Nam Định: Vụ Bản xây dựng "Làng văn hoá"

Nam Định: Vụ Bản xây dựng “Làng văn hoá”

Những năm qua, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới. Các phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá” đã có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân.

Cổng làng Bối Xuyên Thượng, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, Nam Định

Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá trong xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Văn hoá – Thông tin đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức bình chọn, công nhận các danh hiệu văn hóa.

Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” ở Vụ Bản đã tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Nhiều làng, thôn, xóm văn hóa ở các xã: Minh Tân, Hiển Khánh, Cộng Hoà, Liên Minh, Tân Thành, Hợp Hưng, Kim Thái, thị trấn Gôi… đã xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tình làng nghĩa xóm được củng cố và phát triển, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Đến nay, toàn huyện có 214/223 làng, thôn, xóm được công nhận “Làng văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 93%; 2/18 xã đạt chuẩn “Văn hoá nông thôn mới”.

Nhiều thôn trong huyện giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” hơn 10 năm liền; tiêu biểu như: thôn Hoàng, thôn Lúa, xã Minh Tân; thôn Trung Nghĩa, xã Liên Minh; thôn Bùi Trung, xã Cộng Hoà, thôn Lê Xá, xã Tam Thanh…

Hiện nay, 100% xã của Vụ Bản đã xây dựng được hương ước mới trên cơ sở kế thừa giá trị văn hoá tốt đẹp của các bản hương ước cổ.

Các bản hương ước sau khi được sửa đổi, bổ sung đều có nội dung sát với thực tế địa phương, quy định cụ thể về xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày; về việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ các công trình công cộng và phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái…

Xã Minh Tân là “điểm sáng” về văn hoá nông thôn mới của huyện. Việc thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hoá” được xã gắn với các hoạt động an sinh xã hội như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Giảm nghèo bền vững”.

Bên cạnh đó, trong mỗi gia đình, việc bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh nông thôn được người dân chấp hành nghiêm túc.

Hàng năm, việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” luôn đảm bảo công khai, dân chủ thông qua việc phát phiếu tự nhận xét và tổ chức họp, lấy ý kiến đánh giá của nhân dân.

Đến nay, toàn xã có 93,3% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; cả 7 thôn trong xã được công nhận “Làng văn hoá”… Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Đến nay, toàn xã đã cải tạo được 51 công trình thuỷ lợi; xây dựng được 7 nhà văn hoá, sân thể thao; nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông với 11km đường trục xã; 20km đường trục thôn, dong xóm; 12,5km đường trục chính nội đồng…

Nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu có nhiều đóng góp cho Quỹ “Khuyến học khuyến tài”, “Vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới…

Xã Cộng Hoà có 11/12 thôn được công nhận “Làng văn hoá”; toàn xã có hơn 1.600 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 91% tổng số hộ dân.

Nhiều thôn có tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt từ 90-95% như các thôn: Bối La, Thiện Vịnh, Thông Khê, Bối Xuyên Thượng…

Ở các thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, người dân đều đoàn kết, tích cực thực hiện các phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”.

Phong trào đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các hộ dân trong xã được đẩy mạnh; tình làng nghĩa xóm được củng cố, phát huy.

Nhiều năm liền xã Cộng Hoà không có gia đình sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật, không có tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp.

Xã thành lập các quỹ tình nghĩa do nhân dân tự nguyện đóng góp để thăm hỏi các gia đình có người bị ốm đau, tai nạn rủi ro, đặc biệt là thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết.

Ở xã Liên Minh, thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, các gia đình trong xã đã làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thôn xóm theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp.

Ở cả 15 thôn, xóm trong xã đều có tổ thu gom rác thải, mỗi tuần tổ chức 2 lần thu gom rác thải về bãi rác tập trung theo quy định.

Ở các làng văn hóa tiêu biểu như: Thôn Nhì Giáp, thôn Ngõ Trang, xóm Tâm, xóm Tiền có nhiều gia đình văn hoá làm kinh tế giỏi; tiêu biểu như hộ các ông: Vũ Tiến Soạn, Vũ Văn Đoán, Trần Văn Trạch…

Thực hiện Chỉ thị 11/CT-HU ngày 10-5-2014 của Huyện ủy Vụ Bản về việc thực hiện nếp sống văn hóa, cả 18 xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hoá đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật.

Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh.

Các đám cưới được tổ chức gọn nhẹ trong ngày; việc đưa đón dâu đảm bảo quy định về an toàn giao thông và trật tự công cộng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không mời và đi dự tiệc cưới trong giờ làm việc…

Việc tang được tổ chức theo hướng trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống địa phương và hoàn cảnh gia đình; hạn chế mời cỗ tràn lan.

Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở Vụ Bản lan tỏa, đi vào chiều sâu đã tạo nền tảng vững chắc để huyện tập trung thực hiện các đề án phát triển kinh tế – xã hội.

Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương đã huy động sức dân đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất văn hoá, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đến nay, cả 18 xã, thị trấn trong huyện có nhà văn hóa trung tâm, hội trường đa năng; 210/223 làng, thôn, xóm có nhà văn hoá, 75 sân bóng chuyền, 113 sân bóng đá, 185 sân cầu lông.

Hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao được xây dựng đồng bộ không chỉ là nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em, người cao tuổi mà còn là địa điểm tổ chức hội họp, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Từ việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ở Vụ Bản phát triển mạnh.

Toàn huyện hiện có trên 50 đội, câu lạc bộ văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa; mỗi đội, câu lạc bộ có từ 15-30 hạt nhân.

Ở hầu hết các làng, thôn, xóm đều xây dựng đội, câu lạc bộ thể dục, thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia với các môn: bóng đá, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, võ thuật, cờ tướng…

Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, huyện Vụ Bản tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên bình xét, công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hóa, gìn giữ những nét đẹp văn hoá; tạo động lực để đảm bảo tính bền vững phong trào, phát huy giá trị văn hoá làng trong thời kỳ mới./.

Nguồn: baonamdinh.com.vn


TOP