Quê nhà mong Đoàn Thị Hương sớm được trả tự do

Quê nhà mong Đoàn Thị Hương sớm được trả tự do

Không người dân nào trong xóm nhỏ của Hương ở Nam Định tin rằng cô gái dám làm việc ác. Họ tin rằng sau khi Siti Aisyah được trả tự do, niềm vui đó cũng sẽ đến với Hương.

Đoàn Thị Hương (31 tuổi) sinh ra tại một làng quê nghèo của tỉnh Nam Định. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, trồng lúa.

Nhà của Hương và các gia đình xung quanh đều là nhà ngói với khoảng sân rộng đổ xi-măng bao quanh. Ngồi bệt xuống dưới nền gạch, bà Hạnh, hàng xóm đối diện nhà Hương than: “Hôm qua nghe tin con bé đi cùng cái Hương được thả tự do, ấy thế mà giờ vẫn chưa biết tin tức gì từ con bé hàng xóm”.

Bà Hạnh nói: “Con Hương trước nay nó hiền lành tử tế, chẳng bao giờ sinh sự với ai”.

“Nó là gái quê hiền lành, chân chất”

Bà Hạnh nhận xét từ nhỏ, Hương đã là đứa trẻ ngoan, ít nói. Lớn lên, Hương đi học xa nhà nên không có nhiều sự giao tiếp với mọi người ở quê. Dù vậy, trong mắt bà Hạnh, Hương vẫn là cô gái hiền lành, chân chất.

Lần gần nhất bà tiếp xúc với Hương là khi cô về quê ăn Tết năm 2017. Hết Tết, cô gái xin mẹ 50.000 đồng để đi đường và mang theo một ít thịt gà chị dâu gói cho.

Gần 2 tuần sau, người thân và hàng xóm bất ngờ khi nhận thông tin Hương bị bắt giữ ở Malaysia vì liên quan đến vụ ám sát nghiêm trọng. “Tôi và mọi người xung quanh đều ngỡ ngàng, không ai tin nó làm chuyện động trời đó”, bà Hạnh nói.

Đoàn Thị Hương được đưa đến tòa sáng 11/3. Trong mắt hàng xóm, Hương là cô gái chân chất, ngoan hiền. Ảnh: AP.

Nhắc về gia đình Hương, người hàng xóm hết lòng khen ông Thạnh và bà Vỳ – bố mẹ của cô gái sinh năm 1988.

Ông Thạnh là cựu chiến binh ở chiến trường Quảng Trị trong những năm 1972-1973. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về với một bên chân không lành lặn, kiếm sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng.

Ông Thạnh có hai đời vợ. Sau khi người vợ trước của ông qua đời, bà Vỳ về ở với ông với hy vọng “tuổi già chăm nhau”. Là mẹ kế của Hương và những người con khác trong gia đình nhưng bà Vỳ cư xử rất tốt. Chưa có một điều tiếng gì về cách sống của hai vợ chồng ông bà Thạnh.

Vì thế, khi Hương xảy ra sự việc, hàng xóm xung quanh không hề đàm tiếu hay cư xử khác đi với đôi vợ chồng này.

Ông Đoàn Văn Thạnh – bố của Đoàn Thị Hương nhận được sự chia sẻ của những người hàng xóm sau khi sự việc xảy ra. Ảnh: Trần Anh.

Trong những ngày diễn ra các phiên xét xử của Hương, người dân xã Nghĩa Hưng liên tục cập nhật thông tin qua truyền hình hoặc báo điện tử. Và cái xóm nghèo nơi gia đình Hương sinh sống trở nên ồn ào hơn. Không phải ai cũng có điều kiện theo dõi thông tin qua mạng, nên mọi người truyền tai nhau những tin tức nghe được.

“Nghe tin con bé đi cùng Hương được thả, chúng tôi ai cũng thấp thỏm chờ tin vui cũng sẽ đến với con gái ông Thạnh”, bà Hạnh nói, không giấu được sự hy vọng.

Chính quyền địa phương tin Hương sẽ được tự do

Trao đổi với Zing.vn sáng 12/3, ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), cho biết ông rất lạc quan về phán quyết của tòa án dành cho Hương.

Theo đó, suốt thời gian từ khi xảy ra sự việc đến nay, lãnh đạo xã cũng như người dân địa phương luôn theo dõi sát sao, cập nhật thông tin về các phiên tòa xét xử Hương tại Malaysia.

Người đứng đầu UBND xã Nghĩa Bình khẳng định, cá nhân ông tin rằng Đoàn Thị Hương vô tội. Với những diễn biến mới nhất tại phiên tòa ngày 11/3, ông tin cô gái sẽ sớm được trả tự do, trở về nhà trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Đoan, Chánh văn phòng xã cho biết, kể từ khi sự việc xảy ra, nhiều đoàn lãnh đạo trung ương và công an đã đến địa phương làm việc, thu thập thông tin. Gia đình và người dân trong xã đã hỗ trợ thông tin trung thực, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan làm việc.

Ông Đoan chia sẻ, cả UBND xã Nghĩa Bình có 2 màn hình máy tính được kết nối Internet. Hôm 11/3, nhân viên và lãnh đạo xã tập trung chăm chú theo dõi phiên xét xử của Hương.

Sau khi tòa có phán quyết thả tự do cho Siti Aisyah (nghi phạm người Indonesia), ông Đoan đã gặp ông Thạnh để bày tỏ sự hy vọng với phán quyết của tòa án đối với Hương.

Ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch xã Nghĩa Bình cho biết ông kỳ vọng vào phán quyết sắp tới của tòa án với Đoàn Thị Hương. Ảnh: Trần Anh.

“Tôi cầu nguyện cho Hương trở về”

Trước ngày xét xử tiếp theo (14/3), anh Đoàn Văn Bính, anh trai của Đoàn Thị Hương cũng bày tỏ hy vọng về tương lai của em gái mình sau khi tòa án Malaysia quyết định trả tự do cho Siti.

“Người ta được thả ra thì Hương cũng vậy thôi. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng em gái mình vô tội”, anh Bính chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Thạnh, bố của Đoàn Thị Hương cũng tỏ ra vui mừng và hy vọng phán quyết tương tự sẽ đến với con gái mình. Tâm trạng của ông đã khá hơn so với những ngày trước đó, dù không hoàn toàn thoải mái.

“Tôi sẽ cầu nguyện cho nó được trở về”, ông Thạnh nói.

Chiều 12/3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah. Hai bên đã trao đổi một số vấn đề trong quan hệ song phương.

Liên quan đến vụ việc công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cáo buộc sát hại một người Triều Tiên vào tháng 2/2017 tại Malaysia, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định lãnh đạo cấp cao và dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến quá trình xét xử cũng như kết quả vụ việc này và đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.

– Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia Siti Aisyah bị cáo buộc giết hại công dân Triều Tiên Kim Chol, bằng cách bôi chất độc thần kinh VX lên mặt người này tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.

– Sau nhiều phiên xử, ngày 11/3/2019, tòa án Malaysia tiếp tục đưa Đoàn Thị Hương và Aisyah ra xét xử. Sau đó, tòa án Malaysia đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti Aisyah, song không tuyên bố trắng án, sau khi các công tố viên nói họ rút lại cáo buộc với cô. Bị cáo Indonesia được trả tự do ngay tại tòa trong khi Hương bước vào phần đối chất.

– Cô gái sinh năm 1988, gốc Nam Định, dự kiến lại đối diện thẩm phán Azmi Ariffin tại tòa án Shah Alam ngày 14/3.


TOP