Khẩn cấp: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, sáng mai 13/6, đổ bộ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa

Khẩn cấp: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, sáng mai 13/6, đổ bộ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khả năng chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Dự báo, khu vực ảnh hưởng của bão là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Sáng mai, 13/6, bão đổ bộ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa

Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bàn giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, khả năng chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão.

Dự báo, khu vực ảnh hưởng của bão là các tỉnh ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An. Trên đất liền, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, gió mạnh cấp 5 gió giật cấp 6-7.

Hồi 10 giờ ngày 12/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão sáng 12/6. (Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 90km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 12/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các các tỉnh/thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10 giờ ngày 13/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

” Khả năng rạng sáng ngày mai (13-6), bão đổ bộ vào đất liền. Trọng tâm của cơn bão này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa” – ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Cảnh báo mưa lớn do áp thấp nhiệt đới, bão
Cũng theo ông Khiêm, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão có thể gây mưa lớn.

Về lượng mưa tập trung từ chiều 12 đến 14/6, chủ yếu ở các địa phương khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Thanh Hóa, Phú Thọ với tổng lượng mưa của đợt này từ 150 đến 250mm, một số nơi lượng mưa có thể lên tới 350mm.

Do mưa nên nguy cơ ngập úng cục bộ ở các khu vực đô thị và nguy cơ lũ quét, sạt lở xảy ra ở khu vực miền núi.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 12/6, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732 phương tiện/225.936 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Điều đáng lo ngại là, theo báo cáo sơ bộ của Cục Trồng trọt, hiện nay, khu vực đồng bằng Bắc Bộ còn khoảng 100.000 ha lúa Đông Xuân đến thời kỳ thu hoạch/1,098 triệu ha gieo trồng rất có thể bị ảnh hưởng của bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khả năng chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Dự báo, khu vực ảnh hưởng của bão là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. (Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai).

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, áp thấp nhiệt đới, bão hình thành ngay trên Biển Đông nơi có các hoạt động kinh tế ven biển, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này rất lớn.

Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng cần khẩn trương thông báo hướng dẫn kiểm đếm tàu thuyền, đồng thời thông tin ngay cho Bộ Giao thông vận tải có phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền vận tải.

Đối với các đảo, các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch (nếu có). Tùy vào diễn biến, cường độ của áp thấp nhiệt đới, bão, các địa phương thực hiện cấm biển.

Đồng thời, đề nghị các địa phương cần triển khai ngay các phương án di chuyển lồng, bè nuôi trồng thủy sản tới nơi an toàn.

Đối với khu vực miền núi, đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt ở đất vì hiện nay nguy cơ này là rất lớn.

Tối nay (12/6), đề nghị Bộ đội biên phòng bắn pháo hiệu để tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh hoặc di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, bão.

Tags:

TOP