Giám đốc Học viện Quân Y nói về chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19: "Chúng ta không đánh đổi sự an toàn của cộng đồng với bất cứ cái gì khác"

Giám đốc Học viện Quân Y nói về chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19: “Chúng ta không đánh đổi sự an toàn của cộng đồng với bất cứ cái gì khác”

Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 tại Việt Nam, tính an toàn được đặt lên hàng đầu. Đại diện Học viện Quân Y cam kết, nếu không an toàn, họ sẵn sàng độc lập dừng lại. “Chúng ta không đánh đổi sự an toàn của cộng đồng với bất cứ cái gì khác”, ông nói.

Sáng 10/12, Bộ Y tế phối hợp với Học viện Quân Y, Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen chính thức phát động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 có tên Nanocovax.

Nanocovax là ứng viên vaccine được nghiên cứu và sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp. Trươc khi đưa ra thử nghiệm lâm sàng, Nanocovax đã đạt tất cả các chỉ tiêu tiền lâm sàng, được các cơ quan chức năng kiểm duyệt.

Toàn cảnh buổi lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 sáng 10/12

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y bày tỏ niềm vui mừng khi Học viện Quân y là đơn vị tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. “Hôm nay chính thức khởi đầu giao đoạn mới, chúng tôi nỗ lực hết sức và cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Ông Quyết nhận định, Covid-19 là đại dịch lớn chưa từng có, tác động mọi ngõ ngách đời sống người dân trên toàn thế giới, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

“Đại dịch Covid-19 chưa dừng lại, chưa có dự báo đỉnh dịch. Các nhà khoa học dự báo, 2-3 năm nữa mới có thể kiểm soát tình hình. Điều này đặt ra vấn đề, rằng chúng ta cần có nhiều giải pháp hơn nữa, để có thể khống chế Covid-19”, ông Quyết nói.

Đối với quân đội, Thủ tướng có 1 lời hiệu triệu “phải chống dịch như chống giặc”. Vaccine Covid-19 được xem là “vũ khí” đầu tiên có thể tiêu diệt “kẻ địch”.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y

Để chương trình thử nghiệm được diễn ra an toàn và đảm bảo, Học viện Quân y đã dồn toàn sức lực trong nhiều tháng qua. Trung tâm vaccine của Học viện gồm 24 giường bệnh, hệ thống tiêm truyền cấp cứu, cả đội ngũ bệnh viện sẵn sàng ứng trực trong mọi tình huống.

“Ngày hôm nay chúng ta tổ chức buổi lễ đầu tiên, có thể coi như buổi lễ ra quân, để chiêu mộ tình nguyện viên, thực hiện nhiệm vụ thắng lợi. Tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay vào sự nghiệp “chống giặc” của cả nước. Hãy thể hiện vai trò, trách nhiệm cá nhân, cũng là quyền lợi của chúng ta”, ông Quyết nhấn mạnh.

Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng này, tính an toàn được đặt lên hàng đầu. “Tôi cam kết, nếu không an toàn, chúng tôi sẵn sàng độc lập dừng lại. Chúng ta không đánh đổi sự an toàn của cộng đồng với bất cứ cái gì khác”.

Ông Quyết cam kết không để tai biến hay phản ứng phụ trong quá trình thử nghiệm, cố gắng phối hợp cùng các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ lớn lao này.

“Chúng ta sẽ sớm có vaccine made in VietNam, sử dụng cho người Vệt Nam thật an toàn và hiệu quả”, ông Quyết tin tưởng.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế bày tỏ sự ấn tượng với cách đầu tư nghiên cứu vô cùng nghiêm túc và khoa học của Học viện Quân Y và công ty Nanogen. Ông hy vọng, thời gian tới, kế hoạch triển khai tiêm vaccine sẽ thành công, đảm bảo an toàn và tính hiệu quả phục vụ cộng đồng.

“Việc nghiên cứu vaccine không chỉ phụ thuộc vào nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, nhà quản lý mà còn phục thuộc rất nhiều vào cộng đồng. Tôi kêu gọi sự chung tay của người dân với ngành y tế để có chương trình nghiên cứu an toàn, hiệu quả, từ đó có sản phẩm vaccine an toàn phục vụ người dân”, ông Quang phát biểu.

Ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Nanogen

Ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Nanogen nhận định, chủng virus SARS-CoV-2 rất “thông minh”, công ty đã tốn rất nhiều thời gian để làm nên loại vắc xin đáp ứng tốt nhất.

“Chúng tôi loay hoay đi từng bước chậm, vì công việc này đòi hỏi tính khoa học tất cao, tỉ mỉ chi tiết. Hàng trăm con người làm việc ngày làm đêm trong suốt 6 tháng mới hoàn thành quy trình sản xuất này”, ông Nhân nói.

Nanocovax là ứng viên vaccine được nghiên cứu và sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi đưa ra thử nghiệm lâm sàng, Nanocovax đã đạt tất cả các chỉ tiêu tiền lâm sàng, được các cơ quan chức năng kiểm duyệt.

“Chúng ta nếu không có vaccine sớm, sẽ mất thêm nửa năm 2021, thậm chí năm 2022, vì dịch bệnh cứ bùng lên rồi kiểm soát. Đời người mất đi vài năm tự do, thì chẳng khác nào chúng ta bị con virus này cầm tù”, ông Nhân nhấn mạnh và bày tỏ niềm tin tưởng vào vaccine nanocovax, để “chúng ta sẽ có một cái Tết thật vui và nhiều cảm xúc”.

Ông Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen

Ông Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen, chia sẻ đã tính toán tới các biến cố bất lợi, gây ảnh hưởng tính mạng theo quy định thử nghiệm lâm sàng khi thiết kế đề cương lâm sàng.

Hiện tại các công tác chuẩn bị và xử lý sự cố đó đã được xử trí rất chỉn chu. Học viện Quân y bố trí sẵn ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia.

Từ tháng 5/2020, Công ty Nanogen đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học – Công nghệ.

Vaccine Covid-19 có tên gọi nanocovax tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2°C – 8°C).

Sau quá trình thử nghiệm tiên lâm sàng trên chuột Balb/c, chuột Hamster và khỉ cho kết quả rất tốt, Nanogen đã nộp hồ sơ xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người.

Sáng 9/12, Hội đồng Đạo đức/Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế đã họp và phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine nanocovax. Từ ngày 10/12, Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), bắt đầu quá trình thử nghiệm vaccine trên người.

Tags:

TOP