Khởi tố vụ thầy đồng đánh cô đồng tại Phủ Dầy

Khởi tố vụ thầy đồng đánh cô đồng tại Phủ Dầy

Công an huyện Vụ Bản (Nam Định) cho biết, vừa khởi tố vụ án gây rối trật tự nơi công cộng đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Mạc- thủ nhang đền Quan Tam phủ ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Hồi đầu tháng 8, đoạn clip ghi lại cảnh giằng co, xô xát giữa ông Nguyễn Văn Mạc, thủ nhang Đền Quan Tam phủ ở Đồ Sơn, Hải Phòng và bà Nguyễn Thị Ngọc (thanh đồng ở TPHCM) ngay tại Phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dầy, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) khiến dư luận xôn xao.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Mạc cùng nhóm khoảng hơn 20 người đến đe dọa, thậm chí đánh chửi, giật áo, giật khăn, đánh vào mặt một thanh đồng khác là bà Nguyễn Thị Ngọc khi bà Ngọc đang thực hành Tín ngưỡng. Vụ việc gây xôn xao dự luận, đặc biệt là trong các thanh đồng, thủ nhang, những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Mạc (thầy đồng) xé áo cô đồng Nguyễn Thị Ngọc khi cô đang thực hành nghi lễ hầu Mẫu (ảnh cắt từ clip)

Theo thông tin từ công an huyện Vụ Bản cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do mâu thuẫn từ trước, ở ngoài xã hội của những người này, chứ không phải mâu thuẫn trong lúc thực hành nghi lễ hầu đồng tại Phủ Dầy. Tuy nhiên, việc này lại diễn ra trong lúc bà Ngọc đang thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, bản thân ông Mạc cũng là một thanh đồng.

Ngay sau sự việc xảy ra, công an huyện cùng công an xã có mặt, tiếp cận vụ việc, xử lý. Tuy nhiên trong quá trình điều tra gặp phải nhiều khó khăn do đối tượng về địa phương (Hải Phòng), nạn nhân (chị Ngọc và chồng con) thì về TP HCM, các nhân chứng cũng không phải người ở địa phương mà đến từ các tỉnh khác.

“Theo lời khai của các đối tượng là đến đòi nợ chị Ngọc. Trong quá trình đòi nợ thì xảy ra xô xát. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, chị Ngọc cho biết chị không có nợ nần gì với ông Mạc. Quan điểm của chúng tôi là nếu có vay mượn ở nơi nào thì khởi kiện ra cơ quan thẩm quyền ở nơi đó giải quyết. Còn hành vi chửi bới, xô xát tại địa phương chúng tôi gây ảnh hưởng tâm lý chung của người dân đến lễ Mẫu, gây hoang mang trong cộng đồng thủ nhang, thủ đền quanh đó, làm mất an ninh trật tự địa phương, vì vậy cần khởi tố bị can đối với anh Mạc về tội gây rối trật tự công cộng. Hiện các thủ tục đang được hoàn tất và trong quá trình đó vẫn tiếp tục điều tra”- Lãnh đạo công an huyện Vụ Bản cho biết.

Trước khi công an huyện Vụ Bản có quyết định khởi tố, vụ việc đã khiến nhân dân địa phương, cộng đồng các thủ nhang, đồng đền bức xúc và cho rằng, hành vi phạm pháp này đã thể hiện sự coi thường tín ngưỡng, sự bất kính nơi tôn nghiêm và cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Đại diện dòng họ Trần Lê và nhân dân thôn Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), nơi có quần thể di tích Phủ Dầy bức xúc: “Đối với chúng tôi, những người dân địa phương, Phủ Tiên Hương là nơi chính thờ Thánh Mẫu. Nhóm người trên có những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường tín ngưỡng, coi thường các vị Thánh được thờ trong đền Phủ, coi thường thủ nhang đã được nhân dân tín nhiệm, tín cử thay thế chúng tôi trông coi bảo vệ di tích. Sự việc xảy ra đã gây phẫn nộ, bức xúc và hoang mang cho nhân dân địa phương”.

Còn theo bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, Quần thể di tích Phủ Dầy cho biết, bản thân bà đã ngăn cản vụ việc nhưng cũng bị chửi bới, xúc phạm nặng nề và bị xô đẩy ra. Đối với hành động xé áo, giật khăn của thầy đồng Mạc đối với cô đồng Ngọc, bà Huệ cho biết, bà rất buồn bởi hành vi thiếu văn hóa, xúc phạm tín ngưỡng của ông Mạc. “Khăn, áo là những vật thiêng của người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẹ tôi năm nay hơn 90 tuổi, tôi cũng ngoài 60 nhưng chưa bao giờ tưởng tượng có cảnh giật áo, giật khăn của người đang hầu Mẫu. Hành vi này là không thể chấp nhận, đặc biệt là với người cũng theo đạo Mẫu như ông Mạc”- bà Trần Thị Huệ nói.

Theo nhiều thủ nhang, đồng đền, việc xông lên sập hầu nơi đang diễn ra nghi thức hầu Thánh là phá hoại giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Về mặt tín ngưỡng, hành vi này đã làm mất uy danh, uy linh nơi thờ tự, gây mất đoàn kết trong cộng đồng tín ngưỡng. Bản thân các thanh đồng và nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận cho rằng phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lần đầu tiên có hành động thầy đồng đánh cô đồng trong lúc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, mặc dù không liên quan đến việc tranh chấp, mẫu thuẫn khi thực hành Tín ngưỡng nhưng cũng làm xấu đi hình ảnh của những người thực hành di sản của cha ông để lại.

Theo quy định hiện hành tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, trong số các quy định hành vi bị nghiêm cấm có hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Đối chiếu với quy định này, hành vi bất kính nơi tôn nghiêm của các đối tượng gây rối, đánh người tại di tích Phủ Tiên Hương đã khiến nhân dân địa phương và cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không khỏi bất bình và vi phạm pháp luật về gây rối trật tự nơi công cộng, vi phạm Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

Vụ việc gây bức xúc trong dư luận, nhiều thanh đồng đã cùng chung tay ký vào đơn kiến nghị gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Vụ Bản, Công an huyện Vụ Bản đề nghị “Xem xét, xử lý nghiêm với trường hợp gây rối tại Di tích lịch sử Quốc gia, phá hoại Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm những người đang thực hành tín ngưỡng”./.

Tags:

TOP