Sở NN & PTNT Nam Định: Những dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới

Sở NN & PTNT Nam Định: Những dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2019, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), với 100% xã, thị trấn và 10/10 huyện đạt chuẩn NTM.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, có 96,86% ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, trong đó, vai trò của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định được thể hiện rõ nét.

Ông Nguyễn Sinh Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định là tỉnh đầu tiên thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch với trên 40 thành viên. Việc có nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng đã giúp Nam Định tiếp cận với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại. Nhờ có hoạt động này, Nam Định đã phát triển được trên 37 cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch. Nâng giá trị sản phẩm/ha đất canh tác tăng từ 95 triệu đồng năm 2014 tăng lên 110 triệu đồng năm 2019.

Tuyến đường làng quê tỉnh Nam Định

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014 – 2020 được triển khai thực hiện với các mục tiêu: Xây dựng, phát triển nên nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đến nay, Sở đã xây dựng, phát triển được 25 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Doanh nghiệp Toản Xuân với quy mô 500 ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Cường Tân, quy mô 565 ha; chuỗi rau sạch của Công ty Ngọc Anh; chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty trên địa bàn toàn tỉnh… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,8%/năm. Cơ cấu nội ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt.

Đặc biệt, Chương trình OCOP được tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, đã có 62 sản phẩm đạt 3 – 4 sao. Khu vực nông thôn có trên 5.000 doanh nghiệp và 641 trang trại, tạo việc làm trên 100 nghìn lao động. Với 347 HTX, trong đó có 242 HTX chuyển đổi và 105 HTX thành lập mới, từng bước hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2019 tăng hơn 3,8 lần so năm 2010, ông Tiến cho biết thêm.

Quang cảnh huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu

Để có được những kết quả trên, những năm qua Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ KHKT mới cho nông dân… Bình quân mỗi năm tổ chức 300 – 500 lớp tập huấn khuyến nông cho trên 20.000 lượt người tham gia; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các lớp tập huấn ToT cho cán bộ, công tác viên khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Phối hợp với các viện, trường đại học tập huấn về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và ứng dụng công nghệ Israel trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu…

Bên cạnh đó, Sở đã tích cực đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ khuyến khích thành lập mới các HTX nông nghiệp chuyên ngành, đa ngành. Phối hợp với Liên minh tỉnh Nam Định thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển HTX và Đề án xây dựng mô hình HTX điểm của Bộ NN&PTNT.

Tags:

TOP