Độc lạ những ngôi chùa mang kiến trúc “nửa Tây nửa ta” ở Việt Nam - Nam Định , Tiền Giang ...

Độc lạ những ngôi chùa mang kiến trúc “nửa Tây nửa ta” ở Việt Nam – Nam Định , Tiền Giang …

Chùa Cổ Lễ ở Nam Định, chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang, chùa Tây An ở An Giang… là những ngôi chùa nức tiếng gần xa nhờ lối kiến trúc “nửa Tây nửa ta” vô cùng độc đáo và hấp dẫn.

1. Nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nổi tiếng xứ Thành Nam. Ban đầu, chùa được xây bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ truyền. Đền đầu thế kỷ 20, chùa được xây lại hoàn toàn.

Nét đặc sắc nhất của chùa Cổ Lễ là việc áp dụng những yếu tố kiến trúc Gothic giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận, thể hiện rõ nét ở các các cột và vòm cửa tròn.

Chính điện của chùa có các vòm cửa, bệ đài mang hơi hướng kiến trúc thánh đường Công giáo. Kiểu kiến trúc này cũng được thể hiện ở các điện thờ khác trong chùa.

Bên cạnh đó, chùa Cổ Lễ cũng gây ấn tương với nhiều công trình độc đáo khác, nổi bật là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 mét, có 8 mặt, dựng năm 1927…

2. Chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từ lâu nay vẫn được coi là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, nổi tiếng bậc nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chùa mang một lối kiến trúc rất đa dạng, là sự tổng hợp của các phong cách Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm, Hoa và Việt.

Nét kiến trúc La Mã ở chùa Vĩnh Tràng được thể hiện qua những hàng đá hoa màu sắc rực rỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những hàng cột kiểu cách.

Chính điện của chùa được bài trí trang nghiêm, mang phong cách kết hợp Hoa – Việt, được tô điểm bằng các chùm đèn pha lê kiểu châu Âu.

Cận cảnh những họa tiết trang trí kiến trúc đậm nét phương Tây ở chùa Vĩnh Tràng.

3. Nằm ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, chùa Tây An được du khách gần xa biết đến với kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ – vùng đất được người Việt xưa gọi là xứ Tây Phương – và kiến trúc cổ dân tộc Việt.

Điểm ấn tượng nhất của chùa là chính điện với ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành, giống những đền chùa ở Ấn Độ.

Bốn cột tháp ở tầng dưới có các tượng hộ pháp được tạo hình theo phong cách Ấn Độ. Chân cột, đầu cột, phù điêu và các hoa văn trang trí trên tường cũng được tạo hình giống với phong cách đặc trưng của xứ cà ri.

Có thể coi chùa Tây An là một biểu tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tags:

TOP