Nam Định: Cách làm… khác người của chủ trang trại lợn tiền tỷ

Nam Định: Cách làm… khác người của chủ trang trại lợn tiền tỷ

Với nhiều hộ chăn nuôi, câu chuyện lỗ- lãi diễn ra như một chu kỳ, song riêng anh Trần Đắc Đằng, chủ trại chăn nuôi lợn ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực, Nam Định), chưa một lần anh “nếm” mùi thất bại. Nguyên nhân đơn giản là, anh luôn học hỏi, cập nhật để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh nước ta gia nhập TPP…
Chăn nuôi muộn, thành công sớm

Năm nay 44 tuổi, anh Đằng cũng chỉ mới gắn bó với mô hình gia trại cách đây 5 năm. Anh vốn có nghề “hát tại các đám cưới”, nên trong quá trình đi hát đó đây, anh đã được tham quan một số mô hình chăn nuôi gia trại tại nhiều nơi.

Thấy chăn nuôi có vẻ hợp với mình hơn cả, anh đã bàn với vợ vay thêm vốn ngân hàng, vay anh em bạn bè hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên mảnh đất gia đình. Như anh nói, đã trót vay nhiều thế thì phải làm mà trả nợ thôi, rơi vào thế “cưỡi lưng hổ” rồi thì xuống làm sao. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, anh đã xây 2 dãy chuồng với 9 ô chuồng nuôi lợn thịt và 5 ô nuôi lợn nái để gây lợn giống và mua con giống bắt tay vào nghiệp chăn nuôi.

Anh Trần Đắc Đằng đang chăm sóc đàn lợn thịt trong chuồng.

Anh Trần Đắc Đằng đang chăm sóc đàn lợn thịt trong chuồng.

Vạn sự khởi đầu nan, cái gì ban đầu cũng bỡ ngỡ. Qua những lần mua thức ăn chăn nuôi của Công ty Green Feed (Hải Dương), anh được Công ty cử kỹ sư về hướng dẫn chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, cung cấp giống, tinh trùng và hướng dẫn phương pháp thụ tinh cho lợn nái. Ngoài ra, anh còn được hướng các phương pháp thú y, chẩn đoán và chữa trị, phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Hàng năm, theo định kỳ 3 lần/năm, anh nhiệt tình tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại Trạm thú y huyện Nam Trực nhằm nâng cao kiến thức thú y cho bản thân và trao đổi kinh nghiệm với những chủ trang trại chăn nuôi lâu năm.

Vì trang trại gia đình nằm gần khu dân cư, nên vấn đề môi trường luôn được anh Đằng chú trọng bậc nhất, anh thiết kế ô chuồng sao cho việc vệ sinh, thu gom phân chuồng nhanh nhất, sau đó toàn bộ số phân chuồng được chảy xuống những hầm biogas. Hệ thống bơm nước rửa chuồng giúp cho lợn nuôi luôn sạch sẽ, giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chuồng trại của anh cũng không nhận được những lời phàn nàn về ô nhiễm từ hàng xóm.

Hiện anh đang thử nghiệm cho lợn ăn thức ăn BioWish MultiBio 3PS do Mỹ sản xuất được Công ty ENZYMAR (Việt Nam) phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cung cấp cho bà con chăn nuôi nhằm khử mùi chất thải của lợn. Nhờ đó, tăng trọng bình quân mỗi con lợn đạt từ 10-12kg/con lợn thịt từ khi nuôi tới lúc xuất chuồng. Bước đầu sản phẩm này đã cho hiệu quả rất khả quan, môi trường chuồng trại sạch sẽ hơn.

Thành công bởi tự học hỏi

Bằng kiến thức học hỏi thông qua các lớp tập huấn, lại đặt mua tinh trùng lợn giống của công ty cung cấp thức ăn, anh Đằng đã tự thụ tinh nhân tạo cho lợn nái. Anh Đằng cho biết, bình quân một lợn nái sinh 10 con/lứa, trung bình một lớn nái sinh 2,5 lứa/năm. Với 15 lợn nái đang nuôi, anh luôn có 30 lợn giống để nuôi thay thế khi xuất chuồng số lợn thịt tương ứng, đảm bảo không có ô chuồng trống. Số lợn giống dư thừa, anh xuất bán cho bà con chăn nuôi quanh vùng.

