Hơn 750 năm “Thiên địa trường tồn”

Hơn 750 năm “Thiên địa trường tồn”

Ngược tìm những dòng thư tịch xa xưa, vùng đất Nam Định nay – Thiên Trường xưa từng là một trong hai trung tâm chính trị – kính tế – văn hóa của thế kỷ XIII – XIV. Theo học giả Đào Duy Anh trong “Đất nước Việt Nam qua các thời đại” thì Phủ Thiên Trường xưa tương đương với cả miền hữu ngạn hạ lưu sông Hồng và một phần tả ngạn Huyện Thư Trì (Long Hưng – Thái Bình). Mảnh đất đó không chỉ là đất phát tích, quê hương và đất Thang mộc của nhà Trần, mà lịch sử từng coi như kinh đô thứ hai của triều đại Trần, nơi đầu não chính trị Đại Việt, một trung tâm văn hóa lớn của cả nước lúc đương thời.

Cuốn Ngọc phả nhà Trần chép lại: “Họ Trần đi nhiều nơi để tìm đất lập nghiệp, nhưng chỉ yêu mến khu Khang Kiện (thuộc xã Lộc Vượng) bèn xây dựng nhà thờ tổ tại đây”. Địa thế rộng rãi, hình vòng vo, có chỗ kiểu thủy tinh phù mộc, mạch đi chữ càn liên tiếp ba chữ giữa có nét ngắn, đằng trước có ao nhỏ, được phát “Dương trạch”, đó là đất phát tích đế vương theo thế quý Ngọa Long. Bằng cách nhìn địa văn hóa, địa hình, dân cư thuận lợi của đất Tức Mạc, nằm ở cửa sông, gần biển, trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ, quần cư đông đúc nên họ Trần đã định cư và nhanh chóng tổ chức cuộc sống trở thành dòng họ có thế lực mạnh ở vùng này.

