Bước vào mùa mưa bão năm 2021, huyện Mỹ Lộc đã chủ động xây dựng nhiều phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra; góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác PCTT và TKCN năm 2021, UBND huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và UBND tỉnh về công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai năm 2021; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới mọi người dân về Luật Phòng chống thiên tai. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngay từ đầu năm 2021, Phòng NN và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo rà soát, kiểm kê toàn bộ vật tư, đăng ký lực lượng, phương tiện cơ giới sẵn sàng huy động đi làm nhiệm vụ khi cần thiết đảm bảo đáp ứng tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, UBND huyện, các xã, thị trấn bố trí kinh phí dự phòng hậu cần tại chỗ, chuẩn bị tốt lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra đánh giá công trình phục vụ tưới tiêu, đánh giá lại năng lực phòng chống mưa úng của từng công trình, trên cơ sở đó có kế hoạch tu bổ, bảo dưỡng xong trước mùa mưa bão. Triển khai tích cực công tác PCTT và TKCN với nguyên tắc: “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Ngoài ra, các xã, thị trấn tập trung giải tỏa nạo vét các tuyến kênh, phát quang mái đê, trồng hoa, từng bước xây dựng thành công mô hình Tuyến đê kiểu mẫu. Trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân, toàn huyện đã thi công đào đắp được 27 nghìn m3, đạt 100% kế hoạch; Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành đào đắp, nạo vét 31.584m3, đạt 110% kế hoạch. Công ty đã phối hợp tốt với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, các HTX Nông nghiệp để tưới tiêu, điều hòa phục vụ sản xuất, chủ động vận hành các trạm bơm, khơi thông dòng chảy và tiêu rút nước trên hệ thống, không để ảnh hưởng đến sản xuất. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng lực lượng xung kích PCTT theo quy định với 11 đội/137 tổ/1.452 người. Các xã, thị trấn đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý 4 vụ vi phạm đê điều, khắc phục xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố sạt lở kè Hồng Hà (Mỹ Tân) do cơn bão số 7 năm 2020 với chiều dài 495m. Ngoài ra, để chủ động nâng cao năng lực trong công tác PCTT và TKCN nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được xác định là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng được lãnh đạo các cấp từ huyện đến cơ sở quán triệt chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện thông qua các hội nghị, bằng văn bản và trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích PCTT tại các xã, thị trấn theo quy định. Tổ chức diễn tập PCTT và TKCN để nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, năng lực chỉ huy xử lý tình huống của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, trình độ chuyên môn cho lực lượng xung kích. Song song với nhiệm vụ phòng, chống bão lũ, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá công trình phục vụ tưới tiêu. Đánh giá lại năng lực phòng chống mưa úng vụ mùa của từng công trình, trên cơ sở đó có kế hoạch tu bổ, bảo dưỡng công trình xong trước mùa mưa lũ. Có phương án đảm bảo tính chủ động, kịp thời đối phó với tình huống thiên tai mưa úng xảy ra.
Các đơn vị chức năng, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tổ chức tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều trước mùa lũ bão, xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến. Tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn huyện dài gần 7km từ K156,621 đến K163,610, mặt đê rộng hơn 5m. Đây là tuyến đê quốc gia cấp I có cao trình +7,3m đến 6,7m. Trong đó, đoạn từ K156,621 đến K162,750 dài 6,129km đã được trải nhựa áp phan mặt rộng 5m. Còn 50m từ K162,750 đến K162,800 rải nhựa thâm nhập từ năm 1978 nay đã bị hư hỏng. Đoạn đê từ K162,800 đến K163,600 dài 800m thuộc dự án đường vành đai đông bắc thành phố Nam Định có mặt rộng 8m cơ bản đảm bảo an toàn.
