Bạo hành trẻ em đáng bị lên án gấp trăm, nghìn lần

Bạo hành trẻ em đáng bị lên án gấp trăm, nghìn lần

GD&TĐ – Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – Đoàn Nam Định – băn khoăn: Con số thống kê trong 6 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 315 vụ xâm hại trẻ em bao gồm các nhóm trẻ em bị mua bán, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực v.v… Bạo hành trẻ em đáng bị lên án gấp trăm, nghìn lần.

30% dân số là trẻ em, 1/3 người Việt đó cần phải được sự quan tâm và bao bọc của toàn xã hội. Ảnh minh họa/internet

Những vụ bạo hành thương tâm

Theo Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đây chưa phải là con số cuối cùng, đặc biệt với số vụ bạo hành trẻ em rất có thể con số trên thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần bởi có nhiều vụ chưa được phát giác hoặc chưa đủ căn cứ để đưa ra truy tố, điều tra và xét xử.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – cho bết: Trước khi bắt đầu kỳ họp thứ tư này khoảng 2 tháng, ngày 4/8/2017 tại một bệnh viện ở Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhi mới hơn 1 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, bị đa chấn thương và não bị tổn thương nghiêm trọng.

Em là nạn nhân của một vụ bạo hành nghiêm trọng và đó mới chỉ là một trong số rất nhiều những vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra trên toàn quốc trong thời gian qua.

“Nếu bạo hành với đối tượng yếu thế là hành động đáng phê phán và lên án một thì bạo hành đối với trẻ em là đối tượng không có khả năng tự vệ, ngây thơ và vô tội còn đáng bị phê phán và lên án gấp hàng trăm, hàng nghìn lần, bởi hậu quả mà nó để lại cho các em cực kỳ nặng nề”- Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo thẳng thắn tranh luận.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – bức xúc nói: Hậu quả để lại trên cơ thể các em là những vết bầm tím nhiễm trùng, nghiêm trọng hơn còn có thể dập nội tạng, rạn vỡ xương gây di chứng co giật, động kinh hay chậm phát triển. Có những em bị tra tấn đến mức không thể qua khỏi hay may mắn giành được mạng sống thì phải lệ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ tiêu hóa suốt cuộc đời.

Không chỉ là những vết sẹo về thể chất, vết thương về tâm hồn còn ám ảnh các em suốt cả cuộc đời. Sống trong sợ hãi, thu mình với gia đình với những người xung quanh, bị sang trấn và kích động mạnh về tinh thần, rối loại các chức năng đôi khi dẫn tới hành vi tự hủy hoại bản thân là những hệ lụy đau lòng kéo theo cho các em không chỉ trong một vài tháng, một vài năm mà có khi là cả quãng đời còn lại của chính các em.

Theo Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, nguyên nhân của những vụ bạo hành trẻ em hầu hết bắt nguồn từ những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như bảo mẫu hay những người làm việc trong các trung tâm bảo trợ xã hội do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu hiểu biết kỹ năng, nóng nảy dẫn tới hành vi bạo hành trẻ.

Có khi nguyên nhân lại xuất phát từ những người quen, người họ hàng mà trẻ em không nơi nương tựa như các gia đình tan vỡ, bố mẹ vướng vào vòng lao lý. Có khi những vụ việc mà tác nhân lại là cha mẹ các em, do áp lực kinh tế, áp lực tâm lý đã quay ngược lại ngược đãi con em chính mình.

Bên cạnh đó, sự quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng về tình hình buôn bán sử dụng chất ma túy. Sự kiểm soát còn lỏng lẻo của cơ quan truyền thông với các trang web bạo lực độc hại còn tràn lan hay việc mô tả quá chi tiết các vụ việc bạo hành trẻ em đã vô tình biến từ cảnh báo thành cổ súy để một số đối tượng thực hiện hành vi bắt chước theo.
” Khi theo dõi một clip về bạo hành trẻ em, có nhiều người không đủ can đảm để xem đến những phút cuối cùng bởi có nhiều nạn nhân còn nhỏ tuổi, cá biệt có những em chỉ 9, 10 tháng tuổi mà đã phải chịu sự dày vò hành hạ về thể xác của người lớn.” Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo

Đề xuất 5 giải pháp quan trọng

Để giảm thiểu những vụ việc tương tự ngoài việc tăng cường sự bảo vệ và chăm sóc trẻ em của người thân cũng như gia đình các em, về phía các cơ quan chức năng bộ ngành, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – kiến nghị:

Thứ nhất đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành khác và các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo hành đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Thứ hai, Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp để chăm sóc điều trị tích cực cho những nạn nhân của vụ bạo hành là trẻ em.

Thứ ba, đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý, tiến hành thanh tra và kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về điều kiện thành lập cũng như điều kiện hoạt động và chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục, các cơ sở mầm non hay các cơ sở trông coi trẻ.

Cần tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Cần hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản cho trẻ từ sớm để trẻ có khả năng tự phòng vệ.

Thứ tư, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc đăng tải các nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự cân nhắc trong lương tâm của những cá nhân trong ngành thông tin khi đề cập đến các vụ việc tương tự xảy ra với trẻ em.

Thứ năm, tôi xin kiến nghị với Quốc hội đưa nội dung về tình trạng bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian tới và coi đây là giám sát ở mức cao nhất.

Theo Minh Phong(giáo dục và thời đại)


TOP