Nhớ chợ Rồng xưa

Nhớ chợ Rồng xưa

Thời Pháp thuộc ở xứ Bắc Kỳ có ba chợ nổi tiếng ở ba thành phố lớn: chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng) và chợ Rồng ở thành phố Nam Định. Chợ Rồng được xây dựng năm 1922 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Chợ nằm ngay mặt phố chính của thành phố Nam Định – có tên là phố Paul Bert (dân ta quen gọi là phố Tây) đến hòa bình lập lại (1954) đổi tên là phố Trần Hưng Đạo. Ngày khánh thành có toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và vua Bảo Đại về cắt băng. Sau đó có tổ chức thi hoa hậu tại chợ.

Chợ Rồng Xưa

Chợ Rồng Xưa


Người con gái được giải Á hậu sống ở phố Cửa Trường thành phố Nam Định. Trước đây, giữa phố là chợ Rồng thì cuối phố là bến Đò Quan bên bờ sông Đào (nay là chân cầu Đò Quan) tấp nập thuyền bè buôn bán. Những chiếc thuyền đinh to lớn chở chiếu, đồ thủy tinh, sành sứ, chum, vại, gạch, ngói nối liền với từng dãy bè gỗ, bè luồng, nứa trên chất củ nâu, lá gồi từ mạn ngược là nguồn cung cấp hàng hóa cho chợ Rồng và các phố buôn bán hoặc làm nghề thủ công như Hàng Tiện, Hàng Nâu, Hàng Cót, Hàng Song… Chợ còn nằm gần bến ô tô (nay là Trung tâm kiểm định xe cơ giới đầu phố Thành Chung) và ga tầu hỏa.
Chợ Rồng cũ chỉ có một tầng nhưng có hai tầng mái được xây theo kiểu chồng diêm. Tầng mái ngoài thấp tạo thành hành lang chạy xung quanh. Tầng mái trong xây cao hơn. Giữa hai tầng mái để thoáng nên trong chợ luôn đầy ánh sáng và thoáng đãng. Chợ Rồng rộng hơn 7.000m2, chia làm hai khu bằng nhau và hai đình chợ xây giống nhau. Bao quanh đình chợ là khoảng sân và hàng rào xi măng được trổ bốn lối vào rộng rãi, vỉa hè trồng nhiều cây xanh.
Trước đây đình chợ bên phố Bùi Chu (nay là phố Nguyễn Chánh) thường bày bán các loại hoa, quả, bánh trái, trầu cau, thuốc lào và mành mành nứa. Khoảng sân liền phố Nguyễn Chánh thường có các đoàn hát xẩm, gánh xiếc rong gia đình và các lò mãi võ vừa biểu diễn võ Tàu vừa bán thuốc.

Chợ Rồng Nay


Góc chợ phía phố Trần Hưng Đạo – Nguyễn Chánh là khu bán chuối và các loại quả, củ người nông dân quanh vùng trồng được đem bán thường là chuối ngự, chuối tiêu, chuối tây, chuối mật, cam quýt, na, ổi, hồng xiêm, hồng mọng, củ ấu, củ súng, hạt dẻ… Đẹp nhất trong đình chợ này là quầy bán hoa. Quầy hoa được xây thành bệ quây theo hình e-líp. Người bán hoa ngồi bên trong quầy, hoa được bầy trên bệ. Quanh năm lúc nào cũng có hoa Layơn, Thược Dược, hoa Huệ, hoa Hồng, hoa Sen, mùa đông vào những ngày giáp tết có thêm hoa Viôlet. Người Nam Định xưa thích cắm hoa trong nhà. Người sang thì cắm Lay ơn, hoa hồng, người bình thường thì cắm hoa huệ, hoa sen.
Đình chợ bên phố Bà Triệu bán hàng tạp hoá (hàng xén) và hàng sắt. Vào những ngày giáp tết, phần hiên và sân giáp với phố Trần Hưng Đạo dành cho các quầy bán tranh Đông hồ, câu đối tết, hoa giấy, lá bằng lông gà nhuộm phẩm mầu. Vào đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước vẫn còn nhiều ông đồ Nho ra trải chiếu viết câu đối bằng mực tầu trên giấy hồng điều bán cho khách về treo tết.

