Dân làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định từ xưa đến nay đa phần đều sinh sống bằng nghề làm phở bò.
Những gương mặt họ Cồ “ăn khách”
Tuy vậy, hai dòng phở Cồ (Nam Định) và dòng phở Canh Diễn (Hà Nội) cùng song song tồn tại. Mỗi hàng đều có vị riêng để giữ chân khách của mình, chứ không hề có sự cạnh tranh ồn ào hay cản trở lẫn nhau. Nhưng rồi có thời kỳ chính sách thay đổi, cấm xâm hại sức kéo nông nghiệp là trâu và bò, vào các năm đầu thập niên 60.
Các cửa hàng phở bị chững lại không còn sôi nổi hút khách như thuở ban đầu. Vậy mà, các hàng phở bò gánh vẫn toòng teng ngõ ngách, bán dấm dúi cho khách đã trót nghiện món thơm lịm mũi này rồi. Dần dần các hàng phở ngấp nghé, dè chừng mở lại bởi người ăn lùng sục vì không nhịn được món nước xương bò ống này nữa. Nhất là nhà cụ Cồ Văn Chiêu ở phố Hàng Đồng, bắt đầu kê ghế ra vỉa hè cho khách ăn xì xụp, xuýt xoa vào những ngày đông tháng giá. Mấy người nhà của cụ ở Bát Đàn và phố Lý Quốc Sư cũng mở rộng cửa đón khách.
Thế là giữa thập niên 60, các hàng phở lại vào hội. Phố nào cũng có hàng phở, không cửa hàng thì cũng gồng gánh hay phở đầu ghế. Cốt sao mỗi khi dân phòng hay công an đến chạy cho nhanh… Cùng với cụ Chiêu ngày đó còn có những cái tên họ Cồ khác, cũng nổi tiếng chả kém như Cồ Cử ở miệt Thụy Khuê, hay Cồ Nghiên bên Gia Lâm cũ; hoặc Cổ Điệp ở ngõ Thành Công; kể còn có Cồ Phùng ở làng Định Công xưa và Cồ Úc vang bóng một thời…
Nói về cái ngon của phở bò, ai cũng có thể hình dung khi mới thoảng hương thơm của nước xương bay qua. Hơi có tí váng mỡ là thấy ngậy, hoặc hơi sực mùi nước mắm, biết ngay là mặn; hay hương nặng vị bò xực nồng, ắt là xương ninh quá nhừ, nước sẽ đục…
Chả thế nhà văn Thạch Lam tả được cái cảm giác ngon của hương thơm ngan ngát của nước chan bánh phở, với những con chữ gợi cảm: “Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu Bắc, giọt chanh cốm, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một chút nghi ngờ”. Cái nước phở bò còn gọi là nước lèo, gốc của nó được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị.
Theo như cụ Cồ Úc từng dạy học trò, trước hết phải cạo hết thịt bám vào xương ống. Nước luộc mẻ đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò. Nước luộc lần thứ hai mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng cũng được cho vào làm thơm và trị vị ngậy. Khi nước sôi thì giảm bớt lửa rồi vớt bọt. Tiếp theo cho thêm một ít nước lạnh đun đến khi sôi lại, rồi lại vớt bọt thêm cho đến khi nước trong, không còn cặn bọt nữa mới thôi. Gia vị cho thêm vào sau đó, chủ yếu là nước mắm ngon vừa đủ dậy mùi và nước ngọt mà không bị chát…
Chính sự phong phú về thưởng thức này được hình thành bởi chính cách chế biến phở của các nghệ nhân khác nhau. Cùng là phở Cồ, ngay từ đầu không phải ai cũng giống ai, vị nước cũng khác nhau chứ chưa nói đến bánh phở hay thịt bò. Bởi thịt bò thăn được luộc chín cũng có tới dăm bảy loại mà mỗi người chủ lại chọn riêng cho mình những miếng ngon theo thói quen. Khách sành ăn cũng chọn nhà hàng theo khẩu vị đã kiểm nghiệm đó đây. Khách nhớ nhà hàng, dù có đói meo cũng đợi, dù mất hàng giờ cũng phải ăn cho được bát phở ngon miệng mình. Chủ kén khách. Khách chọn chủ là vậy.
Vị tiến sĩ, anh hùng làng Giao Cù
Khi chúng tôi về làng Giao Cù để thưởng thức phở tại hàng Cổ Phùng, ở đầu con đường dẫn vào chợ, mới hay ở đây có dòng họ Vũ cũng làm phở ngon không kém gì họ Cồ. Nhưng theo ông trưởng thôn Giao Cù thì người họ Vũ ở làng còn có niềm tự hào về truyền thống hiếu học, noi theo gương vị tiến sĩ Vũ Hữu Lợi.
Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (1836-1887) còn được gọi là “Ông nghè Giao Cù”, vì ông là người làng Giao Cù, đỗ tiến sĩ năm 1875. Vũ Hữu Lợi được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Đốc học Nam Định, rồi Thương biện Nam Định, cuối cùng là Tá Lý bộ Binh. Nhưng vì căm phẫn giặc Pháp sang đô hộ đánh chiếm thành Nam Định và thấy triều nhà Nguyễn bất lực, nên ông từ quan về dạy học và nuôi chí khởi nghĩa chống quân đội Pháp.
Ông ngầm chiêu mộ những chiến binh cùng chí hướng. Số nghĩa quân tham gia có lúc lên tới 2.000 người. Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi còn bí mật liên kết với nghĩa quân Bãi Sậy, do quan tướng Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) chỉ huy, để chờ ngày khởi sự. Nhưng thật không may, ông bị bạn cùng đồng khoa, Vũ Văn Bảo, tên tay sai của Pháp, lừa dụ vào thành rồi giăng bẫy bắt giữ. Mặc cho giặc Pháp đưa ra nhiều chiêu dụ dỗ và đe dọa, nhưng tiến sĩ Vũ Hữu Lợi vẫn lên tiếng chống Pháp xâm lược đến cùng. Giặc Pháp đã chém đầu ông vào đêm 30 Tết Bính Tuất (1887).
Trước khi bị hành hình, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi vẫn cất cao chí khí hiên ngang của một người anh hùng dân tộc. Giọng ông sang sảng cất lên lời tuyên ngôn trước kẻ thù: “Trong muôn chết gượng sống chờ, sống ở hang thù sao sống đặng. Dù một lần sống bên chết đợi, chết vì việc nước chết là vinh”. Chúng đã bêu đầu ông bên đường để răn đe chí khí quật cường của người dân nước Việt. Nhưng ngược lại, cái chết của ông gây xúc động lớn cho toàn dân tộc và ai cũng theo ông trui rèn ý chí chống quân giặc Pháp. Người làng Giao Cù đã lập đền thờ ông và lấy đó làm gương hiếu học, ra sức đóng góp cho xã hội những người con ưu tú của làng cho những cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bài thơ còn lại
Hà Nội là nơi có phố mang tên Vũ Hữu Lợi sớm nhất. Như nỗi duyên tiền định ngay đầu phố, cắt ngang phố Yết Kiêu, xưa có gia đình nhạc sĩ Văn Cao sinh sống. Sau khi ông mất, gia đình vẫn còn ở lại với con phố xinh xắn này. Đồng thời với gia đình nhạc sĩ Văn Cao còn có gia đình nhà thơ Trần Dần ở gần cuối phố nối với đường Lê Duẩn. Một thời gia đình nhà thơ Trần Dần còn bày quầy sách bán trên vỉa hè phố Vũ Hữu Lợi. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Trần Dần vẫn gặp nhau tâm sự và giao lưu với bạn bè văn chương tại đây.
DUY ANH – Nongnghiep.vn
- Check-in siêu sang chảnh như đi du lịch Châu Âu với những thánh đường đẹp hút hồn ở Nam Định
- Cuộc sống cần lao của ngư dân trên cửa biển Ba Lạt
- Hờn đỏ mắt với 3 con giáp đã giàu lại càng giàu thêm, tài lộc vượng phát nhất năm 2018
- Thơm hương gạo sạch từ vùng đất lúa Nam Định
- Con Móng Tay – Đặc Sản vùng biển Nam Định
- Nhà thờ Giáo xứ Cổ Ra – Nam Hùng, Nam Trực, Nam Định
- Nghĩa Hưng: Lận đận những đứa trẻ mưu sinh trên biển
- Top 10 Điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Nam Định
- Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng dự Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường THPT Ngô Quyền (Nam Định)
- Tặng 150 triệu đồng, lội bùn trong vùng lũ, Kỳ Duyên vẫn bị chê ‘làm màu’
- Các làng nghề ở Nam Định
- Thông tin chính thức vụ cô giáo dùng dây cột bé trai 4 tuổi vào cửa sổ
- Tin bão số 3: Công điện khẩn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định
- Hot: Gian lận để trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt đến 6 tháng tù
- Mẹ của nghi phạm giết người ở chung cư: Sau khi gây án “nó vẫn gọi điện về cho tôi”
- Những Món Ăn Vặt Vỉa Hè Ngon Rẻ Không Thể Bỏ Qua ở Nam Định
- Nam Định Nhộn nhịp thị trường Tết Trung thu
- Làng nghề hoa lụa Báo Đáp
- Làng Hành Thiện ngôi làng có 60 giáo sư, phó giáo sư
- Tranh chấp 5 năm của Ban lãnh đạo khiến Nghĩa trang Thanh Bình bất ổn
- Vụ giang hồ truy sát ở Nam Định: Lời kể hoảng hồn của người vợ
- Những kỷ vật thời chống Pháp của Nhà máy Dệt Nam Định