Nam Định: Mùa nắng nóng, người dân không còn lo thiếu điện

Mùa nắng nóng, người dân không còn lo thiếu điện

“Cứ đến mùa nắng nóng, sợ nhất là mất điện, cắt điện luân phiên. Nhưng mấy năm trở lại đây thở phào nhẹ nhõm, không còn cảnh mất điện mùa nắng nóng”, ông Phạm Hữu Duyên, TP Nam Định chia sẻ.

Gia đình ông Duyên chuyển về sống tại TP Nam Định từ những năm 2007. Thời gian trước đây, gia đình ông Nguyễn Ngọc Duyên thường xuyên rơi vào cảnh mất điện, cắt điện luân phiên.

Cứ vào đợt nắng nóng cao điểm, thỉnh thoảng lại mất điện hay cắt điện luân phiên. Nắng nóng, không có điện cuộc sống gia đình ông Duyên cũng như các hộ dân khác đều bị đảo lộn. Khổ nhất là các cháu nhỏ khi trời nắng nóng mất điện.

Ngành điện đến tận nhà để tuyên truyền tiết kiệm điện cho gia đình ông Duyên.

Nhưng từ 2012, người dân ở TP Nam Định đã không còn phải bận tâm đến vấn đề bị cắt điện.

“Vài năm gần đây, điện cung cấp cho chúng tôi rất tốt, đã không còn xảy ra những sự cố về điện và trong xóm cũng chưa từng xảy ra những trường hợp cháy nổ. Đặc biệt là với việc ngành điện trang bị thêm nhiều thiết bị, các trạm điện nên việc mất điện, cắt điện gần như là không xảy ra”, ông Duyên nói.

Những năm trước đây, việc mất điện, cắt điện luân phiên luôn là nỗi lo thường trực của người dân trong mùa nắng nóng.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, với quyết tâm và sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất, ngành điện đã khẳng định, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt.

Đảm bảo cấp điện ổn định cho khách hàng trong mùa nắng nóng, giảm thiểu việc ngừng cấp điện do sự cố bất kháng và giảm thiểu cắt điện đại tu sửa chữa là mục tiêu hàng đầu của ngành điện thời gian này.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nam Định, dự báo trong quý II/2018, tăng trưởng phụ tải sẽ vào khoảng 10%. Công ty đã có sự chuẩn bị nhằm đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn trong mùa nóng năm nay.

Ông Đoàn Quốc Kiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho hay, Công ty đầu tư 26 dự án để chống quá tải cho các trạm biến áp; trong đó, có 22 dự án chống quá tải xây dựng thêm 59 máy biến áp trên địa bàn toàn tỉnh.

Công ty Điện lực Nam Định cũng đã nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Đồng thời, sẽ hoàn thành đóng điện các dự án chống quá tải đợt 1 gồm 22 trạm biến áp trước 30/4 tới và hoàn thành đóng điện 37 trạm chống quá tải đợt 2 trước 30/6/2018. Tổng mức đầu tư cho cả 2 đợt trên là 124 tỷ đồng.

Cùng với đó, công ty lắp đặt thêm 4 dự án như về tụ bù, thiết bị chỉ báo sự cố cho lưới trung áp, bổ sung 50 trạm biến áp, lắp đặt Recloser để tăng độ tin cậy cung cấp điện. Tất cả đều sẽ được hoàn thành ngay trong quý II này.

Công ty cũng đã triển khai kế hoạch đại tu sửa chữa lớn ngay từ đầu năm 2018. Dự kiến đến 30/4 sẽ hoàn thành 79/79 hạng mục sửa chữa lớn lưới điện thuộc kế hoạch.

Ông Kiên cho biết thêm, công ty chủ động trong việc mua sắm vật tư dự phòng như dây dẫn, aptomat để phòng sự cố, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành.

Phân bổ 3,5 tỷ đồng mua thiết bị củng cố lưới điện hạ thế hoàn thành xong trong tháng 5/2018. Các kế hoạch sửa chữa thường xuyên của quý I và II đang triển khai và sẽ hoàn thành trong tháng 4 này để kịp thời đáp ứng điện cho mùa nắng nóng.

Bên cạnh các giải pháp về công tác kỹ thuật vận hành, Công ty đã xây dựng nhiều hình thức tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cho khách hàng.

Với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức và tạo thói quen trong việc sử dụng điện của khách hàng, thông qua các hoạt động: Chương trình “Gia đình tiết kiệm điện”, Chương trình “Trường học chung tay tiết kiệm điện”.

Niêm yết các nội dung tuyên truyền sử dụng điện an toàn tiết kiệm hiệu quả tại các phòng giao dịch và các quầy thu tiền điện.

Hưởng ứng Giờ trái đất năm 2018 Công ty đã phối hợp với Sở Công thương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định tổ chức phát trên 7.000 tờ rơi, 4.000 quyển cẩm nang tiết kiệm điện, niêm yết trên 100 phướn, 300 poster tại trụ sở các đơn vị, tổ chức đạp xe diễu hành trên các tuyến phố của thành phố Nam Định với hơn 100 tuyên truyền viên tiết kiệm điện.

Cũng theo ông Duyên, việc ngành điện tuyên truyền cho người dân các giải pháp tiết kiệm điện: Thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn led, tắt một số thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng những thiết bị hao tốn điện năng lớn trong giờ cao điểm… hay những kiến thức về an toàn điện rất bổ ích.

Từ những kiến thức này, không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng, đảm bảo an toàn mà còn giúp ngành điện bớt “căng” trong mùa cao điểm.

Theo Vân Khánh
(baodansinh.vn)


TOP