Các di tích từ đường ở Hải Hậu

Các di tích từ đường ở Hải Hậu

Huyện Hải Hậu hiện có trên 800 dòng họ với trên 200 từ đường; trong đó có 19 từ đường dòng họ được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Tiêu biểu là các từ đường: thủy tổ Vũ Chi, thủy tổ Phạm Cập (xã Hải Anh); thuỷ tổ Trần Vu, thuỷ tổ Hoàng Gia (xã Hải Trung); tổ Trần Quốc Thể, tổ Phạm Hương Lan (xã Hải Phúc); họ Nguyễn Giữa (xã Hải Hà); họ Phạm Vũ (xã Hải Đường); họ Nguyễn (xã Hải Long)…

Trải qua hàng trăm năm, các di tích từ đường ở Hải Hậu vẫn bảo lưu được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào của con cháu trong dòng họ.

Về xã Hải Phúc, chúng tôi được chứng kiến hệ thống di tích dày đặc với 23 từ đường các dòng họ: Trần, Vũ, Phạm, Đỗ…

Tại Từ đường tổ Phạm Hương Lan, trong không gian tĩnh lặng, ông Phạm Đức Năm, Trưởng họ Phạm Đại tông say sưa kể cho chúng tôi nghe về 4 tổ: Vũ Duy Hoà, Trần Quốc Thể, Phạm Hương Lan, Đỗ Minh Không với công lao khai hoang, lấn biển, mở đất vùng Hà Lạn xưa (nay là các xã Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc).

Để tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, nhân dân địa phương đã lập từ đường để thờ tự. Từ đường tổ Phạm Hương Lan được xây dựng năm 1642. Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo vào các năm: 1742, 1954, 1993, 2006, đến nay, từ đường mang dáng vẻ “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”.

Tọa lạc trên khu đất rộng 1.785m2, mặt quay hướng nam, di tích bao gồm các hạng mục: nghi môn, tiền đường (5 gian), trung đường (3 gian), hậu đường (1 gian), nhà khách… Điểm nổi bật trong tổng thể kiến trúc công trình là bộ mái toà tiền đường được thiết kế 2 tầng, lợp ngói nam.

Phần nóc đắp hoạ tiết rồng chầu; phần cổ đẳng nối mái tầng trên và mái tầng dưới được chia 5 khoang đắp 3 bức đại tự nhấn nổi chữ Hán: “Phạm đại tông, Dực kỳ lâm, Khổng chi chương”.

Tại từ đường hiện còn giữ được một số cổ vật giá trị bao gồm: ngai thờ, đại tự, gia phả thời Tự Đức 13 (1860), bát hương (thế kỷ XVIII), bia đá hoạ tiết “lưỡng long chầu nguyệt”… Với giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, Từ đường tổ Hương cống Phạm Hương Lan được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hoá năm 2017.

Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh Từ đường họ Nguyễn (xã Hải Long) thờ tổ Nguyễn Chính Pháp. Căn cứ các đạo sắc phong, gia phả, đại tự thì Nguyễn Chính Pháp là hậu duệ đời thứ 28 của Đức khởi tổ Nguyễn Bặc – Tể tướng thời nhà Đinh. Nguyễn Chính Pháp cùng vợ là Nguyễn Thị Côi và 3 người con có công khai khẩn vùng đất Cát Chử (huyện Trực Ninh).

Sau đó ông cùng các con cháu “Tứ tính Cửu tộc” lấn biển, đắp đê Hồng Đức từ An Định (nay là Thị trấn Yên Định) mở rộng xuống vùng Cồn bãi để sinh cơ, lập nghiệp. Bên cạnh thờ tổ Nguyễn Chính Pháp, di tích còn thờ các vị tổ kế thành, tiêu biểu là: Nguyễn Danh Quan (hậu duệ đời thứ 5) – Danh tướng triều Vua Gia Long.

Theo truyền ngôn của các bậc tiền nhân và long cốt bằng chữ Hán tại toà tiền đường thì Từ đường họ Nguyễn được xây dựng năm 1851 bằng gỗ lim, kết cấu “nội công ngoại quốc”. Toà tiền đường được xây bằng chất liệu gạch, vôi trộn vữa có 3 gian (dài 9,8m, rộng 4,2m) mái lợp ngói nam, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, hai bên đầu hồi xây hai trụ đấu có hoa văn.

Hệ thống cửa 3 khoang, mỗi khoang 4 cánh chạm đề tài tứ linh, tứ quý. Hai đầu hiên tiền đường xây 2 trụ biểu có khắc hoạ tiết đèn lồng, nghê chầu, nhấn nổi câu đối chữ Hán.

Bộ khung chính kết cấu 4 bộ vì gỗ lim kiểu ván mê, trụ non, quá giang, bảy tiền. Trên các cấu kiện của bộ vì chạm hoa văn rồng, hổ phù, lá lật. Các mảng chạm khắc tại từ đường mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX.

Từ đường họ Lê (xã Hải Hưng) là công trình văn hoá tín ngưỡng được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 2017. Từ đường thờ tổ Lê Bắc và các liệt tổ khai sinh.

