Xã Nam Điền (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từ nhiều năm nay trở thành làng cây cảnh lớn nhất miền Bắc. Chơi cây cảnh là nghề chơi tốn tiền và kỳ công, cây càng già, thế càng “độc” càng có giá. Vì thế, những người trồng cây cảnh ở Nam Điền đã sáng tạo ra “kỹ nghệ đánh cắp thời gian” để bán niềm đam mê cho những người… chơi thời gian!
Thay trời “tặng” tuổi cho cây
Nam Điền quả không “hổ danh” là cái nôi cây cảnh đất Bắc. Khoảng chục năm trở lại đây, Nam Điền ngày càng khởi sắc nhờ việc trồng, tạo dáng và buôn bán cây cảnh, cây thế. Ở đây, tưởng như từ đám trẻ con lít nhít cũng đã ngấm chất “nghệ nhân” của cha ông, biết nhìn thế, biết ngấp nghểnh uốn cây tạo dáng tỉa cành… Ngay cả môn kỹ thuật, mỹ thuật, bài tập thực hành trả điểm cho thầy cô giáo, cũng là tác phẩm tạo thế cây cảnh uốn éo ngả nghiêng.
Khéo léo, tài hoa, thậm chí còn mang tính “di truyền”, đấy là một thế mạnh để Nam Điền có nhiều “triệu phú nông dân” giàu lên nhờ nghề trồng cây cảnh. Khi người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để đổi lấy một cây cảnh đẹp bày trong khuôn viên nhà, trong phòng làm việc nhằm hợp phong thủy, mang lại vượng khí làm ăn, thì Nam Điền phát triển nghề truyền thống của mình một cách chuyên nghiệp.
Đối với dân chơi cây, tiêu chí đầu tiên, đó là tuổi. Cây càng già, càng nhiều năm, thế đẹp… thì giá trị và giá tiền càng lớn, thậm chí lên đến bạc tỷ cho một chậu bonsai “độc” hay một bộ cây đẹp.
Song, một cây cổ thụ có thể làm cây cảnh thì không nhiều. Và cũng không phải ai cũng có duyên “tri ngộ” với những “cụ cây” trăm năm treo mình trên vách đá, vách dậu, do thiếu nắng, thiếu nước, thiếu khí trời… mà chai cằn, dị dạng so với đồng loại mình. Cung nhiều cầu ít, thế nên các thợ cây Nam Điền đã “sáng tạo” làm thay công việc của tạo hóa, ấy là “cho tuổi” cây rừng!
Chắp cành thành… cổ thụ!
Ông Đỗ Quang Thuận ở đội 15, xã Nam Điền, nguyên là công nhân mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) về hưu. Về quê vui thú điền viên, ông bắt mảnh vườn khoảng chừng 4 sào phải “đẻ” ra tiền. Vườn nhà, ông chia làm 3 khu: một khu tập kết những cây đã “thành phẩm” mang đi bán, một khu ươm những cây đang ở giai đoạn tạo thế. Và khu “đặc biệt” chính là nơi chuyên tập kết những cây làm “nguyên liệu” phục vụ cho việc tạo các cây… “đại cổ thụ”.
Ông Thuận bảo, cả xã, nhà nào cũng có 3 khu vườn như thế. Còn “kỹ nghệ đánh cắp thời gian”, tuy mỗi người có một “bí quyết” riêng, song về cơ bản không khác nhau là mấy. Khi biết tôi là dân “ngoại đạo” nghề vườn, ông mới kể cho vài “tuyệt chiêu” với niềm tự hào không giấu giếm!
Dưới cái nắng chang chang, ông Thuận sùm sụp trong chiếc mũ cát két và lỉnh kỉnh đồ nghề ra vườn tạo thế cho cây cảnh. Ông bảo, tỉa cây, uốn thế phải chọn giữa trưa nắng, đó là lúc cành cây mềm nhất và ít nhựa. Nếu tỉa lá, uốn cành vào trời mưa, nhựa cây nhiều sẽ làm “nổ” thân, cây sẽ phá thế không như mong muốn.
Bộ dây dùng để truyền huyết thanh, truyền đạm cho người cũng biến thành “bảo bối” của người làm vườn Nam Điền. Muốn rễ cây trổ ra ở điểm nào, chỉ cần gắn đoạn ống truyền nước, tạo độ ẩm thường xuyên vào chỗ đó, cây sẽ tự khắc bật rễ… Với “công nghệ” làm cây như thế, người Nam Điền sau vài năm, đã có thể tạo một đời cây hàng trăm tuổi đúng như mong muốn.
