Nam Định: Cá đặc sản toàn con to bự phải nằm im lìm dưới ao, bán không ai mua, nông dân tính nuôi "giãn cách"

Nam Định: Cá đặc sản toàn con to bự phải nằm im lìm dưới ao, bán không ai mua, nông dân tính nuôi “giãn cách”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đang kêu trời vì khó tiêu thụ sản phẩm. Hàng trăm tấn cá thương phẩm đã đến thời kỳ xuất bán tại các trang trại trên địa bàn đang bí đầu ra.

200 tấn cá nằm ao

HTX Sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được thành lập từ năm 2014 với hơn 20 thành viên.

Với diện tích 25ha, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường gần 500 tấn cá các loại; tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nhiều đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của đơn vị này.

Ông Lê Văn Bản chăm sóc đàn cá của gia đình ở Xuân Trường (Nam Định). Ảnh: Mai Chiến

Ông Lê Văn Bản – Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa cho biết, HTX đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các thành viên trong HTX không còn tâm trạng, khí thế để sản xuất như trước.

“Vụ này, nuôi trồng thuận lợi, năng suất cá dự kiến cao hơn vụ trước. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh, đầu ra đã bắt đầu gặp khó khăn, tiêu thụ nhỏ giọt. Đến thời điểm này thì “chết đứng”, mọi chuỗi tiêu thụ đều đứt gãy. HTX đang tồn đọng hơn 200 tấn cá lăng thương phẩm” – ông Bản than thở.

Hiện giá cá thương phẩm giảm sâu, chỉ còn từ 50.000 – 55.000 đồng/kg cá lăng, trắm cỏ từ 47.000 – 50.000 đồng/kg…, nhưng vẫn không thể tiêu thụ được. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi (cám) liên tục tăng khiến HTX Xuân Hòa càng khó khăn.

Cùng chung cảnh ngộ với các thành viên HTX Xuân Hòa, ông Trần Thanh Năm (xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường) cũng đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của gia đình.

Ông Năm cho hay: Hiện nay, các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh đều đóng cửa, tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 nên đầu ra bị tắc nghẽn. Cá không tiêu thụ được nên gia đình ông không xoay vòng được vốn để duy trì sản xuất và tái sản xuất.

Nuôi giãn cách để giảm thiểu thiệt hại
Với nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá, chưa bao giờ ông Năm gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Khốn đốn, chới với bởi giá bán sản phẩm đã giảm thấp, đầu ra eo hẹp; chi phí đầu vào càng ngày càng tăng cao hơn.

“Hiện nay, mỗi bao cám loại 25kg có giá 385.000 đồng, tăng 60.000 – 65.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cá đang lao dốc không phanh, khoảng 70.000 đồng/kg (loại 7 – 8kg/con), giảm 30.000 – 40.000 đồng/kg so với trước. Không những thế, đầu ra còn bị đóng băng, không tiêu thụ được. Hiện gia đình tôi đang tồn đọng khoảng 100 tấn cá, trung bình mỗi con nặng 7 – 10kg” – ông Năm buồn bã nói.

Theo ông Năm, trung bình mỗi ngày gia đình ông tốn hơn 1,5 tấn cám cho cá ăn (trị giá khoảng 20 triệu đồng).

“Giai đoạn này, cá đang ăn khỏe; nếu cho ăn ít thì cá gầy, chất lượng thịt không đảm bảo, mà cho ăn điều độ thì không biết gia đình tôi sẽ duy trì được bao lâu nữa…” – ông Năm bộc bạch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cơ sở, HTX chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đang gặp khó khăn và có nguy cơ treo ao vì thua lỗ nặng.

Hiện tại, bà con mong muốn các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nam Định nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ, giúp các trang trại tiêu thụ sản phẩm và các ngân hàng hỗ trợ khoanh và giãn nợ để bà con cầm cự vượt qua khó khăn.

Ông Trần Tùng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Xuân Trường chia sẻ: Để giảm bớt khó khăn cho bà con, huyện đang khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản không vào nuôi vụ mới, nuôi giãn cách để ổn định sản xuất và phòng chống dịch bệnh; cố gắng tìm đầu mối tiêu thụ nội tỉnh.

Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi các “công cụ kỹ thuật” tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Sở NNPTNT Nam Định đã cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực cho 20 cơ sở, cấp giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất cho 486 cơ sở nuôi thủy sản của các địa phương, cấp 5 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống; đồng thời công bố nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”…

Qua đó giúp các thành viên của Hiệp hội, cơ sở sản xuất và hộ chăn nuôi thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ nông sản có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản và muối khi được gắn logo, tem nhãn, bao bì và có hệ thống biển hiệu, quảng bá sản phẩm…

“Các huyện, thành phố cũng cần tích cực vận động các đoàn thể chính trị – xã hội tăng cường hỗ trợ hội viên và người dân thu hoạch nông sản; tính toán thành lập các tổ hỗ trợ từng nhóm hộ, có phương án an toàn vận chuyển nông sản đi tiêu thụ…”.

Bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó Giám đốc

Sở NNPTNT Nam Định

Tags:

TOP