Trận địa bên sông Đào

Trận địa bên sông Đào

Những ngày Hè năm 1967, máy bay giặc Mỹ dồn dập bắn phá thành phố Nam Định. Chúng thường bay thấp theo dòng sông Đào, né tránh mạng lưới phòng không của ta, rồi vọt lên cao nhắm mục tiêu trút bom đạn xuống Nhà máy Dệt, Sở dầu, bến sông, phố phường, làng mạc…

Chiến sĩ Phân đội 49 trực chiến bắn máy bay Mỹ. Ảnh: Lã Thượng Sỹ

Trận địa trực chiến của Phân đội 49 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nam Định nằm sát bờ sông, bảo vệ kho xăng dầu thành phố; đồng thời sẵn sàng ứng chiến, ứng cứu Nhà máy Dệt và các ụ pháo phòng không gần đấy khi máy bay địch oanh tạc. Các chiến sĩ bước vào cuộc chiến đấu ác liệt, khẩn trương, sôi sục mà rất tự tin, bình thản…

Đã mấy đêm liền, Trung sĩ Bùi Văn Hỗ, Tiểu đội trưởng kiêm quản lý đơn vị hầu như thức trắng. Hỗ cùng anh em sửa sang công sự, kiểm tra vũ khí và lương thực dự trữ, gác thay cho đồng đội nghỉ ngơi, lại cùng anh nuôi làm bữa. Hỗ cũng không quên đơm ít rọ cua để khao tiểu đội những bữa riêu mát ruột.

Hôm ấy, cơm nước xong xuôi, trời vừa tảng sáng, Hỗ cùng đồng đội khoác súng ra trận địa. Sáng mùa hè, trời trong vắt. Dòng sông Đào như dải lụa, thắm đậm phù sa, lững lờ trôi xuôi mang theo bóng dáng thành phố Dệt tràn ngập ánh ban mai. Hàng phượng vĩ ven sông rắc hoa đỏ rực chiến hào, tán lá xanh ngụy trang kín trận địa. Các chiến sĩ tươi vui trò chuyện:

– Thành phố đẹp thế này, giặc lái Mỹ thèm lắm nhỉ!

– Chúng có thể quấy rầy sớm hơn mọi ngày đấy! – Một người đáp lại.

– Thế thì sẽ cho chúng nếm đòn “điểm tâm” ra trò, các cậu ạ! – Nghe Hỗ nói, cả trận địa cười ồ, thích thú.

Mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt sông, máy bay Mỹ đã ập đến, vẩn đục cả không trung. Bị các tay súng tầm thấp của Phân đội 49 và lưới lửa phòng không bảo vệ thành phố đánh trả mãnh liệt, chúng vội vã ném bom bừa bãi rồi cao chạy xa bay.

Sẵn có kinh nghiệm chiến đấu nhiều trận, Hỗ đi từng ụ súng nhắc nhở: “Bị thua cay cú, thế nào chúng cũng mò tới đông hơn. Ta phải thật cảnh giác, chủ động tiêu diệt địch”.

8 giờ sáng, hồi còi ủ rền vang báo động vừa dứt, từng tốp máy bay Mỹ ào ào như những con thiêu thân lao vào lửa. Chưa bao giờ chúng đến nhiều như thế. Chúng chia làm nhiều tầng, nhiều hướng điên cuồng bắn phá. Đủ các loại bom phá, bom bi, tên lửa… cày nát mặt đất. Trong khói lửa, cát bụi mù mịt, Hỗ tỉnh táo theo dõi từng tên kẻ cướp, kịp thời phát hiện, chỉ rõ mục tiêu cho đồng đội trừng trị. Thấy một chiếc đang lao xuống, ngay tức khắc, Hỗ ghì chặt súng, hét to:

– Hướng Đông Nam… Chiếc đi đầu, bắn!

Súng nổ đồng loạt, rất đúng lúc. Hạ sĩ Trần Xuân Vường cũng kịp thời xiết cò. Bị đánh phủ đầu, tên giặc tháo bom xuống sông, vội vàng cút thẳng.

Những chiếc khác lại lượn vào bắn phá xối xả. Bom rơi, đạn nổ chi chít quanh ụ súng của Hỗ và Vường. Chốc chốc Hỗ lại quay sang gọi:

– Vường ơi, có việc gì không? Cứ bình tĩnh Vường nhé!

Chợt Hỗ thấy quả bom bi sắp rơi xuống chỗ Vường. Nắp hố của Vường bị đẩy ra xa từ lúc nào, mải chiến đấu Vường không hay biết. Không chần chừ, Hỗ nhảy lên kéo nắp hố che cho bạn, nhưng không kịp. Vường đã anh dũng hy sinh, tay còn nắm chặt khẩu CKC trong tư thế chiến đấu.

Cuộc chiến mỗi lúc một quyết liệt hơn. Lũ giặc châu đến vãi bom đạn, phóng rốc-két xuống khu vực Sở dầu. Hỗ hô lớn, át hẳn tiếng nổ:

– Thà hy sinh chứ không rời vị trí, các đồng chí!

