Nam Định: Xây dựng thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng

Nam Định: Xây dựng thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng

Có nhiều lợi thế trong phát triển thủy sản, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó phải kể đến đó chính là cá bống bớp đã tạo thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều vùng miền biết đến.

Nghĩa Hưng có nhiều thuận lợi nuôi cá bống bớp Ảnh: Hải Đăng

Giàu tiềm năng

Huyện Nghĩa Hưng nằm giữa 2 con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, vì vậy rất thuận lợi cho việc phát triển cả nuôi thủy sản nước ngọt và mặn lợ.

UBND huyện đã tích cực tạo điều kiện, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế thủy sản, thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ thâm canh của từng vùng, từng địa phương.

Về phát triển nuôi cá bống bớp, theo chia sẻ của các hộ dân, Nghĩa Hưng là vùng đất có nhiều lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc nuôi đối tượng này, chính vì vậy, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã về đây để thu gom sản phẩm. Được biết, hàng ngày toàn huyện Nghĩa Hưng vẫn xuất bán hàng trăm tấn cá bống bớp cho thị trường miền Trung, Trung Quốc. Đây là loài cá nước mặn, to tròn, béo nục có trọng lượng 2 – 3 g/con, thớ thịt trắng, ngọt và thơm, có giá trị dinh dưỡng cao, lại lành tính, thích hợp với việc bồi bổ cơ thể, phục hồi sinh lực nhưng do giá bán cao hơn các giống cá bống truyền thống nên người dân miền Bắc nói chung và người dân huyện Nghĩa Hưng ít quan tâm sử dụng.

Nhiều cách làm hiệu quả

Một trong những hộ điển hình trong việc mở rộng và phát triển cá bống bớp chính là ông Nguyễn Văn Sơn ở tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông đã sở hữu trại ương cá giống bống bớp hiện đại nhất nhì tỉnh và có trong tay tài sản hàng tỷ đồng. Thành quả đó chỉ được tạo dựng sau rất nhiều lần thất bại, có lúc ông đã phải bán nhà trả nợ.

Ông Sơn chia sẻ, trước đây, trong quá trình nuôi, ông gặp nhiều khó khăn về vấn đề con giống, do phải đi khai thác ngoài tự nhiên, nuôi vỗ thành cá thương phẩm; nhưng lại phụ thuộc vào mùa vụ, kích cỡ không đồng đều khó cho việc chăm sóc. Chính vì vậy mà ông đã quyết định đầu tư sản xuất giống nhân tạo bằng việc liên hệ với các chuyên gia nuôi thủy sản ở Hải Phòng tìm ra công nghệ ương giống cá bống bớp, rồi đầu tư xây dựng trại giống với công nghệ hiện đại.

Đến nay, trại cá giống của ông Sơn đã đi vào chuyên môn hóa quy trình sản xuất, số lượng cá ương tăng dần từng năm. Với 104 bể ương (mỗi bể có thể tích 6 m3), ông Sơn nuôi hơn 1 tấn cá bống bớp bố mẹ, mỗi năm sản xuất hơn 9 triệu con giống; chính vì thế, tên gọi “Sơn bớp” xuất hiện từ đó. Điều đặc biệt, mô hình nuôi cá bống bớp của ông Sơn theo chuỗi khép kín, sản xuất theo quy trình VietGAP từ khâu sản xuất cung ứng giống, nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ. Hiện nay, tại Nghĩa Hưng đã có rất nhiều hộ dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá bống bớp cho hiệu quả khá.

Theo các hộ nuôi, thức ăn cho cá bống bớp là nguồn cá tạp, được người nuôi thu gom từ các tàu khai thác gần bờ về rồi xay nhuyễn để cho cá ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào sự phát triển của cá, cá càng lớn, thì lượng ăn càng nhiều. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần thường xuyên kiểm tra nhá để điều tiết lượng cho cá ăn phù hợp, tránh làm dư thừa sẽ ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi. Giá cá bống bớp khoảng 2.000 đồng/con; sau gần 1 năm thả nuôi, cá đạt trọng lượng 1 kg/con có thể xuất bán.

Theo tạp chí Thủy sản Việt Nam


TOP