Cho thuê đất đặc khu 99 năm: Nhiều nỗi lo

Cho thuê đất đặc khu 99 năm: Nhiều nỗi lo

Quy định cho thuê đất tới 99 năm khiến nhiều ĐBQH, chuyên gia lo lắng và cho rằng quy định này chỉ có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản.

Nhạy cảm

Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh luận, băn khoăn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm, không đưa thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm vào luật, bởi đó là một con số rất nhạy cảm.

Vị ĐBQH nói thẳng, những cái gọi là ưu đãi thu hút để tạo ưu trội của mình so với người khác, thực ra chỉ là thời gian giao đất, mở casino, nhân lực phong phú và rẻ tiền…

“Tôi rất băn khoăn bởi vì ít nhất chúng ta phải có cái gì khác, đó là đội ngũ nhân lực đáng giá, cái đó liên quan đến thu nhập và đời sống của dân chứ không phải mãi mãi tự hào là chúng ta có nhiều cái rẻ.

Thứ hai, chúng ta đang đặt mục tiêu hướng tới những giá trị gia tăng nhờ công nghệ, nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện bất động sản. Những nhà đầu tư vào công nghệ, nhất là công nghệ cao, người ta đâu cần đến 70-99 năm?”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói.

Trước đó, bên hành lang Quốc hội ngày 24/5, chính ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cảnh báo những rủi ro về mặt an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội có thể xảy ra nếu thời hạn cho thuê đất quá dài.

“Điều kiện kéo dài thời gian thuê đất thì các nhà đầu tư chân chính không cần. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu”, ông Quốc chỉ rõ.

Ông Quốc khuyến cáo chúng ta luôn luôn phải tư duy về địa – chính trị, nhất là khi 3 đặc khu được coi là “mặt tiền” của đất nước án ngữ trước Biển Đông.

Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong ba đơn vị sẽ trở thành đặc khu kinh tế.

“Tôi xem truyền hình tuyên truyền ủng hộ cho dự án này bằng những con số rất cụ thể nhưng đấy chỉ là trên giấy. Nếu cộng tất cả lợi ích đó, tôi cho là con số rất nhỏ với túi tiền của thiên hạ. Người ta sẽ tung tiền để mua. Tôi rất muốn các đại biểu của các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hòa… nói xem bao nhiêu nhà cửa người Trung Quốc mua rồi? Tệ hại ở chỗ, chính người Việt Nam tiếp tay cho họ lách luật”, ông Quốc lo lắng.

Đồng quan điểm với ĐB Dương Trung Quốc, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, 99 năm là một thế kỷ, mấy thế hệ sinh ra và lớn lên, chúng ta có thể để cho con cháu sau này quyết định số phận của những dự án ở đặc khu, không nhất thiết quyết thay cho họ.

Cũng nêu quan điểm về quy định cho nhà đầu tư thuê đất đặc khu lên đến 99 năm trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, cái luẩn quẩn ở đây là câu chuyện ưu đãi của các đặc khu, đặc biệt áp lực lên các địa phương cực kỳ lớn. Việc thời hạn thuê đất lên tới 99 năm chỉ có lợi cho doanh nghiệp bất động sản, nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ ra thực tế, cho thuê đất dài hạn và ưu đãi về thuế được xem như “mồi” để thu hút nhà đầu tư. Nhưng thực tế là gì? Trong mấy chục năm miệt mài thu hút đầu tư nước ngoài với những ưu đãi thuế, ưu đãi về sử dụng đất đai, chúng ta có được một chút ít từ chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng thực chất hưởng lợi không đáng kể.

Ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang khẳng định, nếu chủ trương giao đất tới 99 năm thành hiện thực, Nhà nước sẽ thiệt hại.

Theo ông Toàn, hiện tại chính sách giao đất cho nhà đầu tư các dự án đã lên tới mức tối đa 70 năm, phổ biến là giao đất trong mốc 50-55 năm, tùy từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, thời hạn 50 năm có thể nói đã khá dài. Nếu tính về hiệu quả sau khi đầu tư, chỉ cần 10, 15 hoặc nhiều lắm 20 năm là doanh nghiệp đã thu hồi vốn và có lãi, khoảng thời gian sau đó chỉ thu lợi nhuận ròng.

Để thu hút nhiều dự án, chính sách ưu đãi là cần thiết, không cần thiết phải “hy sinh” quá nhiều cho doanh nghiệp. Đất đai là loại tài nguyên có giới hạn, đồng thời cũng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trên đảo Phú Quốc, nguồn lực đất đai càng hạn chế so với đất liền.

Không lo vì có chế tài?

Thể hiện một quan điểm khác, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lạc quan “người ta bỏ tiền kinh doanh thì họ phải thu lợi nhuận, người ta có lấy được đất của mình đâu”.

Ông cũng cho rằng, chuyện lo ngại sẽ thành đất của họ, rồi công nhân lao động sinh sống ở đó là suy nghĩ không thực tế vì Việt Nam có nhiều bộ luật khác để chế tài. Chẳng hạn như các quy định về thời gian lao động, quy định về xuất nhập cảnh…

“Luật đặc khu cần làm càng sớm càng tốt, đi đôi với đó là các điều kiện đặc thù để bổ sung. Mình không ủng hộ thì sẽ là sai lầm”, ông Thân nói với báo Tuổi trẻ.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, trước đó, bà Đỗ Thị Lan – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, hiện đã có cơ chế cho doanh nghiệp thuê đất trong thời hạn 70 năm, “giờ thêm 29 năm nữa là tạo ra cơ chế vượt trội”. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng đã quy định chỉ những trường hợp đặc biệt như nhà đầu tư lớn, lĩnh vực đặc biệt… mới được hưởng thời hạn 99 năm đó.

“Việc nới rộng thời hạn cho thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hiện chúng ta còn kém trong việc mời gọi các nhà đầu tư này”, bà Lan nói.

Minh Thái (Tổng hợp)


TOP