Nam Định: Tài sản chung bị chồng chuyển nhượng tặng mẹ chồng

Làm gì khi tài sản chung bị chồng chuyển nhượng tặng mẹ chồng?

Chồng tôi đang làm thủ tục tặng tài sản chung của 2 vợ chồng cho mẹ chồng tôi. Tôi phải làm gì bây giờ?

Năm 2013, tôi và chồng kết hôn. Đến đầu 2015, do hoàn cảnh khó khăn, chồng tôi bị tai nạn nên phải cắt một chân nên tôi đi xuất khẩu lao động và để con cho chồng ở nhà chăm sóc.

Ra nước ngoài tôi làm việc chăm chỉ để gửi tiền về cho gia đình. Năm 2017, tôi có gửi tiền về để hai vợ chồng mua một mảnh đất. Chồng tôi đi mua và làm các thủ tục nên trong hợp đồng mua đất và giấy tờ chứng nhận chỉ ghi tên chồng tôi.

Năm 2018, tôi về hẳn Việt Nam định bán mảnh đất để lấy vốn làm ăn thì mới phát hiện chồng tôi đang thực hiện thủ tục tặng mảnh đất đó cho mẹ chồng tôi. Tôi không hề hay biết chuyện này, chồng tôi có nói đây là tài sản đứng tên anh ấy nên anh ấy có quyền.

Luật sư cho tôi hỏi, mảnh đất này là tài sản của hai vợ chồng hay của riêng chồng tôi?

Hồng Hạnh (Nam Định)

Chồng tôi đang làm thủ tục chuyển tài sản chung của 2 vợ chồng cho mẹ chồng tôi.

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay quy định rất rõ về vấn đề này tại các Điều 26, 33, 34. Cụ thể:

Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:

“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này”.

Luật sư Đặng Thành Chung –Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình thì trường hợp chồng chị tặng cho mảnh đất trên phải được sự đồng ý của chị bằng văn bản ủy quyền cho chồng chị được đại diện chị thực hiện giao dịch.

Nếu không được sự đồng ý của chị mà chồng chị thực hiện giao dịch tặng cho đất thì giao dịch này vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ.

Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia vào giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan liên quan đến giao dịch trước đó.

Trường hợp này thường xảy ra đối với với những tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu như: đồng hồ, dây chuyền, điện thoại di động…

Đối với những trường hợp tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì đa phần người thứ ba buộc phải biết tài sản có minh bạch hay không. Lúc này, người thứ ba tham gia giao dịch nếu không ngay tình và phải trả lại tài sản.

Để xác định tài sản chung thì cần căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

“1. Tài sản chung của vợ, chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.”

Do đó, căn cứ vào các quy định trên thì mảnh đất đó là tài sản chung của hai vợ chồng. Nếu chồng chị nói đó là tài sản riêng thì chồng chị phải chứng minh đó là tài sản riêng của chồng chị.

Theo (gia đình việt nam)


TOP