơi đâu có được phong vị đặc biệt như bánh khúc nơi đây. Đến tết Lùng Cùng, nhà nào cũng làm bánh khúc để dâng lên tổ tiên, sau đó thăm hỏi nhau, mời nhau miếng bánh thơm thảo. Các thế hệ con cháu dù có đi làm ăn xa nơi đâu nhưng đến ngày này cũng đều hướng vê quê nhà và nhớ tới hương vị đặc trưng của món bánh khúc như để hoài niệm và tri ân với tổ tiên, đồng thời là lời tự nhắc mình không quên cội nguồn.
Theo Phạm Thảo
(laodongthudo.vn)
- Tại sao lại gọi là “phở”?
- Nam Định Là Dân 2 Ngón – CHUẨN ĐẤY
- Chuyện tình ‘yêu bất ngờ, cưới tốc độ’ và màn cầu hôn ‘không cưới anh già mất’ của cặp đôi lệch nhau chục tuổi
- Nghĩa Hưng: Cây sanh dáng trực hoành được trả giá 1 tỷ đồng không bán
- Người bí thư chi bộ đầu tiên
- 9x Nam Định đã vào bếp là ham nấu nhiều món, khiến chồng phải “xót”, cứ nói thế này…
- Bỏ công việc ổn định, 9x Nam Định mạo hiểm theo nghề thu nhập khủng
- Cồn Vẽ, mảnh đất phất như cồn
- Vừa “nhảy” xe máy, kẻ trộm cắp có nhiều tiền án tiền sự đã bị CSGT khống chế
- Xe khách vượt ngược chiều bị ép lùi tại Nam Định
- Yên Tiến gìn giữ không gian văn hoá truyền thống
- Ý Yên: Độc đáo pho tượng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Nấp
- Nhà thờ Giáo họ Thánh Giuse Giáo xứ Trung Lao
- Nam Định: Những kiến trúc Pháp còn sót lại …
- Nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp
- Thành phố Nam Định có tân chủ tịch
- Nam Định: Đám cưới có cả banner liệt kê ca sĩ hát khiến người đi đường cứ ngỡ là show âm nhạc
- Biện hộ việc chặn ngã tư để đoàn 400 người chạy qua, 2 phượt thủ Nam Định bị sỉ vả
- Nam Định: Con trai đòi bỏ học, mẹ giận gieo mình xuống sông tự tử
- Nam Trực (Nam Định): Lấp sông tưới tiêu để làm dự án
- Lịch cắt điện ở Nam Định ngày 24 và 25 tháng 9/2019
- Nam Định: Du khách lo lắng về camera lắp đặt ở bãi biển Quất Lâm