Ông Phan Văn Vĩnh từng nổi tiếng với những chiến công gì

Ông Phan Văn Vĩnh từng nổi tiếng với những chiến công gì

Ông Phan Văn Vĩnh được biết đến là người chỉ huy nhiều chuyên án lớn như truy bắt Lê Văn Luyện, điều tra vụ án bầu Kiên, thảm án Bình Phước…

Ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Tổng cục II, Bộ Công an) vừa bị khởi tố ngày 6/4 về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281 Bộ luật Hình sự 1999) với cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp bị can Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) và bị can Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip.

Ông Phan Văn Vĩnh khi nói về vụ án Lê Văn Luyện. Ảnh: Công an nhân dân

Trong vụ án có gần 90 người bị khởi tố (tính đến ngày 6/4), ông Vĩnh hiện là bị can có chức vụ cao nhất, tiếp theo là cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa.

Trước khi chuyển công tác về Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh từng là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, được ghi nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ đạo phá nhiều băng nhóm tội phạm trong giai đoạn 1980-1990.

Thời gian làm lãnh đạo ở Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh được biết đến khi chỉ đạo điều tra nhiều vụ thảm án và các vụ án kinh tế lớn.

Vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp tài sản xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 24/8/2011. Nhận tin vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi bị sát hại, chỉ nạn nhân 9 tuổi duy nhất sống sót nhưng sức khoẻ nguy kịch, ông Vĩnh lập tức cùng thuộc cấp tới hiện trường.

Sau khi xác định danh tính kẻ gây án, cũng là lúc ban chuyên án biết Lê Văn Luyện đã bỏ trốn, ông Vĩnh chỉ đạo huy động hàng nghìn cán bộ cảnh sát nhiều tỉnh lân cận Bắc Giang cùng tham gia vây bắt. Bốn ngày sau, Luyện bị bắt. Ông là người đầu tiên hỏi cung.

Gần một năm sau ngày xảy ra vụ án, ông Vĩnh nói đây là vụ án “nặng nợ nhất” với mình bởi sự “dã man, tàn bạo” của kẻ gây án. “Phải bắt bằng được Lê Văn Luyện là khí thế hừng hực trong bốn ngày đêm ấy ”, ông Vĩnh chia sẻ.

Lê Văn Luyện trong trại giam. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu.

Năm 2010, trong đại án kinh tế liên quan ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) cùng đồng phạm, trước nghi ngại về “vùng cấm” khi điều tra, ông Vĩnh thông báo: “Với tư cách Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào”.

Người đứng đầu lực lượng phòng chống tội phạm khi đó còn cho biết sẽ xử lý nghiêm trên “tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.

Đánh giá về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, ông Vĩnh nhận định: “Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn”.

Trong lĩnh vực phòng chống tội phạm chống buôn lậu, ông Vĩnh gây ấn tượng với phát ngôn: “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt”.

Hung thủ gây thảm án tại Bình Phước – Nguyễn Hải Dương.

Năm 2015, ông Vĩnh tiếp tục là Trưởng ban chuyên án điều tra vụ thảm án gia đình sáu người ở Bình Phước. Trao đổi với báo giới, ông cho biết Bộ Công an huy động hàng nghìn điều tra viên cả nước tham gia, triệu tập người đứng đầu 10 tỉnh trực tiếp đến hiện trường.

“Vụ án đối với chúng tôi là một áp lực. Tôi lo nghĩ trăn trở nhiều lắm”, ông trải lòng lúc đó.

Những lãnh đạo cao cấp của Tổng cục Cảnh sát như trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó tổng cục trưởng), thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cảnh sát hình sự), thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cùng ông đã trực tiếp xem xét cụ thể dấu vết hiện trường. Các vị tướng làm việc liên tục, ở liền trong cơ quan không về nhà trong nhiều ngày với quyết tâm “làm sao lưới trời được căng ra ở tất cả các nơi, sớm điều tra ra thủ phạm”.

Tuy nhiên, sau khi bắt được hung thủ gây án, là người đứng đầu lực lượng cảnh sát, tướng Vĩnh nói rằng: “Đây không phải là chiến công”.

Ngoài ra, cuối năm 2016, khi việc truy nã ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) gặp khó khăn, ông Vĩnh khẳng định Công an Việt Nam có trách nhiệm bằng mọi cách truy bằng bằng được “dù Trịnh Xuân Thanh trốn ở đâu”.

Năm 1997-2010: Ông Vĩnh làm Phó giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định.

Tháng 9/2010-4/2011: Ông là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Năm 2007-2011: Ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.

Tháng 4/2011-4/2017: Ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát

Từ tháng 4/2017: Ông nghỉ hưu.

Theo Huy Nhiên
(vnexpress.net)


TOP