Mỹ Lộc triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Mỹ Lộc triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Mỹ Lộc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 347 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,4%).

Nông thôn xã Mỹ Hà

Chung tay vì người nghèo

Trong tiết trời mưa phùn, lối dẫn vào nhà bà Trần Thị Hồng, xóm Bắc, xã Mỹ Thịnh cũng trở nên khó đi hơn ngày thường. Bà Hồng xúc động chia sẻ: Bà là phụ nữ đơn thân, tài sản lớn nhất là căn nhà thì cũng đã cũ nát. Cuối năm 2020, căn bếp lụp xụp của bà không may bị cháy. Hội Phụ nữ xã đã vận động hội viên đóng góp hỗ trợ bà trên 2 triệu đồng, thêm vào số tiền bà vay mượn để xây bếp mới. Chị Triệu Thị Mão, xóm Trung, xã Mỹ Thịnh cho biết bản thân vẫn may mắn khi được các hội, đoàn thể chính trị của xã hỗ trợ kịp thời khi chị lâm vào cảnh cùng cực. Chị Mão là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, không có nghề nghiệp, ở cùng mẹ già và chị gái bị bệnh thần kinh. Bi kịch tiếp tục ập xuống gia đình chị Mão khi con gái đầu lòng của chị bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Mão, Chi hội phụ nữ các xóm trong xã, các nhà hảo tâm đã ủng hộ chị trên 15 triệu đồng.

Không chỉ chị Hồng, Bà Mão mà nhiều người nghèo ở huyện Mỹ Lộc được các hội, đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở hỗ trợ kịp thời để khắc phục khó khăn vươn lên. Trong các dịp Tết Nguyên đán, cùng với nguồn ngân sách, huyện đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm đã tặng quà nhiều hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. MTTQ từ huyện đến cơ sở đã tổ chức phát động hưởng ứng Tháng cao điểm “Ngày vì người nghèo”. Từ năm 2015 đến nay, MTTQ huyện đã hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa và xây mới trên 40 nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền khoảng 900 triệu đồng. Thông qua các hoạt động chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội đã củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, động viên hộ nghèo nỗ lực, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo. Đặc biệt, trong công tác chung tay vì người nghèo, nhiều cá nhân đang công tác tại các chi hội, đoàn thể chính trị thôn, xóm ở Mỹ Lộc trở thành tấm gương đi đầu. Anh Trần Ngọc Hùng, trưởng thôn La Chợ, đồng thời là Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Tiến là một đảng viên trẻ luôn nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong công việc. Năm 2018, anh khởi xướng ký thành lập Câu lạc bộ thanh niên Mỹ Lộc, Đội Tình nguyện viên chữ thập đỏ Mỹ Lộc để triển khai các hoạt động xã hội, kêu gọi cộng đồng tham gia hiến máu cứu người. Câu lạc bộ, Đội Tình nguyện do anh làm chủ nhiệm đã tổ chức được nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa, lan toả trong cộng đồng. Trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, Đội Tình nguyện viên chữ thập đỏ Mỹ Lộc đã kêu gọi ủng hộ 4 tấn gạo và trên 5.000 chiếc khẩu trang y tế để trao tặng cho các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Còn bà Trần Thị Kén ở xã Mỹ Tân là chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ thôn Lang Xá. Bà thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng hội viên, quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Bà Kén tích cực kêu gọi chị em tham gia hoạt động tương trợ góp vốn xoay vòng, phát động các phong trào nuôi lợn đất, ủng hộ Quỹ “Vì phụ nữ nghèo”…

Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Đồng chí Bùi Hương Giang, Phó trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Mỹ Lộc cho biết: Huyện Mỹ Lộc có trên 80.300 nhân khẩu, trong đó trong độ tuổi lao động chiếm 58% dân số. Để thu hút người dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quyền lợi của người lao động tham gia học nghề theo Đề án 1956. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trong độ tuổi; tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn học nghề phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao về đào tạo nghề, huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 39 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp cho 1.059 lao động, trong đó có 33 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, gần 70 đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo. Trong quá trình tổ chức dạy nghề, Phòng LĐ-TB và XH huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn của huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và người dân địa phương. Lao động được đào tạo nghề có cơ hội tìm kiếm tự tạo việc làm các ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Ngoài ra, các ngành chức năng phối hợp định hướng cho người lao động học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; gắn tạo việc làm với phát triển các làng nghề truyền thống để người lao động, nhất là người nghèo, có việc làm, thu nhập ổn định. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt trên 42%. Bên cạnh đó, hàng năm, có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong huyện được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng giúp nhiều hộ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo và có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề dịch vụ… Tiêu biểu như chị Trần Thị Êm ở xóm 9, xã Mỹ Hà thuộc diện hộ cận nghèo từng lao đao khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xoá sổ đàn lợn thịt. Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho chị vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chuyển đổi mô hình sản xuất mới. Chị đã đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt truyền thống với diện tích 0,3ha. Trên bờ ao chị trồng thêm 250 cây ăn trái đặc sản như bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít Thái cùng với rau màu các loại. Đến nay, kinh tế của gia đình chị dần phục hồi ổn định với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.

Cơ sở may Phúc Anh, xã Mỹ Hà tạo việc làm cho nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Lộc tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững./.

Tags:

TOP