Nam Định: Không khí rộn ràng của làng làm đèn ông sao Báo Đáp

Nam Định: Không khí rộn ràng của làng làm đèn ông sao Báo Đáp

Làng Báo Đáp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từ lâu đã được biết đến là ngôi làng lâu đời ở Việt Nam có truyền thống làm đèn ông sao. Vào mỗi dịp Trung thu, nơi đây đã cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm vạn chiếc đèn ông sao.

Làng Báo Đáp có khoảng 1 nghìn hộ dân thì có tới hơn 1 nửa vẫn duy trì nghề truyền thống làm đèn ông sao.

Về làng Báo Đáp vào những ngày cuối tháng 7 âm lịch, không khí của mùa Trung thu đã rộn ràng từ khắp các ngõ nhỏ vào tận trong nhà người dân nơi đây. Từ những cụ già tới những em nhỏ đang tất bật với công việc làm đèn trung thu để kịp hẹn giao hàng cho khách.

Với nghề chính của cả làng là trồng lúa nước, có gia đình trồng tới 1-2 mẫu lúa. Nhưng khi xong mùa họ lại bắt tay vào làm nghề phụ: làm đèn ông sao và làm hoa nhựa, lụa. Từ đầu tháng Giêng âm lịch, người dân trong làng đã bắt đầu làm đèn ông sao cho tới Trung thu, sau tháng 8 âm lịch họ lại làm hoa nhựa và hoa lụa để kịp bán mùa Tết. Cứ như vậy, cuộc sống người dân nơi đây luôn bận rộn quanh năm.

Từ tháng Giêng, các hộ chuyên làm đèn đã bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm khung đèn, gần Trung thu thì mới dán giấy màu, buộc vành đèn và gắn cán. Trung bình mỗi hộ nếu làm từ tháng Giêng thì Trung thu xuất ra được khoảng 15 nghìn đèn các loại. Còn gia đình nào sát Trung thu mới làm thì chỉ xuất được 5-8 nghìn đèn.

Ông Nguyễn Văn Căng đang tỉ mỉ tạo sườn khung cho đèn.

Ông Nguyễn Văn Căng, một người làm nghề lâu năm trong làng cho biết, vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Công đoạn để sản xuất một chiếc đèn ông sao hoàn toàn thủ công nên cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp.

Khi đến công đoạn hoàn thiện, mỗi ngày một người có thể làm được gần 100 chiếc đèn ông sao với đường kính từ 30 đến 50cm.

Gia đình bà Vũ Thị Hoa chuyên làm đèn cỡ lớn.

Làng Báo Đáp làm đèn truyền thống đã rất lâu đời, thế hệ này truyền cho thế hệ khác để giữ nghề.

Bà Nguyễn Thị Thu, người dân làng Báo Đáp chia sẻ với chúng tôi về những nỗi lo cũng như mong muốn có được 1 chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của làng nghề: Mặc dù đèn ông sao năm nay dễ bán hơn năm ngoái, nhưng với sự biến động thị trường người dân không còn hào hứng để làm đèn nữa, nhiều người trong làng đã bắt đầu chuyển nghề sang nghề mới, làng Báo Đáp đang đứng trước nguy cơ mai một nghề làm đèn ông sao từ bao đời nay.

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang) cho biết: “Trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của huyện Nam Trực chúng tôi sẽ tiếp tục động viên các hộ gia đình tập trung lại để xây dựng các quy ước, quy chế phát triển ngành nghề. Trên cơ sở đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập làng nghề truyền thống để từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ làm nghề, góp phần tôn vinh giá trị của sản phẩm, là tiền để xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường rộng mở hơn”.

Khánh Hòa – Baoxaydung.com.vn


TOP