Dưới triều Trần (năm 1225 – 1400), Phủ Thiên Trường được coi là một phủ đặc biệt quan trọng, chỉ sau kinh đô Thăng Long. Sau khi thay vương triều nhà Lý, lên nắm quyền điều hành đất nước (năm 1225), dòng họ Trần đứng đầu là Trần Cảnh và Thái sư Trần Thủ Độ nghĩ ngay tới mảnh đất dấy nghiệp của dòng họ mình. Chỉ sau 14 năm cầm quyền, Trần Thái Tông đã cử Phùng Tá Chu sửa “gia từ” đất Khang Kiện đồng thời xây dựng cung Thiên Trường “kiểu cách như kinh đô Thăng Long” thành khu cung điện sầm uất tạo vị thế là một trong những trung tâm văn hóa – chính trị – kinh tế thế kỷ XIII – XIV. Về mặt hành chính, nhà Trần đặt Thiên Trường là phủ trọng yếu. Mặt khác, Nhà Trần không chỉ coi Thiên Trường là quê hương, nơi có miếu mạo dòng họ nhà vua, mà còn là nơi nghỉ ngơi, làm việc, điều hành đất nước của các Thái Thượng hoàng. Với tư cách là một trung tâm văn hóa – kinh tế – chính trị – quân sự từ thế kỷ XIII – XIV, vùng đất Thiên Trường đã đóng góp kho tàng di sản văn hóa dân tộc nhiều tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, văn học… hết sức phong phú và sâu sắc.
1
Mùa xuân năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đến hành cung Tức Mặc, đổi hương Tức Mặc làm Phủ Thiên Trường, đặt quan Lưu thủ để trông coi. Tức Mặc – Thiên Trường chính thức được thăng làm một đơn vị hành chính trọng yếu, quản lý cả một vùng rộng lớn, trung tâm là khu cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa. Đây là mốc thời gian xác định địa danh Thiên Trường trường tồn trong lịch sử – văn hóa dân tộc. Không phải chỉ có cung điện lầu vàng gác tía, chùa tháp, dinh thự, điền trang thái ấp còn cả một căn cứ địa quân sự được xây dựng nơi đây. Do vậy, cả ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, Thiên Trường trở thành căn cứ địa chiến lược để vua tôi nhà Trần lui về trước sức mạnh ban đầu của quân Sát Thát, để rồi phản công chiến lược làm nên chiến thắng lẫy lừng: Chương Dương, Hàm Tử, Đông Bộ Đầu…và đỉnh cao là trận quyết chiếm điểm chiến lược Bạch Đằng lịch sử (năm 1288) đè bẹp ý chí bành trướng xuống Đại Việt và khu vực Đông Nam Á của đế quốc Mông Cổ.
Cuối thế kỷ thứ XVIII – đầu thế kỷ XIX, sau khi Nguyễn
Ánh dựa vào sự ủng hộ của tập đoàn địa địa chủ và thế hệ tư bản Pháp, đánh bại phong trào Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, thống nhất đất nước từ Bắc vào Nam. Bắc Hà bao gồm hai sở trọng yếu là Hà Nội và Vị Hoàng (tức Nam Định) được chú ý xây dựng, củng cố. Từ đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Thế Tổ đã cho đắp thành Nam Định bằng đất, năm Minh Mạng thứ 14 (1839) đã xây thành Nam Định bằng gạch. Thành Nam Định được hình thành có chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc, cao 1 trượng 2 thước 2 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 6 trượng sâu 6 thước, ở địa phận 2 xã Tức Mạc và Năng Tĩnh huyện Mỹ Lộc. Như vậy, Thành Nam được thành lập trên nền tảng của Phủ Thiên Trường. Việc xây thành Nam Định đã dẫn tới hình thành phố, phường và các khu dân cư, chợ búa mọc lên nhân dân tụ hội sầm uất, do đó nhanh chóng trở thành một đô thị sầm uất vào bậc nhất nhì đầu thế kỷ XX ở Bắc Hà.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam kéo dài từ 1585 cho đến 1896. Thời kỳ này dưới con mắt của người Pháp thì thành Nam Định có một vị trí rất quan trọng: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được cả Bắc Kỳ”. Sau khi thôn tính xong Việt Nam, Thực dân Pháp đã tiến hành khai thác thuộc địa, bóc lột sức lao người, sức của dân Việt Nam ta. Thành Nam Định được tiếp tục xây dựng, quy hoạch, nhà máy dệt, rượu, chai… được thành lập. Một trung tâm kinh tế – văn hóa của Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX được xác lập, trên cơ sở cương vực của kinh thành Tức Mạc thế kỷ XIII – XIV.
Có thể nói, quá trình thay đổi địa danh hành chính vùng đất phát tích Nhà Trần diễn ra khá phức tạp, từ Đạo – Lộ – Phủ – Trấn rồi đến Tỉnh. Sang thế kỷ XV, Lê Thái Tổ đã thống nhất Đại Việt và chia cả nước thành 5 đạo. Năm Quang Thuận thứ bảy (năm 1466) đặt Thừa tuyên Thiên Trường, sau đó 3 năm đổi thành Thừa tuyên Sơn Nam. Dưới thời Lê Trung Hưng năm Cảnh Hưng thứ hai (năm 1741) chia ra làm Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ Trấn. Đến thời Tây Sơn lại trở thành Trấn Sơn Nam thượng và Trấn Sơn Nam hạ. Đầu đời Gia Long lại lấy hai trấn Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ lệ vào Bắc Thành. Năm Minh Mệnh thứ ba (năm 1822) đổi thượng Trấn làm Trấn Sơn Nam, hạ Trấn làm Trấn Nam Định. Đến năm 1832, chính thức đặt tỉnh Nam Định.
750 năm đã qua, bao cuộc thăng biến của lịch sử, dù nằm trong một cương vực rộng lớn, hay thu nhỏ về mặt địa văn hóa, thì thành phố Nam Định nay – vùng đất Tức Mạc – Thiên Trường xưa vẫn là nơi hội tụ tinh túy của vùng duyên hải. Đây chính là vùng đất cội nguồn của những danh nhân văn hóa nổi danh trong kho tàng văn hóa dân tộc. Sau này, các thế hệ con cháu lại càng làm cho dấu ấn Thiên Trường đậm đặc, gìn giữ di sản văn hóa bao gồm vật thể, phi vật thể, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước!


TOP