Nửa thế kỷ tìm nữ công nhân nhà máy dệt từ bức ảnh ở túi áo liệt sĩ Trường Sơn

Nửa thế kỷ tìm nữ công nhân nhà máy dệt từ bức ảnh ở túi áo liệt sĩ Trường Sơn

Tròn 50 năm, ông Đặng Minh Phương vẫn đau đáu mong tìm được cô công nhân trong bức ảnh người chiến sĩ hy sinh giữa Trường Sơn mang theo.

Người lính, nhà báo Đặng Minh Phương năm nay 90 tuổi nhưng vẫn nhớ chi tiết câu chuyện xảy ra cách đây nửa thế kỷ.

Tâm nguyện tìm nữ công nhân

Thời điểm bắt đầu chiến dịch Mậu Thân, ông Phương phụ trách tờ báo Cờ Giải phóng. Cuối tháng 2/1968, trên đường đi công tác qua vùng rừng núi Trường Sơn thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông gặp nhóm chiến sĩ đang ngồi nghỉ.

Một chiến sĩ lấy trong túi áo ra bức ảnh nhỏ cỡ 6×9 có hình cô công nhân dệt may. Bức ảnh đen trắng nhưng được tô màu rất đẹp. Cô gái mặc áo trắng với bảo hộ xanh, cầm thoi dệt vải.

Ông Đặng Minh Phương và bức ảnh nữ công nhân dệt may. Ảnh: Viết Tuân.

Ông Phương và các chiến sĩ chụm đầu lại đoán xem đó là nữ công nhân nhà máy dệt 8/3 hay nhà máy dệt Nam Định. Mặt sau bức ảnh là bài thơ viết tay nhưng không có đầu đề và tên tác giả. Các chiến sĩ thấy thơ hay và tình cảm nên lấy sổ tay chép lại.

Theo lời kể của người giữ bức ảnh, anh nhặt được trong túi áo ngực của một chiến sĩ hy sinh do trúng bom, nằm lại giữa rừng. Anh thấy ảnh cô gái đẹp nên mang theo nhưng không biết tên tuổi, quê quán người chiến sĩ ấy ở đâu. Anh cũng không biết cô công nhân là bạn hay người yêu, người chị của chiến sĩ đã ngã xuống.

“Câu chuyện xúc động ấy làm chúng tôi rơi nước mắt, lặng đi hồi lâu. Tôi chợt nghĩ, người trong ảnh ở hậu phương sẽ đau đớn vô cùng khi biết tin về người thanh niên ấy”, ông Phương nhớ lại.

Biết ông Phương công tác ở ban tuyên huấn Khu uỷ khu V, các chiến sĩ đồng lòng trao ông bức ảnh với mong muốn sau này chiến tranh kết thúc, ông sẽ tìm được nhân vật trong ảnh và gia đình chiến sĩ đã hy sinh.

“Sau đó chúng tôi chia tay, mỗi người một hướng. Vì bảo mật chiến đấu, chúng tôi không hỏi tên tuổi, địa chỉ đơn vị của nhau nên đến giờ vẫn không biết người đã trao cho tôi bức ảnh tên gì, đơn vị nào, còn sống hay đã mất”, người lính già chậm rãi kể.

Suốt những năm tháng ở chiến trường, dù phải di chuyển nhiều nơi qua bom đạn, ông Phương vẫn gìn giữ bức ảnh cẩn thận bên mình với hy vọng sẽ hoàn thành tâm nguyện mà các chiến sĩ năm xưa gửi gắm.

Hy vọng và hụt hẫng

Sau năm 1975, ông Phương dò hỏi khắp nơi để tìm cô gái trong ảnh và gia đình chiến sĩ đã hy sinh. Nhưng tâm nguyện của người lính già chưa thành hiện thực.

Năm 1978, tình cờ trong một lần trò chuyện, ông được biết bài thơ sau bức ảnh có tên Đợi anh về của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Vốn là bạn bè quen biết từ những năm chống Pháp ở liên khu V nên ông mang bức ảnh đến, kể lại cho nhà thơ nghe câu chuyện.

“Mọi người rất xúc động khi thấy bức ảnh và bài thơ. Gia đình ông ngỏ ý muốn được giữ bức ảnh để tiếp tục tìm kiếm nên tôi tặng lại, chỉ giữ lại vài bản sao chép”, ông Phương kể tiếp.