Bối Hồng Hà dài 5,2km, mặt rộng 2,5m, cao trình mặt đê 5,5-6m đảm bảo chống lũ báo động III, hầu hết mặt bối qua khu dân cư đã được bê tông hoá. Bối Hồng Long dài 5,6km, mặt rộng 2,5m cao trình mặt đê 5,5-6m đảm bảo chống lũ báo động III. 6 tuyến kè trên địa bàn huyện cũng được kiểm tra kỹ lưỡng đảm bảo không có vi phạm, hư hỏng, kịp thời báo cáo khắc phục sự cố trước mùa mưa bão. Tuyến kè Hữu Bị từ K156,7-K158,468 dài 1,76km xây dựng từ năm 2005 hiện nay ổn định. Kè Cống Mỹ đoạn từ K159,225-K160 dài 775m xây dựng từ năm 2004 vẫn ổn định, phát huy tác dụng tốt. Kè Hồng Hà đoạn từ K160-K161,55 đã được xây dựng tu bổ, duy tu nhiều lần, hiện còn 700m cuối là bãi bồi, vẫn đảm bảo ổn định. Kè Tân Đệ đoạn từ 161,55-K163 dài 1,4km có 900m đã được thi công hoàn thành trong năm 2015, đoạn còn lại ổn định phát huy tác dụng. Kè Bách Linh đoạn từ K163-K163,920 dài 920m có 200m đã thi công xong trong năm 2015, đoạn còn lại vẫn ổn định phát huy tác dụng. Kè Vạn Hà đã hoàn thành kè lát mái đoạn 150m còn lại. 11 cống dưới đê bối Hồng Long, Hồng Hà do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành quản lý, đặc biệt cống lấy nước của trạm bơm Tân Đệ có hiện tượng nứt mang cống và rò nước qua mang cống vào bể hút khi nước sông dâng cao. UBND huyện xác định đây là trọng điểm PCTT cấp huyện năm 2021. Hiện tại, huyện đã chỉ đạo xã Mỹ Tân xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm PCTT tại cống lấy nước trạm bơm Tân Đệ trên bối Hồng Long. Đồng thời, huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, có kế hoạch đầu tư kinh phí để tu bổ làm cống mới đảm bảo an toàn PCTT và phục vụ tưới tiêu.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất, xuyên suốt các cấp từ công tác chỉ đạo, nhân lực, phương tiện, vật tư và hậu cần đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Mỹ Lộc quyết tâm bảo đảm an toàn hệ thống đê kè, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2021./.
- Nam Định: Cầu ngói chợ Thượng
- Hải Hậu: Thuyền cá đầy ắp trong những ngày ra khơi đầu Xuân
- Nhà thờ Giáo xứ Phong Lộc – Nam Phong – Nam Trực – Nam Định
- [Tiếp] hình ảnh giáng sinh tại một số giáo xứ Nam Định
- Làm giàu ở nông thôn: Rắc muối “thả thính” cá bớp “bốn mắt”, thu trăm triệu/năm
- Bánh mỳ Bít Tết Hai Bà Trưng Nam Định
- Nam Thành cảnh trí 40 phố phường
- Vỡ nợ khoảng 50 tỷ ở Nam Định: Nhiều người bỗng dưng thành con nợ
- Vụ tai nạn tại Nam Định: Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh nói không có công trường cũng sẽ bị tai nạn??
- Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định: Vạch trần nhiều hồ sơ giả
- Khánh thành cầu Tân Phong trên Quốc lộ 21B tỉnh Nam Định
- Sau hơn tháng mất tích, nữ sinh 17 tuổi ở Nam Định đã được tìm thấy
- Miền Bắc trở mưa rét, nhiệt độ giảm sâu có nơi 10 độ
- Bệnh nhân chết bất thường khi cắt a-mi-đan: Vì sao phải hỗ trợ kinh phí mai táng?
- Bé gái Nam Định sống thực vật vì vừa đùa vừa ăn nhãn, BV Nhi Trung ương không thể chữa trị
- Nóng – Danh tính 6 nghi phạm truy sát người đàn ông đang chở con nhỏ 20 tháng tuổi
- “Tuyệt kỹ” phở Vân Cù Nam Định
- Những sợi tơ vàng óng ánh của Thành Nam
- Một một phụ nữ bị lừa tiền sau khi nhầm tưởng hacker là… chồng!
- Điện lực nói “không chịu trách nhiệm” vụ trụ bê tông có đất
- Giao Thủy: Nghi án thanh niên bị đánh chết rồi dựng hiện trường giả tại Giao Thủy, Nam Định
- Nam Định: Xử án theo hợp đồng miệng của người đã chết cách đây 20 năm