Nam Định : Đi tìm nguyên nhân giá bán lẻ thịt lợn cao vô lý trên thị trường nội địa

Nam Định : Đi tìm nguyên nhân giá bán lẻ thịt lợn cao vô lý trên thị trường nội địa

(LĐTĐ) Theo các phóng viên ghi nhận được, giá thịt lợn hơi những ngày qua tại khu vực miền Bắc dao động từ 54.000 – 56.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định giá lợn hơi đồng loạt giảm 100.000 đồng/kg xuống 55.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Thái Bình giá lợn hơi đang ở mức cao nhất toàn miền 56.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, giá thịt lợn hơi đang được giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg. So với thời điểm trước khi thành phố Hà Nội bùng dịch đợt mới hồi cuối tháng 4, giá thịt lợn hơi đã giảm hơn 20.000 đồng/kg. Tương tự, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi cũng đang giao dịch ở mức 54.000 – 56.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá thịt lợn hơi đang giao dịch ở ngưỡng 52.000 – 54.000 đồng/kg, đây cũng là khu vực thấp nhất so với cả nước.

Giá bán lẻ thịt lợn cao vô lý trên thị trường nội địa bất chấp giá lợn hơi giảm mạnh.

Tuy liên tục giảm mạnh và đang ở mức đáy, song giá thịt lợn thành phẩm tại các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, tại chuỗi siêu thị Big C và Vinmart, giá thịt ba chỉ Meat Deli đang được bày bán với giá 199.900 đồng/kg, thịt đùi và thịt thăn đang được bán với mức giá 159.900 đồng/kg và 189.900 đồng/kg. Đắt nhất là loại sườn sụn có giá 299.900 đồng/kg. So với thời điểm cuối tháng 4, giá thịt lợn tại các chuỗi siêu thị này hầu như không có biến động về giá. Thậm chí, các loại thịt như ba chỉ, thịt đùi đã tăng từ 9.000 – 15.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại các khu chợ truyền thống, giá thịt lợn đang được giao dịch tại mức từ 140.000 – 165.000 đồng/kg. Đơn cử tại khu chợ Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) thịt lợn ba chỉ đang được bày bán với giá 150.000 đồng/kg, thịt nạc vai và nạc mông giá 140.000 đồng/kg, đắt nhất là thịt sườn giá 160.000 đồng/kg.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu những nguyên nhân chính xảy ra đã nêu ở trên về giá thịt lợn trong mấy tháng nay trên thị trường cả nước. Trước hết, chúng ta phải chỉ ra nguyên nhân chính của vấn đề này là: Cân thịt lợn qua khá nhiều khâu trung gian bao gồm từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.

Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu hưởng 8-10%, thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao đến mức nào. Chính điều này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải công nhận chuỗi thịt lợn có quá nhiều khâu trung gian. Còn một khâu nữa làm đẩy giá lên đó là khâu bán lẻ: Chúng ta đều biết, chiết khấu ở một số siêu thị khi hàng đưa vào bán đại lý kí gửi thường từ 20-25% đối với tất cả các loại hàng hóa, thậm chí 30%.

Vì vậy, chính ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam đã phải kêu lên rằng, “Chúng ta chăm chút cho khâu sản xuất chăn nuôi, nhưng trung gian và bán lẻ hưởng lợi quá nhiều”. Thực tế theo số liệu giá cả ở trên cho ta thấy, tháp giá bán lẻ luôn luôn hình thành ở trên thị trường như sau: Giá thấp nhất là ở chợ ven đô, thứ đến là chợ dân sinh ở trung tâm, tiếp theo đó là giá ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cuối cùng là giá ở các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn.

Chúng ta công nhận một cách khách quan là ở siêu thị, trung tâm thương mại các chi phí bảo quản thịt lợn có cao hơn ở chợ, ngoài ra còn thuế VAT 10% nữa, 1kg thịt lợn hiện nay siêu thị đang bán trên thị trường ví dụ như thịt nạc vai là 180.000 đồng/kg, thì trong đó VAT là 18.000 đồng, người tiêu dùng phải chịu thuế này. Nhưng công bằng mà nói, nếu loại trừ thuế VAT thì giá thịt lợn ở một số siêu thị vẫn cao hơn ngoài chợ dân sinh từ 15 – 20% nữa.

Thực trạng về giá thịt lợn trên thị trường, nhất là ở các thành phố lớn như trình bày ở trên đã tồn tại nhiều năm nay mà chưa khắc phục. Tập đoàn Walmart (Mỹ) họ có năng lực cạnh tranh rất cao về giá, thu hút người tiêu dùng bởi có câu slogan nổi tiếng “Hàng hóa của đơn vị đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ với ma sát bằng 0”. Chính vì thế, nếu phá được ma sát là các khâu trung gian cộng thêm duy trì được mức chiết khấu của khâu bán lẻ hợp lý, thì giá thịt lợn trên thị trường Việt Nam người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ 10 – 20% trên số lượng thịt mà họ tiêu thụ hàng ngày.

Để giải bài toán này trước hết phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, trên cơ sở chủ động từ đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi mà chúng ta đang phải nhập đến 80% đến quá trình chăn nuôi, giết mổ và đưa đến nơi tiêu thụ. Cắt bớt những trung gian không cần thiết, điều này Tập đoàn Masan của Thaco Trường Hải đã làm được với nhãn hiệu Meat Deli vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa có lợi cho người tiêu dùng.

Hiện nay, việc giao dịch mua bán thịt lợn trên thị trường Việt Nam không được công khai minh bạch, bởi hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa hoàn chỉnh và chưa được hình thành. Chính vì vậy, việc ép cấp, ép giá vẫn đem lại thua thiệt cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các tầng lớp tham gia vào việc mua bán, vận chuyển, bán lẻ mặt hàng này.

Cùng với đó, hiện nay lượng thịt lợn trên thị trường 80% bán ở các chợ dân sinh chứ không phải bán ở các siêu thị. Chính vì vậy, phải quan tâm đầu tư cho hệ thống bán lẻ của kênh truyền thống mà hiện nay chúng ta ít quan tâm. Nếu có đầy đủ trang thiết bị bảo quản, tổ chức bán ra, thì chợ sẽ góp công lớn trong việc giảm giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường. Từ đó, có tác dụng cho hệ thống siêu thị nghiêm túc xem xét lại giá bán lẻ của mình. Thực sự, chúng ta đã tạo ra một thị trường cạnh tranh thịt lợn bán lẻ thực sự ở nội địa.

Muốn làm được một việc lớn, tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước quan tâm đến mặt hàng chiến lược quan trọng này, thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm năng và sự ủng hộ của người tiêu dùng trong xã hội. Nếu giải quyết được những vấn đề ở trên, chắc chắn từng bước giá thịt lợn sẽ dần dần giảm nhiệt, đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người trong xã hội.

Tags:

TOP