Những năm 1990, ông Đặng Minh Phương và nhà thơ Khương Hữu Dụng chia sẻ thông tin này để đài truyền hình Hà Nội dựng phim tài liệu về bức ảnh. Chương trình đã phát song vẫn không có manh mối hay ai đó biết về nữ công nhân.

Bức ảnh nữ công nhân dệt may và bài thơ trong túi áo chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn. Ảnh chụp lại.

Không nản, năm 2000 ông Phương viết bài Tấm ảnh trong túi áo người liệt sĩ ở Trường Sơn đăng báo Nhân Dân. Việc chưa thành, ông nuôi hy vọng bằng cách mang câu chuyện kể với thật nhiều người.

Đúng dịp ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7/2017, khi biết câu chuyện cảm động này. Nhà thơ Lê Đình Lai chia sẻ trên facebook cá nhân, nhờ cộng đồng tìm giúp nữ công nhân.

Sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông Phương tưởng chừng đã được đền đáp. Một hôm, có người gọi đến, chỉ nói ngắn gọn là con gái của nhân vật trong ảnh. Ông hồi hộp lắm, dù không liên lạc lại được nữa nhưng vẫn mong chờ.

Đầu năm nay, có người đàn ông từ TP HCM tên Trần Mỹ Hưng gọi cho ông, khẳng định người con gái trong ảnh là bà Vũ Thị Hiếu, từng làm công nhân nhà máy dệt Nam Định. Ông Hưng là cháu của bà Hiếu. Chồng bà hy sinh đầu năm 1968. Khi đi, ông có mang theo bức ảnh chụp bà Hiếu.

“Tôi mừng lắm, tự nhủ vậy là sau bao năm, câu chuyện về bức ảnh đã có hồi kết. Tôi muốn xuống Nam Định gặp bà ấy nhưng vì đã yếu nên chưa biết đi bằng cách nào”, ông nhớ lại những phút giây ấy, đôi mắt rưng rưng.

Nhưng vui mừng bao nhiêu, ông lại hụt hẫng bấy nhiêu. Khi xem ảnh, bà Hiếu khẳng định không phải là nhân vật mà ông Phương đang tìm. Chồng bà hi sinh ở chiến trường Quảng Trị chứ không phải ở khu V. Bức ảnh bà chụp để chồng mang theo vào chiến trường không mặc áo yếm như trong ảnh.

Ước mong suốt nửa thế kỷ tìm lại cô công nhân dệt may trong bức ảnh của ông Phương vẫn chưa thành hiện thực.

Vẫn mong kết thúc trọn vẹn

Câu chuyện bức ảnh nữ công nhân dệt may trong túi áo người chiến sĩ hy sinh giữa rừng Trường Sơn không chỉ là nỗi niềm đau đáu của người lính già Đặng Minh Phương mà còn của gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng.

Bà Khương Băng Kính, con gái nhà thơ nhớ lại, khi xem bức ảnh và những dòng chữ chép tay ở mặt sau, cả nhà bà xúc động không nói nên lời. “Bài thơ ấy ba viết cho tôi từ năm 1967, khi người yêu tôi đi chiến đấu. Nhưng ông không ngờ bài thơ được các chiến sĩ chép cùng bức ảnh người con gái họ yêu thương, mang theo vào chiến trường”, bà chia sẻ.

Vì vậy, khi còn sống, một trong những nỗi niềm đau đáu của nhà thơ Khương Hữu Dụng là mong tìm được nữ công nhân và gia đình chiến sĩ.

“Ba luôn dặn chúng tôi cố gắng tận dụng những mối quan hệ để câu chuyện bức ảnh kết thúc trọn vẹn”, bà xúc động.

Bà nỗ lực tìm kiếm bằng cách gửi lại bài viết Tấm ảnh trong túi áo liệt sĩ ở Trường Sơn của ông Đặng Minh Phương đến báo Quân đội nhân dân.

Sau thời gian dài không có kết quả, năm 2009 gia đình bà hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bức ảnh đó vì nghĩ rằng ở đây sẽ gìn giữ tốt hơn và biết đâu một ngày không xa sẽ tìm được nữ công nhân.

Theo (vnexpress.net)


TOP