Gặp gỡ 2 gương mặt thủ khoa THPT tiêu biểu của đất học Nam Định

Gặp gỡ 2 gương mặt thủ khoa THPT tiêu biểu của đất học Nam Định

Thủ khoa khối A1 tỉnh Nam Định Đào Trọng Tuấn cho rằng “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” vì thế quá trình học phải chuyên tâm, tập trung.

Em Đào Mạnh Tuấn (học sinh lớp 12 Toán 1), Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định, Thủ khoa khối A1 của tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTVXN)

Em Vũ Thị Phương (học sinh lớp 12 chuyên Sử) và Đào Trọng Tuấn (học sinh lớp 12 Toán 1), trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định là những thủ khoa tiêu biểu của “đất học” thành Nam trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Học cho chính mình

Với phương châm học cho chính mình, em Đào Trọng Tuấn, học sinh lớp 12 Toán 1, trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong đã không ngừng nỗ lực, đạt thành tích cao trong học tập. Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, Tuấn đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối A1 tỉnh Nam Định với số điểm 28,3 (tiếng Anh, Toán đều đạt 9,4 điểm; Vật lý 9,5 điểm).

Cô Nguyễn Thanh Xuân, mẹ Tuấn cho hay, từ nhỏ Tuấn yêu thích đọc sách, báo. Lớn dần, em ngày càng thể hiện khả năng học tập của mình. Dù yêu thích, có hứng thú đặc biệt với các môn học tự nhiên, nhất là môn Toán song Tuấn vẫn học đều và đạt thành tích cao ở tất cả môn học.

Tuấn thi và đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán, trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong. Dưới sự dìu dắt của thầy cô, năm nào kết quả học tập của Tuấn cũng nằm ở top đầu của lớp, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Năm lớp 11, em đạt huy chương vàng giải Olympic Toán học Khu vực duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tuấn cho rằng “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” vì thế quá trình học phải chuyên tâm, tập trung, nhất là phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc. Học trên lớp, tự học ở nhà, học nhóm, học trực tuyến qua mạng, vấn đề nào chưa rõ, chưa hiểu, cố gắng nghiên cứu vẫn không có đáp án mới tìm thầy cô, bạn bè để tham khảo, nhờ giúp đỡ. Đối với các môn học tự nhiên, ghi nhớ lý thuyết mới chỉ là điều kiện cần, phải vận dụng được những điều đã học vào thực hành, giải quyết các dạng bài tập từ dễ đến khó mới quan trọng.

Không những thế, mỗi bài tập dù chỉ cho ra một kết quả nhưng có thể nhiều cách giải khác nhau nên phải vận dụng nhuần nhuyễn lý thuyết đã học để tìm ra phương pháp hay nhất, hiệu quả nhất. Khi nắm vững phương pháp giải các dạng bài thì có thể rút ngắn thời gian làm bài tập, bài thi, tận dụng tối đa quỹ thời gian để hoàn thành tốt các nội dung thi.

Tuấn tâm sự, kiến thức lĩnh vực nào cũng hữu ích, do đó không nên học lệch. Dù vậy, cần biết thế mạnh của mình để phát huy. Em suy nghĩ, trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, ngoài các môn học truyền thống, tiếng Anh được xem là “chìa khóa” để tiếp cận tri thức nhân loại và hội nhập. Vì thế, cần phải dành thời gian học tốt môn học này. Với nỗ lực tự học theo giáo trình, học trên mạng, nghe nhạc, xem những bộ phim bằng tiếng Anh, giờ đây, Tuấn tự tin có thể giao tiếp tốt với bạn bè khi tham dự các cuộc thi ở khu vực và quốc tế.

Thầy Phạm Bắc Phú, giáo viên chủ nhiệm Toán 1, trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, đánh giá Đào Trọng Tuấn là học sinh thông minh, học tốt toàn diện. Suốt ba năm học vừa qua, Tuấn luôn xếp tốp đầu trong các kỳ thi của trường và đã đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Em Đào Mạnh Tuấn (học sinh lớp 12 Toán 1) trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định, Thủ khoa khối A1 của tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTVXN)

Vượt lên hoàn cảnh

Từ khi kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được công bố, ngôi nhà nhỏ ở làng quê nghèo xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định của em Vũ Thị Phương, học sinh lớp 12 chuyên Sử, trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong đông vui hơn ngày thường.