“Do giống mình nhập chuẩn từ công ty nên lợn giống có sức khỏe tốt, quá trình nuôi ít nhiễm dịch bệnh và cho chất lượng thịt đảm bảo nên bà con đặt mua lợn giống của mình cũng nhiều, mỗi năm xuất bán mấy trăm lợn giống, cũng bù trừ được một phần tiền mua thức ăn chăn nuôi. Mình có 16 năm sinh hoạt phong trào trong thôn, xã nên bà con cũng tín nhiệm, sau khi bán lợn giống cho bà con, mình cũng luôn phổ biến cách thức chăn nuôi, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, chia sẻ kinh nghiệm thú y cho họ”- anh Đằng tâm sự.

Anh Trần Đắc Đằng mua giúp bà con thức ăn chăn nuôi.

Anh Trần Đắc Đằng mua giúp bà con thức ăn chăn nuôi.

Thời điểm hiện tại, anh Đằng đang xuất lợn giống có trọng lượng từ 8-10kg/con có giá 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/con. Với lợn thịt, mỗi tháng anh xuất chuồng 30 con. Ngoài thu nhập từ chăn nuôi lợn, vợ chồng anh còn nuôi vài chục gà sinh sản cho trứng hàng ngày, 2 sào ao thả cá cũng cho thu hoạch 5 triệu/năm. Số thóc thu từ 4 sào ruộng ngoài cung cấp lương thực cho gia đình còn là thức ăn cho lợn giống, gà đẻ.

Khâu quan trọng nhất trong chăn nuôi theo anh là vốn. Trung bình một con lợn tiêu thụ hết 1,5kg cám/ngày. Như gia trại của anh tiêu thụ hết 50 tấn cám/tháng và anh luôn phải nhập một tháng 3 lần với số tiền trên dưới 50 triệu đồng, cả năm anh phải chi hơn 600 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, chưa kể số lượng cám bà con trong vùng nhờ mua hộ.

“Mình xuất lợn thịt cho thương lái nhiều khi họ đâu trả tiền ngay, nên luôn phải có một khoản dự phòng cho mỗi lần nhập cám. Muốn vay vốn ngân hàng để mở rộng, phát triển chăn nuôi cũng hơi khó, bởi số vốn ngân hàng cho vay cũng không đủ, chỉ 100 triệu đồng/lần vay trong 2 năm với lãi suất 1,2% cũng vừa đủ trang trải cho 2 tháng mua thức ăn, mà thủ tục vay cũng rườm rà lắm, nên phải có cách làm cho riêng mình mới được”- anh Đằng bộc bạch.

Hiện trong chuồng của anh Đằng có 90 lợn thịt các cỡ và 15 lợn nái siêu hướng nạc. Dịp Tết vừa rồi, anh đã xuất chuồng khoảng 30-40 lợn thịt với trọng lượng dao động từ 90-100kg/con. Với giá khoảng 43.000 đồng/kg như hiện nay, ước tính anh thu về trên dưới 200 triệu đồng mỗi tháng. Anh ước tính, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm vợ chồng anh cũng thu trên dưới nửa tỷ đồng từ mô hình gia trang này.

Nói về TPP, anh Đằng bảo: “Mọi người cứ sợ bảo gia nhập TPP, chăn nuôi sẽ thế này, thế kia, tôi thì tôi chỉ thấy dù gia nhập hay không gia nhập, người chăn nuôi cũng phải tự mình đi trên đôi chân của chính mình, tìm ra hướng đi riêng. Tuy vậy, tôi mong sao, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nguồn vốn rẻ hơn, thì người chăn nuôi mới có điều kiện mở rộng sản xuất, cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại”.

Theo: http://danviet.vn/


TOP