Nam Định: Giao Thủy xây dựng, phát triển văn hóa hài hòa với tăng trưởng kinh tế

Nam Định: Giao Thủy xây dựng, phát triển văn hóa hài hòa với tăng trưởng kinh tế

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời kỳ đổi mới.

Bơi chải truyền thống tại Đại hội thể dục, thể thao xã Giao Long.

Xác định tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, các xã, thị trấn ở huyện Giao Thủy đã lồng ghép phát triển văn hóa với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Đến nay, toàn huyện đã xây mới, cải tạo 315 phòng học, phòng chức năng của các cấp học; nâng cấp, sửa chữa 201 công trình văn hóa… xây mới, cải tạo chợ nông thôn; các dự án nước sạch… giúp cải thiện nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt của người dân. Tỷ lệ hộ dân toàn huyện dùng nước hợp vệ sinh, nước sạch đạt 99%; trong đó, tỷ lệ dùng nước máy là 69,6%; 100% xã, thị trấn xây dựng khu bãi rác thải tập trung, thành lập tổ thu gom, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Phong trào thi đua xây dựng “Văn hóa NTM” đã tạo được sự đồng thuận, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến nay, cả 22 xã, thị trấn trong huyện đều đạt chuẩn văn hóa NTM; toàn huyện có 314/332 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Xóm (tổ dân phố) văn hóa NTM”, đạt 94,57%. Hàng năm, 100% các khu dân cư tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11”, thu hút hơn 50 nghìn lượt người tham gia. Năm 2018, các xã Giao Hà và Giao Phong là 2 xã tiêu biểu giữ vững danh hiệu “Xã văn hóa NTM” trong 5 năm liên tục. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn huyện được phát huy. Công tác bình xét, công nhận lại danh hiệu “Gia đình văn hoá NTM” diễn ra công khai, dân chủ, chặt chẽ, góp phần tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Năm 2019, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá NTM” là 87,5%. Các gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền được ghi vào Sổ vàng truyền thống. Các thiết chế văn hóa, khu thể thao từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng. Cả 332 khu dân cư có NVH xóm, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao của nhân dân. Phong trào văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng với 6 CLB văn học – nghệ thuật cấp huyện; 157 tổ, đội văn hóa, văn nghệ quần chúng (chèo, hát văn, thơ, trống hội, cà kheo, kèn đồng, múa lân, sư, rồng…); 100 CLB thể dục, thể thao (bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, dưỡng sinh, thể hình, võ thuật…).

Kinh tế phát triển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn huyện Giao Thủy cũng tăng lên nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Toàn huyện hiện có 51 cơ sở kinh doanh internet, 57 cơ sở kinh doanh karaoke, 30 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm; gần 200 cơ sở dịch vụ du lịch; 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ in ấn. Cùng với việc tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định của Nhà nước về tổ chức các hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Công an huyện, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn đảm bảo hoạt động đúng pháp luật; không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa trên địa bàn.

Toàn huyện Giao Thủy có 143 di tích; trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh và 109 di tích được khoanh vùng bảo vệ. Công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích luôn được UBND huyện quan tâm thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn xã hội hóa. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân. Du lịch Giao Thủy hiện có 3 loại hình chủ yếu là du lịch biển Quất Lâm, du lịch điền dã tham quan Bảo tàng Đồng Quê và du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế du lịch, những năm qua, huyện Giao Thủy đã triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp quy chuẩn kinh doanh trong hoạt động du lịch phục vụ du khách; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận khu du lịch biển Quất Lâm là khu du lịch cấp tỉnh; du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm du lịch của tỉnh. Từ việc triển khai đầu tư, hoàn thiện về hạ tầng, cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kinh doanh đã góp phần đưa du lịch huyện từng bước phát triển. Nhiều năm liền, ngành du lịch Giao Thủy có mức tăng trưởng khá, giá trị dịch vụ du lịch tăng bình quân từ 10-15%/năm. Năm 2019, doanh thu du lịch toàn huyện đạt 145 tỷ đồng, tổng lượt khách tham quan đạt 420 nghìn lượt khách. Thông qua phát triển kinh tế du lịch, vẻ đẹp về mảnh đất, con người và giá trị văn hóa của quê hương đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước.

Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ở huyện Giao Thủy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán được cộng đồng gìn giữ, kế thừa; các di sản văn hóa của quê hương được Nhà nước và nhân dân chung tay bảo tồn, phát huy; hệ thống thiết chế văn hóa không ngừng được đầu tư xây dựng, củng cố, đổi mới về phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống và sự phát triển chung. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa. Tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa hài hòa với tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đề cao vai trò, trách nhiệm gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con người có nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn di tích; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quê hương, giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Đổi mới phương thức hoạt động của các CLB văn học – nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời phát triển sâu rộng văn hóa, văn nghệ quần chúng. Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức nguồn lực tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Giao Thủy.

Tags:

TOP