Bà con lối xóm, bạn bè đến chúc mừng Phương đã xuất sắc đạt 27,5 điểm (Văn 8,5; Sử và Địa mỗi môn 9,5), trở thành thủ khoa khối C tỉnh Nam Định.

Mọi người càng khâm phục tinh thần tự lập, vượt lên hoàn cảnh của cô thủ khoa có dáng người nhỏ nhắn này khi biết rằng do hoàn cảnh khó khăn và tính chất công việc, bố mẹ cùng ba chị em của Phương đã chuyển lên Hà Nội sinh sống, chỉ còn mình em ở cùng ông bà nội từ nhỏ.

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình và không muốn ông bà, bố mẹ phải phiền lòng, em luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập thật tốt. Không tự gây áp lực cho mình trong quá trình học song Phương xác định “Việc hôm nay, không để ngày mai.” Mọi bài tập, bài học phải cố gắng hoàn thành trước khi đến lớp để có thể tự tin trả bài khi thầy cô yêu cầu.

Em chia sẻ nhận thức là một quá trình, từng ngày, từng tháng,… không thể đốt cháy giai đoạn, do đó sau khi tiếp thu, tích lũy kiến thức trong sách vở, bài giảng của thầy cô phải thường xuyên ôn luyện, trau dồi, cập nhật những kiến thức mới, đồng thời ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, đời sống, có như vậy mới nắm vững bản chất của vấn đề, nội dung bài học, chuyên đề mình quan tâm, nghiên cứu.

Chính nhờ phương châm này mà em luôn đạt thành tích cao trong học tập và đỗ vào các trường chuyên của huyện, của tỉnh. Nói về các môn khoa học xã hội, Phương chia sẻ trong quá trình học, em nhận thấy mình có khả năng ghi nhớ nhanh các sự kiện, dữ liệu lịch sử, địa lý.

Những môn học này đã cho em hiểu được quá trình hình thành, phát triển của tự nhiên, xã hội. Đi sâu vào tìm hiểu, Phương càng thấy rất thích thú, liên tiếp trong các năm học lớp 8, lớp 9 em đã giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Sử.

Tiếp tục theo đuổi đam mê của mình, Vũ Thị Phương thi và đỗ vào lớp chuyên Sử của trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong. Khả năng của Phương nhanh chóng được thể hiện khi em giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử; đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh nhóm các môn Văn-Sử-Địa năm học 2018-2019.

Trái với tâm lý “sợ” học các môn Văn-Sử-Địa của nhiều bạn vì cho rằng phải học thuộc, Phương tiết lộ muốn hiểu, ghi nhớ vấn đề, nội dung bài học trước tiên phải chăm chỉ, có ý thức tự học, sử dụng đồng bộ các phương pháp học tổng hợp để hỗ trợ quá trình học. Phương thường sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp và ghi nhớ kiến thức một cách khoa học, dễ hiểu và không để nhầm lẫn các sự kiện với nhau.

Ngoài việc nắm chắc kiến thức bài học, phần học cần phải đọc thêm nhiều tài liệu, sách, báo để tích lũy kiến thức, hiểu biết và nắm bắt các vấn đề xã hội mới có thể làm tốt được phần thi nghị luận xã hội theo yêu cầu.

[Dự báo điểm chuẩn từng ngành của các trường đại học trên cả nước]

Cô Trần Hải Tú, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Sử, trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, nhận xét Phương có năng lực tự học tốt, nắm chắc kiến thức cơ bản, tư duy nhanh, mạch lạc, sáng tạo trong giải quyết các câu hỏi, tình huống vận dụng, liên hệ thực tiễn./.

Nguyễn Lành (TTXVN/Vietnam+)


TOP