Ông Đinh La Thăng đã khai thế nào trong 10 ngày bị xét xử

Ông Đinh La Thăng đã khai thế nào trong 10 ngày bị xét xử

Cựu chủ tịch PVN dù nói “mức án nào cũng xin chấp nhận”, nhưng chưa một lần nhận có hành vi cố ý làm trái như quy kết của cơ quan tố tụng.

Thứ hai (22/1), TAND Hà Nội sẽ tuyên bản án với 22 bị cáo trong tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Nội dung vụ án xoay quanh việc chỉ định thầu, ký hợp đồng, cấp tạm ứng trái luật của các lãnh đạo PVN với PVC tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dẫn đến hơn 1.115 tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỷ đồng và vụ tham ô 13 tỷ đồng tại PVC…

Trong 10 ngày mở phiên tòa (từ 8/1 đến 17/1), hành vi của các bị cáo ở cả hai nhóm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 165, 278 Bộ luật Hình sự 1999) đều có nhiều tranh cãi.

Không nhận tội, chỉ nhận trách nhiệm

Đây là quan điểm trình bày, bào chữa xuyên suốt của ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT PVN. Ông bị cơ quan công tố đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại bản luận tội, VKS xác định ông Thăng đã lợi dụng vị trí cao nhất của tập đoàn để đề ra chủ trương giao PVC là tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi công ty con này không đủ năng lực. Ông Thăng còn chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai dẫn đến hơn 1.000 tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích. Hành vi phạm tội của ông thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Suốt 10 ngày xét xử, tới tận lúc nói lời sau cùng, ông Thăng đều chỉ nhận “quá quyết liệt, nôn nóng” trong quá trình thực hiện khiến cấp dưới vì vậy mắc sai phạm. Dù xin nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu, song ông Thăng phủ nhận mọi lời khai của thuộc cấp về việc ông chỉ đạo ký hợp đồng 33 giao PVC làm tổng thầu khi không đủ giá trị pháp lý và cũng chính là người gây sức ép để việc chi tiền tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC được nhanh chóng.

Khi bị tòa hỏi về các lời khai có nội dung chống lại mình, ông Thăng đều nói “bị cáo tôn trọng” rồi mới bắt đầu giải thích.

Những ngày cuối của phiên tòa, ông Thăng trình bày “dù mức án nào cũng xin chấp nhận”, nhưng chưa một lần nhận có hành vi cố ý làm trái như quy kết của các cơ quan tố tụng. Các luật sư của ông Thăng cũng dẫn giải nhiều luận chứng và cho rằng thân chủ không phạm tội như cáo trạng và bản luận tội quy kết.

Đối đáp với ông Thăng và luật sư, VKS đánh giá: Ông Thăng mới chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, gây sức ép tiến độ gói thầu mà chưa nhận ra việc làm trái pháp luật của mình nên cần có hình phạt nghiêm.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN

Người thứ hai cũng quyết không nhận tội, chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu là ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị mức án chung thân cho cả hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 165, 278 Bộ luật Hình sự 1999).

Ông Thanh cùng 5 luật sư bảo vệ đều khẳng định ông “không biết, không phải biết cũng không cần biết” về việc ký hợp đồng 33, việc chi khoản tiền tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng bởi đó không phải nhiệm vụ của ông.

Ông Thanh cũng chối đến cùng khi bị cáo buộc chủ mưu vụ rút ruột 13 tỷ đồng tại dự án Vũng Áng – Quảng Trạch và chiếm hưởng hơn 4 tỷ, dù các bị cáo và cả lái xe đều nói ông đã nhận tiền.

Đại diện VKS sau khi tranh luận với ông Thanh cùng những người bảo vệ, vẫn xác định ông này đã phạm hai tội đặc biệt nghiêm trọng. Hơn nữa, ông Thanh còn bỏ trốn và trong quá trình điều tra quanh co chối tội nên cần “trừng trị nghiêm”. Tuy nhiên, ông Thanh có tình tiết giảm nhẹ là khắc phục thiệt hại hai tỷ đồng.

Cùng chỉ nhận trách nhiệm như hai người trên là cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù vì tội Cố ý làm trái. Ông khẳng định không có cai phạm như cáo buộc, mong HĐXX xem xét toàn diện, xét xử công bằng.

Những người tha thiết mong được khoan hồng

Khác với ba người trên, 19 bị cáo còn lại của vụ án đến những giờ cuối cùng của phiên xử đều bày tỏ sự ân hận, hối lỗi và mong được hưởng khoan hồng.

Cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh trình bày: “Việc xảy ra ngày hôm nay bị cáo vô cùng đau đớn. Bị cáo phạm tội lần đầu, ngàn lần xin lỗi Đảng, Chính phủ, nhân dân vì đã phụ lòng tin’. Ông nói xót xa, ân hận mong HĐXX xem xét cho hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn dù ngậm ngùi nói “đây là giai đoạn oan nghiệt nhất của cuộc đời” vẫn xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) cũng thừa nhận không thể mang thành tích công việc để so sánh với những sai phạm đã gây ra.

Cựu phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh thấy hành vi của mình như vậy thì xấu hổ, nhục nhã với bản thân. ông Minh mong được HĐXX khoan hồng vì với mức án 18-19 năm chắc không có cơ hội báo hiếu, phụng dưỡng bố mẹ già, chăm sóc hai con…

Chờ phán quyết cuối cùng

Tại phần tranh tụng kéo dài nhiều ngày giữa cơ quan công tố, nhóm luật sư bảo vệ ông Thăng thay nhau nêu quan điểm về việc thân chủ phạm tội cố ý làm trái hay chỉ là thiếu trách nhiệm? Ông Thăng có bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và ra các chỉ đạo quyết liệt là vì lợi ích nhóm như VKS xác định hay không? Cách tính thiệt hại của vụ án đã khách quan, chính xác?…

Ông Đinh La Thăng trong khi trình bày lời nói sau cùng tại tòa đã hai lên xin được tại ngoại với lý do “không có tính nguy hiểm cho xã hội”, muốn được ăn cái tết cuối cùng trước khi thụ án với mức phạt biết trước là dài đằng đẵng.

Ông Khánh cũng xin được về nhà “ăn cái tết cuối cùng với mẹ già”. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin thay đổi tội danh, xin ra nước ngoài chăm vợ con…

Tất cả đều chờ câu trả lời tại bản án trong ngày thứ hai tới.

Đồ họa: Tiến Thành

Theo vnexpress


TOP