Lê Bắc sinh ra và lớn lên trong gia đình dòng dõi danh gia vọng tộc vùng đất Kiên Lao. Năm 1760, Lê Bắc cùng các con cháu và các tổ dòng họ: Phạm, Nguyễn, Mai, Trần, Đinh, Lương có công khai phá các xã Kiên Trung, Hội Nam, Hội Khê, Trà Hải Trung, Hà Quang thuộc tổng Kiên Lao, huyện Giao Thuỷ, phủ Xuân Trường xưa.

Sau khi vùng đất mới được hình thành, các tổ đã bàn nhau phân chia khu vực để dựng nhà, làm đường, xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Đến triều Vua Gia Long 16 (1817), triều đình phê chuẩn xã Kiên Trung tách khỏi tổng Kiên Lao lập thành xã gồm 4 giáp: Trung Thành, Thái Hoà, Hưng Lễ, Hưng Nghĩa.

Tổ Lê Bắc được phân chia vùng đất Hưng Lễ (nay là xóm 13, 14, 15, 16, 17 xã Hải Hưng). Ông trở thành vị tổ kế thành và đặt nền móng cho sự phát triển của dòng họ Lê trên đất Hải Hưng ngày nay.

Theo bia “Lê từ bia ký” tại di tích thì Từ đường họ Lê được tổ Lê Bắc xây dựng từ năm Bính Tý (1812). Sau khi Lê Bắc qua đời, ông được các con cháu an táng và lập bài vị thờ tại từ đường. Năm 1911, từ đường được xây dựng theo hình chữ Đinh.

Từ đường họ Lê là trong số ít những di tích từ đường có gác chuông và gác khánh. Hai hạng mục công trình này được thiết kế tương tự nhau cao 8,46m. Bố cục chồng lâu 2 tầng, lợp ngói mũi hài, tầng dưới xây cuốn vòm.

Bình phong (cao 8,6m, rộng 5,2m) kết cấu 4 góc hoa văn lá lật, hai bên nhấn câu đối nội dung ca ngợi công lao tổ tiên cũng là điểm nhấn trong phong cách kiến trúc di tích.

Ngoài ra từ đường còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như: bia đá, khánh đá, câu đối, tượng thờ, ngai thờ…, góp phần làm tăng thêm giá trị cho di tích.

Những năm gần đây, thực hiện Luật Di sản, cùng với nguồn kinh phí Nhà nước, con cháu trong các họ tộc với tấm lòng thành kính đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để tu sửa, tôn tạo di tích.

Các di tích sau khi được xếp hạng đều đã thành lập được Ban quản lý di tích có sự tham gia của chính quyền địa phương và đại diện Ban trị sự dòng họ có trách nhiệm trông coi, bảo vệ di tích; phát huy giá trị các di tích thông qua việc thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Tại từ đường tổ Phạm Hương Lan (xã Hải Phúc) hằng năm diễn ra 2 kỳ lễ vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch và ngày 15 tháng Chạp. Những ngày này, từ đường diễn ra các nghi thức tế cáo, rước lễ vật của các đội tế nam quan, tế nữ quan và chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ dân gian do Hội NCT xã tổ chức.

Cùng với đó là hoạt động mừng thọ cho các cụ cao niên trên 70 tuổi trong dòng họ Phạm tại từ đường. Tại từ đường họ Nguyễn (xã Hải Long) hằng năm diễn ra 2 kỳ lễ chính vào tháng 2 (tế cáo) và tháng 11 âm lịch (giỗ tổ).

Trong đó, ngày 15 tháng 2 âm lịch các chi trong họ tập trung bao sái đồ tự, quét dọn khuôn viên di tích và thực hiện nghi thức dâng hương, trình rượu, báo công tiên tổ.

Lễ giỗ tổ ngày 15 tháng 11 âm lịch được Ban trị sự dòng họ tổ chức với các hoạt động đọc chúc văn ôn lại công lao của tổ Nguyễn Chính Pháp.

Trong dịp này, hội khuyến học – khuyến tài dòng họ tổ chức phát thưởng cho các con cháu có thành tích suất sắc trong học tập.

Từ đường họ Lê (xã Hải Hưng) là di tích diễn ra 4 kỳ lễ trong năm vào các dịp: lễ Thanh minh, lễ giỗ tổ Ông (16-9 âm lịch), lễ giỗ tổ Bà (22-8 âm lịch) và lễ Chạp (15 tháng Chạp).

Trong 4 kỳ lễ kỵ thì ngày lễ giỗ tổ Ông được tổ chức long trọng với các tiết mục hát chèo được tổ chức vào buổi tối có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi công đức tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hoà, con cháu trong dòng họ phát triển thịnh vượng, bền vững…

Những hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tại các di tích từ đường ở Hải Hậu hằng năm diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ con cháu trong xu thế “Tìm về nguồn cội”.

Đó cũng là dịp để các ngành, chi xa, chi gần trở về tề tựu, họp mặt, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của tổ tiên – những người đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.

Theo Khánh Dũng
(báo nam định)


TOP