Giao Thủy: Thăm “nơi lưu giữ hồn quê Việt”

Giao Thủy: Thăm “nơi lưu giữ hồn quê Việt”

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, “Khu văn hóa truyền thống” của bà Ngô Thị Khiếu, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đã cơ bản hoàn thành và sắp đi vào hoạt động.

Đây là công trình tư nhân kết hợp giữa bảo tàng và thư viện tái hiện một không gian sinh hoạt truyền thống của người dân thôn quê Bỉnh Di nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Công trình ra đời nhằm lưu giữ những tinh hoa của làng quê đang mai một dần do tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn, đồng thời giữ lại cho thế hệ con cháu những giá trị truyền thống quý báu của cha ông xưa. Có thể nói, những gì được xem là “hồn cốt” của làng quê Việt Nam đã và đang được “Khu văn hoá truyền thống” lưu giữ, trưng bày rất ấn tượng trong một không gian rộng hơn 5.000m2.

Làng quê Giao Thủy hôm nay.

Làng quê Giao Thủy hôm nay.

Bà Ngô Thị Khiếu, sinh năm 1955, là một giáo viên đã nghỉ hưu. Gia đình bà là một gia đình truyền thống, có sự gắn bó mật thiết với quê hương. Mô tả về công trình của mình, bà Khiếu cho biết: Quần thể khu bảo tàng kết hợp với thư viện này gồm có 5 ngôi nhà với 5 phong cách khác nhau, thể hiện cho các giai đoạn phát triển của làng quê Việt Nam. Ngôi nhà thứ nhất được xây dựng và bài trí tượng trưng cho tầng lớp nông dân nghèo. Ngôi nhà này tường được đắp đất (trát vách), nền đất, mái rạ. Trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, được trồng hai cây cau như hai cây cột để buộc dây phơi quần áo. Trong nhà có một chiếc cối xay được làm bằng tre và gỗ, một chiếc cối giã gạo, cày, cuốc, đôi quang gánh, thúng mẹt, vó tép… là những vật dụng quen thuộc của những người nông dân nghèo khi xưa. Ngôi nhà thứ hai tượng trưng cho tầng lớp trung nông, được xây dựng bằng gạch với kết cấu kiên cố hơn so với nhà của nông dân, có thêm gian buồng, mái nhà được luồn gianh, lợp bổi; bên trong được bố trí ngăn nắp các đồ dùng sinh hoạt. Ngôi nhà này sau khi đưa vào sử dụng còn là nơi biểu diễn nghề dệt cói truyền thống của quê hương. Thể hiện cho tầng lớp địa chủ là ngôi nhà thứ ba, được xây dựng kiên cố, các khung cửa, cánh cửa được làm bằng gỗ lim và sến, mái nhà được lợp ngói nam, quái giang ngôi nhà, vì kèo cũng đều được làm bằng những loại gỗ quý. Trong nhà có nhiều các hiện vật có giá trị tượng trưng cho tầng lớp quyền lực lúc bấy giờ với giường, sập gụ, tủ chè…

Ngôi nhà thứ tư được thiết kế xây dựng theo kiểu gác tường, lợp ngói, thể hiện cho sự phát triển của xã hội, có sự kết hợp cổ kim, quái giang của ngôi nhà được chạm trổ tinh xảo, nghệ thuật, thể hiện tính thẩm mỹ của người Á Đông. Ngôi nhà thứ năm mang phong cách hiện đại, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thiết kế theo mô hình bảo tàng nhưng không cầu kỳ, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Tòa nhà là điểm nhấn của khu bảo tàng với kết cấu hình khối 4 tầng, tầng 1 dành cho bộ phận lễ tân; tầng 2 và 3 là bảo tàng trưng bày các hiện vật được sưu tầm với giá trị lịch sử phát triển của nông thôn Việt qua từng thời kỳ; tầng 4 là thư viện. Trong khu văn hóa truyền thống, còn xây dựng một hầm chữ A ở phía sau tòa nhà nhằm mô tả lại cảnh người dân tránh bom đạn thời chống Mỹ.

Bà Ngô Thị Khiếu giới thiệu về các dụng cụ sinh hoạt của người nông dân.

Bà Ngô Thị Khiếu giới thiệu về các dụng cụ sinh hoạt của người nông dân.

Trong nhiều năm qua, bà Khiếu cùng gia đình và bạn bè khắp nơi đã sưu tầm được khoảng 1.000 hiện vật bao gồm mâm đồng, nồi đồng, đèn dầu bằng đồng và hàng trăm nông cụ sản xuất của nông dân như cày bừa, cuốc thuổng, gầu tát nước, nong nia, rổ rá các loại, cối xay thóc, giã gạo…

Về thư viện hiện đã có hơn 1.000 đầu sách như Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Văn học, Tạp chí Cổ vật, các cuốn sách viết về Bác Hồ… các sách lịch sử các địa phương như Thủ đô Hà Nội, Nam Định, các danh nhân văn hóa và các đầu sách về khoa học kỹ thuật, phong tục, y học, văn hóa ẩm thực và các sách về chủ đề nông nghiệp phục vụ bạn đọc và khách tham quan.

Ý tưởng xây dựng bảo tàng của bà xuất phát từ một thực tế diễn ra cách đây hơn chục năm khi ở khắp các làng quê, người dân đem bán rất nhiều đồ vật như nồi đồng, mâm đồng, sanh đồng, đèn dầu bằng đồng, các khung nhà gỗ có tuổi thọ cả trăm năm với giá rất rẻ. Thấy tiếc, bà mua gom lại, nhiều người thấy vậy để rẻ cho bà, có người còn biếu, không lấy tiền. Trong một dịp khác, một lần tham dự khai trương trường mầm non Bỉnh Di, thấy trường còn thiếu thốn quá nhiều thứ, không có nơi vui chơi, giải trí, đồ dùng học tập cho các cháu, về nhà bà nêu ý tưởng xây dựng thư viện với gia đình và mọi người đều ủng hộ. Bà đã lập đề án xây dựng bảo tàng kết hợp với thư viện và đặt vấn đề này với lãnh đạo xã xin thầu khu đất trống cạnh trường mầm non làm thư viện, để phục vụ các cháu học sinh và người dân, cũng như đầu tư xây dựng một khu bảo tàng nhằm lưu giữ lại những nét văn hóa của người dân lao động nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ khu bảo tàng được xây dựng đơn giản, thân thiện và phù hợp với văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ theo chiều dài lịch sử. Nói về phương pháp quản lý, bà Khiếu cho biết, hiện tại đã sắp xếp ổn định trong đó có những người con của quê hương đã học qua trường lớp về văn thư và du lịch cùng tham gia quản lý bảo tàng và thư viện. Trong quá trình khai thác, bà sẽ miễn phí tham quan, vui chơi giải trí và đọc sách cho học sinh, sinh viên và nhân dân trong huyện. Ngoài việc tham quan phong cách 5 ngôi nhà, khách đến với khu văn hóa truyền thống này còn được làm những người nông dân thực thụ, có thể lội xuống ruộng để cấy lúa, tát nước, mò cua bắt ốc, cất vó tép… và có thể tự vào bếp nấu những món ăn theo ý thích từ những sản phẩm mình bắt được. Từ Thị trấn Quất Lâm đến khu văn hóa truyền thống này chỉ khoảng 7km nên đây sẽ là điểm tham quan lý thú cho du khách khi về với quê hương Giao Thuỷ./.
Nguồn tin: Báo Nam Định


TOP