Một người con xa quê vào định cư tại thành phố Hồ Chí Minh khi trở về Thành Nam vẫn bồi hồi nhớ về đình chợ Rồng xưa và làm bài thơ “Chợ Rồng”:

Chợ Rồng

Ngọt ngào, buồn tủi, xót xa
Vì đời tôi đã đi qua chợ Rồng
Cửa hàng trầu thuốc còn không
Nhịn quà cha ghé mua phong thuốc lào
Biếu bà kèm với trầu cau
Trăm năm vẫn chửa nhạt mầu răng đen
Anh chàng bán bóng bay quen
Trung Thu mua bóng cho em ở nhà
Bóng vương gai trúc loà xoà
Nổ tung đúng lúc em ra ngõ mừng
Bao phen đến lớp chợt dừng
Thương người buôn thúng bán bưng miệt mài
Này cô hàng xén nhớ ai
Cứ mê đọc hoài “Lỡ bước sang ngang”
Chẳng thèm chào đón khách hàng
Giận rồi nhưng lúc đi ngang lại nhìn
Quầy hàng vải mịn hoa in
Muốn mua nhưng túi không tiền đành thôi
Ghé hàng bánh khúc bánh trôi
Thơm thơm rau khúc ngọt bùi nếp hương
Kẹo Sìu Châu, chuối Đại Hoàng
Bánh Bà Hanh Tụ, giấy vàng đậu xanh
Quà nào thơ, quà nào tranh
Chữ câu đối Tết đưa nhanh bút thần
Thành Nam mỗi bước xa dần
Mà Chợ Rồng cứ luôn gần trong mơ
Rời quê từ ấy đến giờ
Giật mình tóc đã bạc phơ mái đầu
Sắc thuỷ tiên khéo cợt nhau
Quyện mùi chuối ngự càng lâu càng bền.
Nhớ thời trong trắng hoa niên
Bao nhiêu kỷ niệm mang tên Chợ Rồng.

(Tác giả Hoài Anh – TP Hồ Chí Minh)

Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, thành phố Nam Định cũng bị ném bom. Chợ Rồng tuy không bị trúng bom nhưng cũng chịu ảnh hưởng của sức ép, rung chấn nên nhiều mảng trần bị rạn nứt. Năm 1991 chợ Rồng cũ bị cháy lớn phải phá bỏ hoàn toàn để xây dựng lại ngay trên nền xưa.
Chợ Rồng mới được thiết kế bề thế, hiện đại, tuy nhiên vẫn mang đựơc dáng dấp chợ Rồng cũ. Chợ Rồng mới cao ba tầng, diện tích mặt bằng 10.000m2. Có 82 ki ốt và 1491 sạp hàng. Có 24 cửa lớn nhỏ ra vào chợ quay ra bốn mặt phố. Trên nóc chợ có hai con Rồng chầu âm dương, mỗi con dài 21 m, đắp bằng xi măng cốt thép. Chợ Rồng mới khởi công ngày 31-1-1992 khánh thành tháng 10-1996, do kiến trúc sư Trần Dân Chủ thiết kế.

Hàng hoá ở chợ Rồng rất phong phú, từ những mặt hàng cao cấp đến bình dân đều có mặt để phục vụ mọi nhu cầu của tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận. Đặc biệt vào các ngày lễ và dịp tết Nguyên Đán lượng người đi chơi chợ và mua sắm rất đông. Chợ Rồng hiện nay vẫn là một trung tâm buôn bán lớn, sầm uất nhất tỉnh Nam Định và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Theo: Trung tâm TTXT Du lịch Nam Định


TOP