Đền Am - Di tích Quốc gia mới được công nhận

Đền Am – Di tích Quốc gia mới được công nhận

Đền Am thuộc thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là nơi nhân dân địa phương thờ phụng, tri ân công đức của Đức Thánh Tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566 – 1641).
3

Tín ngưỡng thờ tự Đức Thánh tổ Bùi Huệ Tộ tại đền Am ngoài mang ý nghĩa thờ tự một vị chân tu, một vị phúc thần còn mang một ý nghĩa riêng khác, bởi đây chính là quê hương của Ngài. Sau khi Thánh tổ “hỏa trung hóa Phật”, để ghi nhớ công đức, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng. Ngôi đền được xây dựng ngay trên nền đất thảo am mà trước đây Đức Thánh tổ đã tạo dựng. Mặc dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng việc thờ tự của nhân dân ở vùng quê Nam Trực nói chung, thôn Nhất nói riêng đối với Thánh tổ vẫn không hề thay đổi. Điều đó đã thể hiện sự tri ân, niềm tôn kính sâu sắc của người dân đối với công lao của Ngài, một vị chân tu suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống yên bình, no ấm của nhân dân. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 14 tháng 12 năm 2012, Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 4898/QĐ- BVHTTDL công nhận đền Am, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích cấp Quốc gia. Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia thứ 76 của tỉnh.

Thiền sư Bùi Huệ Tộ sinh ra trong một gia đình nề nếp, giàu truyền thống hiếu học. Thân phụ ông là Bùi Nhất Lang, hiệu là Phúc An và thân mẫu là Nguyễn Nhất Nương, hiệu là Thục Tiết. Được cha mẹ nuôi dạy và cho ăn học tới tuổi trưởng thành, Bùi Huệ Tộ đã hai lần lập gia đình nhưng cả hai lần các bà vợ đều qua đời sớm do lâm bệnh hiểm nghèo. Trước bối cảnh xã hội rối ren bởi sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến, thấy cuộc đời nhiều nỗi éo le, trắc trở, năm 32 tuổi, Bùi Huệ Tộ đã chọn con đường xuất gia tu hành. Qua nhiều năm tu hành, ông đã giác ngộ và tìm thấy chân lý của đạo Phật là cứu nhân, độ thế. Tương truyền, khi thân phụ (Thánh phụ) và thân mẫu (Thánh mẫu) qua đời, Thiền sư đã trở về thôn Nhất dựng am thờ Phật, thân phụ, thân mẫu và chân linh tiên tổ họ Bùi. Tại đây, ngài đã giúp đỡ người dân quê mình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau khi Thiền sư hóa đàn tại Cổ Tung, để ghi nhớ công đức, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng. Ngôi đền được xây dựng ngay trên nền đất thảo am mà trước đây ngài đã dựng. Hiện ngôi đền còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong thần (niên hiệu Cảnh Hưng 44: 1783, Thành Thái1: 1889, Khải Định 9: 1924) ca ngợi công đức và sự tôn vinh của các triều đại phong kiến đối với Thiền sư. Ở thôn Nhất, thị trấn Nam Giang còn có những di tích, địa danh cổ như: Từ đường họ Bùi, mộ Thánh phụ, Thánh mẫu, mộ Phát tường, phát tích thánh nhân; quán Thừa Lương (quán Ngói), cồn Tiền, mả Gạo…Đây là những chứng cứ vật chất có sức thuyết phục để khẳng định mối liên quan, sự gắn bó mật thiết của Thiền sư Bùi Huệ Tộ đối với quê hương.

Đền Am tọa lạc trên một khu đất rộng 2.685m2, mặt quay về hướng tây nam, xung quanh đền có nhiều cây lưu niên tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, đền Am gồm các hạng mục kiến trúc chủ yếu sau: Hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, công trình đền chính và hai dãy giải vũ nội. Tất cả các hạng mục công trình được trải dài theo trục bắc nam.