Những tiếng đáp rung chuyển trận địa:

– Người còn, mục tiêu bảo vệ phải còn!

Một chiếc “con ma” chúc xuống thả bom. Khi bom còn lơ lửng phía trên đầu, Hỗ vẫn đứng thẳng, giương cao khẩu AK liên tiếp bóp cò. Máy bay giặc vụt lên cao thì bom nổ. Hỗ bị sức ép của bom hất tung ra xa, vẫn còn ôm chặt súng trong lòng.

Trận đánh tạm ngừng. Cả Phân đội 49 lặng đi xúc động khi nghe Thiếu úy Bùi Xuân Hạo, Phân đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ nói:

– Các đồng chí!… Đồng chí Hỗ, đồng chí Vường thân yêu của chúng ta không còn nữa. Hai đồng chí đã giữ vững vị trí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, bảo vệ an toàn mục tiêu… Thương tiếc Hỗ và Vường, chúng ta nhất định bắt kẻ thù phải đền nợ máu.

Chị Tịnh là công nhân dệt, suốt thời gian trận đánh diễn ra, chị đang đứng máy. Biết máy bay địch vừa đánh trận địa của CANDVT ở bờ sông, giờ nghỉ giữa ca, chị chạy ngay tới đơn vị. Tin Hỗ và Vường hy sinh làm chị lặng người đau xót như mất những người em ruột thịt. Chị đứng hồi lâu kể lại những điều mắt thấy tai nghe về Hỗ và Vường trước đó:

Ngày 14-4-1966, giặc Mỹ gây tội ác dã man ở phố Hàng Thao, Nam Định. Chưa tan khói bom, chị đã gặp Hỗ bới hầm cứu dân. Hỗ cõng bà cụ bị nạn là người hàng xóm với chị về tận nhà băng bó, thuốc men qua cơn nguy kịch. Những lần địch đánh phá Nhà máy Dệt, Hỗ và đồng đội xông vào kho vải sợi dập lửa cứu hàng. Mặt mũi, chân tay rát bỏng cũng không chùn bước, nhiều công nhân bị thương, trong đó có chị, được Hỗ và các chiến sĩ cáng tới bệnh viện cứu chữa. Lần khác, chị thấy Hỗ và Vường băng băng dưới làn bom đạn tới tiếp sức cho bãi pháo cao xạ, băng bó các pháo thủ. Có những lần bom Mỹ đánh sập nhà chị và những nhà lân cận, Hỗ cùng anh em kịp thời có mặt, thu dọn đồ đạc, dựng lại từng căn nhà.

Hỗ đã có cuộc sống chiến đấu gắn liền với đơn vị. Khi Phân đội 49 được thành lập, cũng là lúc Hỗ nhập ngũ, được biên chế về đơn vị. Những ngày đầu tiên đánh Mỹ, mới hơn một tuổi quân, Hỗ đã là một chiến sĩ kiên định, vững vàng. Ở cương vị Tiểu đội trưởng, với vai trò đảng viên, Hỗ luôn gương mẫu trong mọi công tác, không sợ hy sinh gian khổ. Với kẻ địch, Hỗ căm thù sâu sắc. Với đồng đội và nhân dân, Hỗ thương người như thể thương thân. Càng nghĩ, ai nấy càng cảm phục, thương tiếc Hỗ. Không ai cầm nổi nước mắt. Cả trận địa nóng bỏng hờn căm. Mọi người gấp rút tu sửa hầm hào, lau chùi vũ khí, tiếp thêm đạn dược, chuẩn bị lương khô, nước uống… Những nòng súng bắt nắng sáng loáng chĩa thẳng lên trời, sẵn sàng trả thù cho Hỗ và Vường.

Hơn một giờ sau, lũ giặc lại dẫn xác đến. Noi gương hai liệt sĩ, cả Phân đội 49 càng quyết tâm chiến đấu. Bảo là một chiến sĩ trẻ, hằng ngày gần gũi Hỗ, đã sớm trở thành tay súng dũng cảm, kịp thời moi hầm cứu Khánh. Bị thương khắp người, Khánh vẫn xin được tiếp tục chiến đấu.

Khắp thành phố rung lên giận dữ. Tiếng súng của Phân đội 49 giòn giã trong tiếng súng của các trận địa từ bờ sông, góc phố, ngoại ô tạo thành lưới lửa ngùn ngụt vây kín những tên giặc trời, góp phần cùng quân dân thành phố Dệt làm nên chiến thắng. Hai máy bay “thần sấm” bốc cháy đâm đầu xuống đất. Hai tên giặc lái nhảy dù bị bắt sống ngay trên đường phố.

Lúc ấy là 10 giờ 30 phút, ngày 28-6-1967.

Thành phố chan hòa ánh nắng. Bầu trời bừng sáng hẳn lên, trong xanh tươi tắn lạ thường.

Theo (bienphong.com.vn)


TOP