Bóc gỡ các đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Bóc gỡ các đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Qua công tác nắm tình hình, thời gian gần đây trên địa bàn Nam Định xuất hiện nhiều trường hợp người dân sử dụng các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả… thậm chí cả những huân, huy chương, giấy chứng nhận thương binh giả nhằm chiếm hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.

Nhận thấy mức độ vi phạm của các đối tượng không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhiều cơ quan, tổ chức, làm suy thoái trình độ lao động mà còn gây thiệt hại lớn tới nguồn ngân sách Nhà nước, lãnh đạo Công an TP Nam Định đã quyết định xác lập chuyên án đấu tranh với quyết tâm phá án trong thời gian sớm nhất. Những trinh sát dày dạn kinh nghiệm tỏa xuống các địa bàn để thu thập tin tức.

Sau thời gian dài lăn lộn khắp 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, đôi khi là công tác đột xuất ở một số tỉnh ngoài, các trinh sát của Đội Cảnh sát kinh tế đã xác định được danh tính các đối tượng và địa điểm chúng dùng để làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức.

Lực lượng Công an kiểm đếm số tài liệu bị thu giữ.

Lực lượng Công an kiểm đếm số tài liệu bị thu giữ.

Khoảng 10h15 ngày 10-12-2016, một tổ công tác đã kiểm tra đột xuất một người đàn ông đi xe máy BKS 18F9-4277 trên đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện một túi vải màu tím treo bên hông xe, bên trong có chứa một bằng tốt nghiệp THPT có dấu đỏ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định; một học bạ THPT có dấu đỏ của Trường THPT Nguyễn Huệ; năm bản photo công chứng bằng tốt nghiệp THPT và năm bản photo công chứng học bạ THPT có dấu đỏ của UBND phường Cửa Nam, TP Nam Định.

Tất cả tài liệu trên đều mang tên Nguyễn Hoàng Mạnh, 22 tuổi, ở xã Nam Phong, TP Nam Định. Người đàn ông điều khiển xe máy khai tên là Phạm Văn Đậu, 71 tuổi, hiện ở tại phường Lộc Hạ, TP Nam Định.

Qua đấu tranh khai thác nhanh, Đậu khai nhận toàn bộ số tài liệu trên là do ông ta làm giả theo đặt hàng của một người phụ nữ mà ông ta mới quen biết với số tiền công là 1,9 triệu đồng. Ngay lập tức, Công an TP Nam Định đã ra quyết định bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Phạm Văn Đậu.

Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 2.500 con dấu giả các loại; 1.000 tem chống bằng giả của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10.000 phôi các loại như: phôi học bạ, phôi bằng đại học, cao đẳng, bằng tốt nghiệp THPT, THCS, trung cấp chuyên nghiệp, chứng chỉ hành nghề…

Đặc biệt, Đậu còn nhận làm cả các văn bằng đại học, cao đẳng chuyên ngành bác sỹ, y sỹ, dược sỹ của các trường đại học, cao đẳng lớn trên cả nước.

Ngoài ra, cơ quan Công an còn thu giữ các công cụ, phương tiện làm giả con dấu và một số tài liệu vật chứng có liên quan đến vụ án. Được biết, đối tượng Phạm Văn Đậu đã từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo cũng vì tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đến 10h30′, sau khi bắt giữ thành công Phạm Văn Đậu, một tổ công tác khác cũng triệt phá thành công một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đường dây này gồm 3 đối tượng là: Trần Văn Trường, 71 tuổi; Đoàn Quốc Việt, 62 tuổi và Nguyễn Văn Thông, 66 tuổi, đều trú tại tỉnh Nam Định, bị bắt về hành vi làm giả 1 Huân chương Chiến công hạng ba và 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba đều mang tên Trần Văn Chiến, trú tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản.

Liên quan đến 2 chiếc huân chương đang làm giả, Trần Văn Trường khai nhận chỉ làm giả con dấu của “Chủ tịch hội đồng nhà nước” và chữ ký “Võ Chí Công”, sau đó đóng dấu vào 2 phôi huân huy chương, rồi bán lại cho Đoàn Quốc Việt với giá 2 triệu đồng. Sau khi mua về, Việt dùng bút bi để điền nốt các thông tin trên 2 phôi huân chương rồi bán cho Nguyễn Văn Thông với giá 3 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, ban đầu chúng chỉ nhận những đơn hàng của người quen, về sau do nhu cầu sử dụng lớn và lợi nhuận cao nên các đối tượng đã sưu tầm các mẫu con dấu của các cơ quan chức năng, con dấu của các sở, phòng, ban, trung tâm của các trường đại học, cao đẳng rồi làm giả để kiếm lợi bất chính.

Với mỗi loại giấy tờ làm giả khác nhau, số tiền các đối tượng thu về cũng khác nhau, giá của các loại giấy tờ giả dao động từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm để thực hiện quá trình làm giả giấy tờ của mình, đồng thời mỗi người trong đường dây sẽ đảm nhận một khâu trong quá trình sản xuất giấy tờ giả.

Đối tượng Trường chịu trách nhiệm làm giả con dấu và chữ ký, đối tượng Việt đảm nhận việc điền các thông tin theo đơn hàng của khách, còn đối tượng Thông là người trực tiếp liên hệ vào giao dịch với khách hàng.

Trung tá Bùi Quyết Toán, Trưởng Công an TP Nam Định cho biết, hiện cơ quan điều tra đang khẩn trương điều tra, thu hồi số tài liệu, giấy tờ, văn bằng giả các đối tượng mua bán trót lọt.

Ngọc Vũ – Trần Xuân – Cand.com.vn


TOP