Đền chính có kiến trúc kiểu chữ “công” gồm tiền đường, trung đường và cung cấm. Tòa tiền đường 3 gian 2 chái. Hai hồi hiên trước cửa tiền đường xây hai cột đồng trụ bằng đá, ba mặt khắc câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của Thiền sư. Bộ cửa tiền đường được gia công theo kiểu bức bàn chạy suốt 5 gian của công trình, được tạo dựng bởi sự liên kết của 6 bộ vì, hai bộ vì gian giữa thiết kế theo kiểu: Thượng cuốn vành mai, hạ kẻ bẩy, mỗi bộ vì bố trí 3 cây cột theo kiểu chốn cột cái phía trước, tạo dáng búp đòng, phần chân cột được kê trên các chân tảng đá xanh hình cổ bồng và hình vuông tạo thế vững chắc. Hai bộ vì bên thiết kế theo kiểu mê cốn, bẩy tiền, bẩy hậu. Trên bức mê của các bộ vì nay đều chạm họa tiết mặt hổ phù rất lớn, mê nách chạm họa tiết triện tàu. Bẩy hiên chạm họa tiết triện tàu, tùng, cúc, chữ “thọ”. Mái của tiền đường là bộ mái cong phẳng, gồm các cấu kiện: hoành, rui làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Bờ nóc trang trí họa tiết rồng chầu, hai hồi đốc còn đắp họa tiết mặt hổ phù. Tòa trung đường kiến trúc theo lối cuốn vòm, cột gạch chồng lâu 2 tầng 8 mái, được tôn tạo lại năm Kỷ Tỵ (1989). Phần cổ lâu, phía trước đắp nổi 4 chữ đại tự: Thánh tổ linh từ, hai mặt bên đắp trang trí họa tiết long cuốn thủy, phượng hàm thư, long mã…Trung đường là nơi đặt ban thờ công đồng và bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị, đặc biệt là cỗ ngai mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Nối liền phía sau trung đường là tòa cung cấm với 3 gian. Bộ khung của tòa cung cầm được tạo dựng bởi sự liên kết của 4 bộ vì thiết kế theo kiểu: Thượng cốn vành mai, hạ kẻ bẩy (chỉ có bẩy hậu), bộ phận chịu lực của hai bộ vì gian giữa là ba hàng cột. Bộ phận chịu lực của hai gian bên là 4 hàng cột với kích thước cột cái và cột quân tương tự vì gian giữa. Hầu hết các cấu kiện gỗ tại cung cấm đều được gia công và lắp dựng theo lối bào trơn, đóng bén. Trang trí mỹ thuật ở đây đáng chú ý nhất là tại câu đầu của gian bên phải có chạm họa tiết lá hỏa, mặt trời, vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Cung cấm là không gian thờ tự quan trọng nhất của ngôi đền: Gian giữa đặt bài vị, tượng thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ, gian bên phải đặt bài vị thờ Thánh mẫu, gian bên trái đặt bài vị thờ Thánh phụ. Giải vũ nội chia thành 2 dãy, mỗi dãy gồm 4 gian, được xây đối xứng với nhau theo kiểu thu hồi bít đốc, các bộ vì được thiết kế theo kiểu kèo cầu, quá giang bằng gỗ, là nơi hội họp của dân làng.

Qua khảo sát nghiên cứu, các hạng mục kiến trúc của đền Am đều được lắp dựng bằng gỗ lim, mái ngói nam mang đậm phong cách cổ truyền dân tộc, tại đây còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc đã góp phần tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc. Các họa tiết trang trí tại đền được thể hiện ở các cấu kiện kiến trúc như: hệ thống bẩy tiền, bẩy hậu được chạm khắc các đề tài: lựu, cúc, trúc, mai ở cả hai mặt. Trên các nóc gian giữa tiền đường chạm khắc họa tiết cánh sen, hai gian giáp đốc của tiền đường chạm khắc họa tiết hổ phù rất sinh động. Đặc biệt trên xà nách của hai gian chái tiền đường còn lưu giữ được mảng chạm long vân mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII. Nghệ thuật trang trí tại đền Am còn được tập trung vào các chân tảng đá của 2 gian giáp đốc tòa tiền đường. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đền Am còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu là: Ngai và bài vị thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ; tượng Thiền sư Bùi Huệ Tộ; bia đá “Linh từ bi ký” và “bách thế, bách thiên”; truy viễn miếu bi; sắc phong; Sách Thánh tổ thực lục; nón tu lờ.

Hàng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng (âm lịch) là ngày sinh, đồng thời cũng là ngày hóa của Đức Thánh tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ, nhân dân địa phương mở hội lớn. Ngoài ra, vào ngày 27 tháng 4 là ngày lễ kỵ Thánh mẫu, ngày 16 tháng 11 là ngày lễ kỵ Thánh phụ, dân làng tổ chức làm lễ dâng hương, dâng lễ tại đền. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu, múa rối nước. Lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại di tích đền Am không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao của Thiền sư Bùi Huệ Tộ mà còn tiềm ẩn những nét văn hóa dân gian đặc sắc ở một làng quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông đền Am cùng những di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị trấn Nam Giang đã được Nhà nước xếp hạng là chùa Đại Bi, đền Giáp Ba, đền Giáp Tư sẽ tạo thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, nhất là dịp hội chợ viềng xuân (Nam Giang, Nam Trực) mồng 8 tháng Giêng hàng năm, góp phần phát huy tốt các giá trị của di tích, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống.


TOP