Theo ông Thuận, “thuật ngữ chuyên môn” trong nghề, kỹ năng ấy gọi là chắp thân. Một gốc cây to được giữ làm nền tảng, gốc. Cái gốc ấy, được gọi là gốc sổng. Tùy thuộc vào độ to nhỏ của gốc mà số lượng cành tương ứng. Dưới con mắt nhà nghề, nó được cưa, đẽo, gọt… theo một thế cây phù hợp. Những cành bánh tẻ, to chừng ngón tay trỏ, được bó lại và gắn lên gốc cũ. Đó là cơ sở để hình thành những thế “long”, “trực”, “song thụ”, “huynh đệ đồng khoa”… sau này. Cành bánh tẻ ghép cũng phải có những tiêu chí riêng: không quá già cũng không quá non. Nếu già quá, cành không còn sức để có thể “ăn rễ” lên gốc cũ. Nếu non quá, nó sẽ “chèn” cả bó cành, làm “nổ” thân cây đại thụ giả, do đó sẽ phá thế, không theo ý muốn của nghệ nhân cây.
Tất cả những cành ấy được bó thít bằng dây gai. Độ nới – thít của dây buộc quyết định tới sự phát triển của thân cây cổ thụ giả. Phải có một độ lỏng tương đối để cây còn… thở! Cho nên, nếu nói về lý thuyết thì cứ nhìn những thân giả trên gốc đại thụ, quấn dây nhợ lằng nhằng như tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa xưa, ai cũng nghĩ sẽ dễ dàng bắt chước được. Thế nhưng, đó là cả một quá trình, mà chỉ người từng lăn lộn với nghề, có kinh nghiệm làm thân giả cho cây đại thụ mới có thể biết nới – thắt hợp lý cho dáng cây theo ý mình.
Sau chừng vài tháng, khi đoạn cành chắp chịu “nhập” với gốc cây nguyên sơ, điều ấy đã đảm bảo tới… 90% thành công của công đoạn “chắp cành thành cổ thụ”. Những lớp lá non đầu tiên được cắt tỉa, được phun thuốc sâu, thuốc trừ bệnh và thuốc kích thích cho “thân giả” mau phát triển. Lớp lá non bị cắt tỉa ấy sẽ tạo “đường dẫn” cho các loại thuốc này vào thân cây.
Một chiếc khung được gắn lên “cây cổ thụ” vừa tạo. Chiếc khung ấy sẽ “định hình” để cây phát triển theo đúng thế mong muốn, và các thợ cây chỉ việc tỉa theo hình chiếc khuôn ấy. Vài năm sau, những cành bánh tẻ nhỏ được bó lại thành một bó, tự liền da liền thịt thành một thân cây to như thật. Chỗ tiếp nối với gốc cây cũ, sẽ được “lên da non” ăn khít các huyệt cây bị lưỡi cưa đục, đẽo…
Người trong nghề gọi hàng chắp là cây hàng chợ, hàng công nghiệp, hàng ăn xổi… Trung bình một năm bán một lứa. Những đoạn cành chắp, sau 6 tháng liền thành một khối. “Công nghệ” làm cây cổ thụ kiểu này chỉ áp dụng được với loài si và sanh – những cây có khả năng liền các cành nhỏ thành một. Người thợ cây “lợi dụng” vào đặc điểm ấy, có thể tạo các hốc, hõm, u, bướu… trên thân cây theo ý muốn… Bởi tâm lý của khách chơi cây là cây càng nhiều sẹo, sứt, u, bướu… càng có tuổi lâu năm. Họ không thể biết được, đó là kết quả của những vết đục, khoét… vào thân cây của các nghệ nhân “thay trời” thêm tuổi cho đời thảo mộc.
Hầu hết các hộ gia đình trồng cây cảnh ở Nam Điền đều có một đôi cây “đại cảnh” làm… của để dành, phòng khi có việc đột xuất đem bán để trang trải. Nghề cây thu nhập gấp nhiều lần nghề trồng lúa, nên chính quyền xã chủ trương chuyển đổi đất ruộng thành đất vườn. Một đôi sanh thế trực, giá vài chục triệu không còn chuyện hiếm ở Nam Điền nữa. Thời điểm năm 1994, ông Hóa (ở thôn Đông) bán bộ 3 cây sanh: 1 con long, 2 con trực được… 64 cây vàng.
