Nam Định: Cửa hàng ăn uống dưới hầm

Nam Định: Cửa hàng ăn uống dưới hầm

Di tích cửa hàng ăn uống dưới hầm nằm ở giữa khu buôn bán tấp nập, chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng – Hàng Tiện tới ngã tư Hai Bà Trưng – Bà Triệu. Nơi đây đã trở thành dấu tích ghi nhận công lao của những mậu dịch viên xã hội chủ nghĩa – Những nàng dâu trăm họ, đã đóng góp công sức phục vụ dân quân, tự vệ vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ thành phố Nam Định trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Trước đây cửa hàng ăn uống dưới hầm là một quầy thuộc cửa hàng ăn số 1 (cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh đầu tiên của thành phố Nam Định). Cửa hàng ăn số 1 có nhiều quầy (còn gọi là cửa hàng nhỏ) chia ra khắp địa bàn thành phố Nam Định với nhiệm vụ phục vụ ăn sáng và cơm bữa cho cán bộ nhân dân thành phố.
1
Sau khi gây ra “Sự kiện vịnh Bắc bộ” tháng 8-1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Ngày 28 tháng 6 năm 1965, lúc 9 giờ sáng, chúng đã ném bom xuống thành phố Nam Định. Thời điểm này, cửa hàng số 1 đã thu hẹp các cửa hàng nhỏ và chuyển về những nơi thuận tiện cho khách hàng. Quầy hàng khu vực Câu lạc bộ thành phố (còn gọi là “quầy hàng thanh niên”) với 12 nhân viên đều ở tuổi thanh niên và chủ yếu là nữ được chuyển về khu vực cuối phố Hai Bà Trưng. Khi chuyển về địa điểm mới, quầy chỉ có 2 gian nhà cấp bốn và một ki ốt liền với giao thông hào. Mỗi khi có máy bay, khách hàng phải xuống giao thông hào ẩn nấp, rất bất tiện cho người ăn nên các đồng chí lãnh đạo quầy hàng đã đề xuất ý kiến xây dựng giao thông hào thành căn hầm chắc chắn để cho khách hàng ăn uống bình thường khi có báo động. Ý kiến này đã được các đồng chí lãnh đạo thành phố đồng ý và gấp rút thi công. Cửa hàng ăn uống dưới hầm được ra đời như vậy.

Cửa hàng ăn uống dưới hầm là một công trình kiến trúc khá đặc biệt và chỉ có thể xuất hiện trong thời chiến, với hình dáng là một giao thông hào hình chữ Z nửa chìm nửa nổi, lòng rộng khoảng 1m, cao 2m. Tường hào xây gạch xi măng. Phía trên đổ bê tông rồi phủ hàng trăm mét khối đất, trồng cỏ ngụy trang. Trong lòng hào về hai phía đan chéo nhau, cứ khoảng 1m được trổ 1 ngách, kê một bộ bàn ghế bằng bê tông. Đây chính là chỗ ngồi ăn của khách hàng. Trong căn hầm có tới hàng chục bàn ăn kiểu này. Khách hàng xuống ăn uống tuy có nóng bức đôi chút về mùa hè, nhưng rất yên tâm, còn mùa đông thì ấm áp. Đã hai lần giặc Mỹ ném bom, có lần chúng ném bom bi, lúc đó cửa hàng có tới 30 khách hàng đang ăn, nhưng toàn bộ nhân viên và khách hàng không ai bị thương.

Cửa hàng ăn uống dưới hầm có hai cửa ra vào, còn gọi là lối xuống, lối lên. Từ ngoài đường nhìn vào thì cửa xuống ở phía ngã tư phố Hai Bà Trưng – Bà Triệu. Còn cửa lên quay về phía ngã tư phố Hai Bà Trưng – Hàng Tiện. Khách hàng vào ăn thì phải xuống hầm theo lối cửa phố Bà Triệu. Bước xuống bậc tam cấp, tới ngách thứ nhất là quầy bán vé, khách hàng phải trả tiền mua vé, có khi đông phải xếp hàng. Sau đó tới ngách tiếp theo là nơi chế biến, chia suất ăn, mậu dịch thu vé, giao hàng cho khách. Người mua hàng phải tự bê thức ăn ra bàn ở các ngách tiếp theo. Ăn xong khách hàng không đi ngược trở lại mà phải đi theo chiều mũi tên trong giao thông hào rồi đi lên cửa hầm (phía lối phố Hàng Tiện).

Để phân biệt với các cửa hàng ăn khác thuộc cửa hàng ăn số 1 nhưng được bố trí bán hàng trên mặt đất, người ta gọi cửa hàng dưới lòng đất này là Cửa hàng ăn dưới hầm. Gọi mãi trở thành quen, rồi trở thành tên. Và Cửa hàng ăn uống dưới hầm đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân thành phố Nam Định.

Ngoài việc phục vụ cho lực lượng ở lại sản xuất và chiến đấu, cửa hàng còn được phân công phục vụ cho các hội nghị của tỉnh, thành phố, phục vụ công nhân ngành giao thông vận tải trong những đợt tổng công kích vào chiến trường phía nam. Những ngày bình thường với 12 người chia làm 2 ca, cửa hàng đã phục vụ tới 3.000 lượt người ăn, với doanh số 1.000 đến 1.500 đồng/ngày. Ngoài số khách hàng thường xuyên trên đây, trong những đợt phục vụ công nhân ngành giao thông vận tải tổng công kích, có khi tới 7 ngày liền, thì tần suất phục vụ tăng lên 3 đến 4 lần. Với tinh thần “Thanh niên 3 sẵn sàng, Phụ nữ 3 đảm đang”, tự nguyện làm thêm giờ chống Mỹ, cán bộ nhân viên cửa hàng đã làm việc suốt ngày đêm. Doanh số những ngày này nâng lên 3 đến 4 nghìn đồng với 3 đến 4 nghìn suất ăn/ ngày. Bữa ăn thời chiến vô cùng giản dị và đạm bạc. Những món ăn chính của cửa hàng lúc đó là mì nước (mọi người thường gọi đùa là “mì không người lái” vì không có thịt mà chỉ có tí nước mắm và mì chính giá 2 hào/bát). Bánh rán, còn gọi là “bắp nắp hầm”, vì có hình tròn giống nắp hầm cá nhân, 2 hào một chiếc. Cơm thu tem 3 hào/ suất 250 gram, cơm không thu tem 5 hào/suất… Ngoài ra, chị em mậu dịch viên còn mang siro, bánh ngọt tới phục vụ anh em bộ đội trong các trận địa chiến đấu, hay làm công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, dọn những nơi bị Mỹ ném bom, cứu sập hầm…

Cửa hàng ăn uống dưới hầm – một điển hình về phương pháp lẫn hình thức phục vụ khách hàng. Tinh thần thái độ phục vụ ấy đã được công nhận là điển hình tiêu biểu về nếp sống thời chiến của quân dân thành phố Nam Định trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Cửa hàng ăn uống dưới hầm đã gắn liền với lịch sử vừa sản xuất vừa chiến đấu chống Mỹ của quân dân thành phố Nam Định trong những năm 60-70 của thế kỷ 20 vừa qua. Năm 1979 cửa hàng ăn uống dưới hầm đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Sách Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Nam Định – Dulichnamdinh


TOP