Nam Định: Chuyện cựu Trưởng công an xã tay không bắt ba tên cướp

Nam Định: Chuyện cựu Trưởng công an xã tay không bắt ba tên cướp

Thời gian làm Trưởng công an xã, ông Dần luôn nhớ mãi những lần cùng đồng nghiệp phá án nhiều vụ án đem lại bình yên cho xóm làng. Trong rất nhiều những chiến công thầm lặng đó, ông không thể nào quên lần một mình tay không bắt ba tên cướp.

Ông Phạm Văn Dần và tập giấy khen, bằng khen… trong thời gian đảm nhiệm Trưởng công an xã. Ảnh: Đức Tùy

Từ việc tay không bắt cướp…

Về xã Liên Minh (huyện Vụ Bản, Nam Định), chúng tôi được người dân truyền tai nhau câu chuyện về ông Phạm Văn Dần, Trưởng công an xã nhiều lần truy bắt tội phạm. Trong đó có lần một mình ông bắt ba tên cướp bằng tay không khiến mọi người khâm phục. Sau nhiều lần liên lạc hẹn gặp, ông đã mở lòng chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.

Ông Dần cho biết: “Thực ra, việc một mình tôi tay không bắt ba tên cướp đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng không phải đến lúc đó tôi mới làm việc này mà bản thân mình luôn xem việc bảo vệ an ninh, mang lại bình yên cho xóm làng là nhiệm vụ thường xuyên, cũng như trách nhiệm của người làm công an địa phương”.

Nhớ lại sự việc một mình bắt ba tên cướp, ông Dần kể, hôm đó ông đang trên đường đi công tác cùng một cán bộ công an huyện Vụ Bản. Khi về đến cầu Dành, ông nghe tiếng người dân hô “cướp”. Lúc này, ông thấy có một học sinh bị ba tên cướp giật chiếc dây chuyền vàng và đang tìm cách chạy tắt qua cánh đồng để tẩu thoát.

Trước tình huống đó, ông đi xe máy Misk đuổi theo qua đường sắt giữa cánh đồng lên bờ đê. Biết nhóm đối tượng vào bốt điện vắng giữa đồng lẩn trốn, ông đã để xe trên đê và lao vào bốt điện truy bắt.

Ông Dần nhớ lại: “Khi thấy tôi chỉ có một mình, lại lớn tuổi nên ba tên cướp lao ra định đánh gục để trốn thoát. Tuy nhiên, tôi đã nhanh nhẹn hạ gục từng tên một chỉ trong vài phút và trói chúng vào đưa lên huyện. Cùng thời điểm này người dân địa phương mới ra tới nơi.

Đặc biệt, chúng không ngờ tôi từng là lính đặc công, cho nên việc hạ ba tên cướp không quá khó khăn. Sau này nhà trường mà cháu bé nạn nhân theo học có gặp tôi và cảm ơn”.

Theo tìm hiểu của PV, tròn 18 tuổi, ông Dần tình nguyện lên đường nhập ngũ và được đưa lên Sơn Tây huấn luyện đặc công tổng hợp 8 tháng. Sau đó, ông được cử vào chiến trường phía Tây Nam (TP Huế). Tại đây ông Dần đã ba lần bị trúng đạn của địch, tưởng không qua khỏi.

Hòa bình lập lại, ông được giao làm Trưởng ban quân cảnh TP Huế. Tuy nhiên, đến năm 1983 ông xin về địa phương do gia đình neo người. Biết ông là lính đặc công từ trong quân ngũ trở về và là người có trách nhiệm nên ban đầu, ông Dần được địa phương tin cậy bầu làm Phó Trưởng công xã. Hai năm sau thì ông làm Trưởng Công an xã Liên Minh.

Đến chiến công thầm lặng

Nhấm chén trà, ông Dần kể tiếp, vào những năm 80 của thế kỷ trước, các địa bàn ngoại ô như xã Liên Minh rất phức tạp, tình trạng trộm cắp, cướp giật thường xuyên xảy ra, thậm chí nạn trộm cắp vặt diễn ra trong địa phương khiến những người làm nhiệm an ninh như ông căng thẳng và mệt mỏi.

Trong 2 năm, ông Dần làm Phó Trưởng công an xã, hàng loạt những vụ trộm cắp được ông và anh em công an viên điều tra làm rõ. Các đối tượng trong địa bàn liên tục bị tóm gọn và giao cho công an huyện xử lý.

“Ngày nào chúng tôi cũng cho anh em đi khắp các gia đình có đối tượng nghi vấn, vào nhà kiểm tra chỉ cần thấy có một đoạn sắt (đường ray tàu) là đưa lên trụ sở công an xã lập biên bản, cảnh cáo. Chúng tôi chia thành các ca trực, đi tuần, thấy người lạ vào địa bàn xã là yêu cầu khai báo, kiểm tra hành chính”, ông Dần nhớ lại.

Năm 1995, ông vừa làm Trưởng công an kiêm Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh. Thời điểm này, trong địa phương xảy ra tình trạng mất trâu bò liên tục khiến người dân hoang mang. Có thời điểm, chỉ trong có vài ngày ở xã mất tới 6 con trâu, bò. Trước tình hình đó, ông đã bàn bạc với cấp dưới của mình và hạ quyết tâm phải tìm bằng được thủ phạm.

“Buổi sáng hôm đó, tôi cùng mấy anh em đang ăn sáng ở phường Trường Thi (TP Nam Định) thì vô tình gặp một đồng chí công an của phường này. Vì quen nhau từ trước nên đồng chí ấy có hỏi tôi là đang đi đâu, tôi bảo đi tìm kẻ trộm trâu, bò. Đồng chí ấy kể, mấy hôm trước thấy một gia đình có mang về rất nhiều thịt trâu, bò.

Từ manh mối đó nên chúng tôi đã vào hỏi gia chủ, cuối cùng gia chủ phải thừa nhận chỗ thịt đó là do đứa cháu mang từ đâu về không rõ. Khi hỏi người cháu đó thì anh ta thừa nhận đã bắt trộm rồi giết mổ trâu, bò ngay tại trận”, ông Dần cho biết.

Trong thời gian làm Trưởng công an xã Liên Minh, ông Dần không bao giờ quên vụ án “quan tài bay” mà ông là người đã đứng ra dàn xếp để không xảy ra án mạng vào năm 1987. Vụ án mạng đó hết sức nghiêm trọng, bắt nguồn từ một mối tình tay ba. Sau lần dàn xếp thành công thấu tình đạt lý, ông Dần được người dân tin yêu như người thân trong gia đình và là nỗi khiếp sợ của tội phạm một thời.

Suốt 11 năm đảm nhiệm Trưởng công an xã, ông Phạm Văn Dần nhận không ít giấy khen, bằng khen… nhưng lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là kỷ niệm không thể nào quên. Ông bảo, từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường Huế – Đà Nẵng nhưng những ký ức những năm làm Trưởng công an xã tại quê nhà là những kỷ niệm ông nhớ mãi.

Đức Tùy – Giadinh.net.vn


TOP