Tại trụ sở UBND xã Nam Điền, có 2 cây xanh thế trực được liệt vào hàng “đại cổ”, một doanh nghiệp ở Hà Nội đề nghị sẵn sàng làm toàn bộ đường giao thông xã để đổi lấy… đôi cây cổ thụ. Nhưng xã không nhận lời, vì đó là vật phẩm cúng tiến của một nghệ nhân trong làng… Những câu chuyện ấy, đối với người Nam Điền đã trở thành huyền thoại. Và, nó cũng trở thành giấc mơ lớn nhất mà người thợ làm vườn nào cũng khát khao đạt được!
Hai cây sanh cổ được “ngã giá” bằng làm cả con đường
Ở trụ sở UBND xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có 2 cây sanh cổ dáng long của làng nghề cây cảnh Vỵ Khê.
Ông Vũ Duy Hưng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) làng Vỵ Khê (xã Nam Điền), kể rằng làng nghề coi đây là báu vật. Nhìn bề ngoài, hai cây cảnh này không to, hoành tráng như những “siêu cây” đình đám mà bây giờ dân chơi cây đang chuộng, nhưng chúng được làm theo đúng dáng long cổ, tay cút hoàn thiện, đều nhau, rễ đẹp… Dưới mỗi gốc cây có một cây con, thường gọi là cây tử khiến gốc cây nhìn không bị trống trải, tạo cảm giác ấm áp cho gốc.
Khoảng 20 năm trước, có người yêu cây tìm về Điền Xá, xin bỏ tiền làm cho làng cả một con đường trải nhựa để lấy 2 cây sanh này, nhưng bà con không chịu. Năm 1997, một cơn bão to quật đổ cây xoài cổ thụ ở Ủy ban xã xuống làm gãy một ngọn của một trong 2 cây sanh cổ. Dân làng Vỵ Khê đã cử nghệ nhân giỏi nhất làng để nuôi lại ngọn mới…
Vỵ Khê có khoảng 500 hộ gia đình vẫn theo nghiệp tổ tiên, bám trụ với nghề. Hai cây long cổ được cả làng coi như báo vật, được đặt ở vị trí trang trọng tại trụ sở UBND xã Điền Xá, như là biểu tượng của một làng nghề có bề dày lịch sử.
Theo (cstc.cand.com.vn)
- Top 10 HHVN Tố Như làm lễ ăn hỏi với hotboy trường Cảnh sát quê Nam Định
- Khiếp sợ cảnh xem bóng đá Nam Định chẳng kém gì Nigeria
- Nhà thờ Giáo xứ Cát Xuyên – Xuân Trường Nam Định
- Ngôi làng bắt trai gái “nhịn yêu” ở Nam Định
- Phong phú quà quê Nam Định
- Khám phá Cầu Ngói Và Lễ hội Quần Anh xã Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định
- Lục tàu xá Nam Định
- TT Y tế huyện Ý Yên: Hãi hùng cảnh rác y tế lẫn trong rác sinh hoạt
- Nam Định: Phát hiện thi thể nam thanh niên nổi trên sông giữa cánh đồng vắng
- Sự thật về cái chết của người đàn ông sau khi cãi nhau với anh trai
- Giao Thủy: Ngã vào nồi canh nóng, bé gái 17 tháng tuổi nguy kịch
- Thủ tướng đồng ý xây tuyến đường bộ ven biển qua Nam Định
- Cứu sáu ngư dân Nam Định gặp nạn trên biển
- Gã “thư sinh” Nam Định khiến trùm Năm Cam câm lặng, phải nhượng đất cắt phần
- Nam Định: Truy tìm nhóm côn đồ cầm kiếm tự chế vào nhà dân đập phá tài sản
- Thông tin mới vụ “Đánh người có tính chất côn đồ” ở Nam Trực – Nam Định
- Nam Định: “Toát mồ hôi” khi đi qua ngã ba “tử thần”
- Tìm hiểu về món đặc sản trứ danh: Phở Bò Nam Định
- Cố băng qua đường sắt dù barie đã đóng, người đi xe máy suýt mất mạng
- Nam thanh niên mang khối u gan “khủng” hiếm gặp trên thế giới
- Nam Định: Băng qua đường quốc lộ, một người bị cuốn vào gầm xe
- Vụ Bản-Nam Định: Vận chuyển thuê ma túy giấu trong máy bơm nước