Chị Phạm Thị Ngà, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Giao Thủy là một tấm gương giàu nghị lực. Vượt lên trên nỗi bất hạnh của bản thân, chị đã mạnh dạn trong kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động là người khiếm thị để họ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng từ nhỏ cô bé Phạm Thị Ngà lại rất ham học. Vì vậy, gia đình đã tạo điều kiện cho con được học trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Là ngôi trường dành riêng cho những người khiếm thị, thời gian đầu mới học chữ nổi, dù khó nhưng Ngà không bỏ cuộc mà quyết tâm phải biết đọc, biết viết. Ngoài việc học văn hóa, Ngà còn được đào tạo nghề bấm huyệt, tẩm quất dành cho người khiếm thị.
Sau khi tốt nghiệp, chị kết duyên với anh Nguyễn Văn Linh cũng là người khiếm thị học cùng trường và trở về quê ở xã Giao Phong (Giao Thủy) lập nghiệp. Được sự giúp đỡ về kinh tế của gia đình, người thân, vợ chồng chị Ngà đã đầu tư mở cơ sở tẩm quất, bấm huyệt. Thời gian đầu mới hoạt động, cơ sở của chị gặp nhiều khó khăn do số lượng khách chưa nhiều, thu nhập thấp. Nhưng với sự kiên trì, tay nghề vững vàng và sự tận tâm với nghề, dần dần cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của chị Ngà được nhiều người biết đến. Ngoài xoa bóp, tẩm quất, cơ sở của chị còn có phương pháp chườm ngải cứu giúp khách hàng giảm bớt đau đầu, vai, gáy, xương khớp… Có tháng, cơ sở của chị Ngà đón tiếp khoảng 400 lượt khách hàng. Ngoài hai vợ chồng là lao động chính, cơ sở của chị còn tuyển thêm 5 nhân viên cũng là hội viên Hội Người mù huyện với mức thu nhập trung bình từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Tâm, nhân viên của cơ sở cho biết: “Tôi được Hội Người mù huyện Giao Thủy tạo điều kiện cho học nghề tẩm quất, bấm huyệt ở Hà Nội. Sau khi học xong tôi được chị Ngà nhận làm tại cơ sở. Với mức thu nhập ổn định, đủ để tôi trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không phải phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, người thân”. Không chỉ tự tay gây dựng cơ sở ngày càng phát triển, chị Ngà còn tích cực truyền nghề cho các hội viên người mù có nhu cầu học. Chị đã đào tạo thành nghề cho 3 người, giúp họ có việc làm ổn định. Chị Ngà cho rằng, nghề xoa bóp bấm huyệt là nghề khó nhưng nếu người khiếm thị nỗ lực, học hành bài bản sẽ có thu nhập ổn định. Thời gian tới, chị Ngà dự định đầu tư thêm máy mát-xa xung điện để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc kinh doanh, chị Ngà còn là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Giao Thủy. Chị luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên, thuyết phục những người khiếm thị trên địa bàn huyện tham gia tổ chức hội. Bên cạnh đó, chị cùng Thường trực Hội tạo điều kiện cho hội viên học chữ nổi; hướng dẫn hội viên thủ tục vay vốn và định hướng lao động, sản xuất, giúp gia đình hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích; duy trì các hoạt động nghề trong hội viên như chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm tăm tre, chổi đót… Ông Phạm Văn Miên, Chủ tịch Hội Người mù huyện Giao Thủy cho biết: “Chị Ngà có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng động, sáng tạo trong định hướng xây dựng và phát triển tổ chức hội cũng như chăm lo đời sống, tạo việc làm cho hội viên. Những nỗ lực của chị trong cuộc sống và công việc đã tiếp thêm nghị lực cho những người khiếm thị vượt qua hoàn cảnh, tự lập bằng sức lao động của chính mình, hòa nhập với cộng đồng”. Ngoài công việc, chị Ngà hiện có một gia đình hạnh phúc với 2 người con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Chị chia sẻ: “Tôi xác định phải làm việc để báo hiếu bố mẹ và nuôi con. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, phấn đấu mở thêm cơ sở lớn hơn để tăng thu nhập cho bản thân và tạo việc làm ổn định cho những người cùng cảnh ngộ”.
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”(!) – Mất đi đôi mắt, cuộc sống của những khiếm thị thực sự khó khăn. Nhưng với ý chí, nghị lực của bản thân và với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Hội Người mù huyện, chị Phạm Thị Ngà đã khẳng định được mình, trở thành tấm gương sáng cho người khiếm thị./.
- Kỳ bí ngôi làng “hình cá chép” độc nhất Việt Nam
- Vụ ‘Lấp sông tưới tiêu để làm dự án’ ở Nam Định: Đề nghị điều chỉnh thiết kế
- Thành phố Nam Định ra quân mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo
- Nam Định và Hải Dương cuối tuần này, đừng quên cuộc hẹn tại Lễ hội Bia Hà Nội 2019
- Bão số 3 giật cấp 10-11 đang hướng vào đất liền
- Trận địa bên sông Đào
- Nam Định: Người dân vẫn ‘đùa’ với điện
- Độc đáo cây cầu ngói 500 năm tuổi hình rồng bay
- Bánh nhãn Hải Hậu – hương vị đồng quê
- 10 Món ăn nổi tiếng tại Thành Nam nhắc đến là thèm.
- Giao Thủy: Ủng hộ đồng bào hứng chịu thiên tai bão lũ
- Một ngày ở đồng quê không muối Bạch Long
- Đạo chích Nam Định trèo tường, chui song sắt, đột nhập nhà dân “khoắng” tài sản
- Rùa biển dài 1,2m bị thương, dạt vào bờ biển Nam Định
- Cử tri nhất trí cao đề nghị thành lập thị trấn Ninh Cường, Trực Ninh, Nam Định