Về Nam Định thưởng thức gỏi nhệch Giao Thủy

Về Nam Định thưởng thức gỏi nhệch Giao Thủy

Nhắc đến đặc sản, hay là thú ẩm thực của Nam Định không thể không nhắc đến gỏi cá. Xưa kia, trong các món dâng lên Thành hoàng trong các dịp cúng tế, lễ hội không thể thiếu món gỏi cá. Trong các thứ gỏi cá, ngon và “bắt” miệng nhất là gỏi cá nhệch – một loại đặc sản của các huyện ven biển tỉnh Nam Định.

Nhệch là một loài thuộc dòng cá da trơn thường sống ở vùng đất ngập nước ven biển gần cửa các con sông có nhiều phù sa thuộc vùng châu thổ sông Hồng.

Giao Thủy là một trong những vùng có nhiều nhệch nhất vì thế mà ai đã có dịp về với mảnh đất quê hương ven biển Giao Thủy chắc hẳn không thể không thưởng thức các món ăn dân dã được người dân hiếu khách nơi đây chế biến từ nhệch để chiêu đãi như: nhệch nấu củ chuối (hoa chuối), chả nhệch cuốn lá gừng, cá nhệch kho… nhưng món gỏi nhệch là được ưa chuộng nhất. Ngày nay gỏi nhệch đã trở thành đặc sản trong nhiều nhà hàng ở Nam Định.

Nhệch cùng họ với lươn nhưng to hơn. Nhệch thì có hai loại là nhệch củ (sống ở vùng nước mặn) và nhệch khét (sống ở vùng nước lợ).

Hai loại nhệch thì cũng có hình dạng khác nhau: nhệch củ to ngang, có con to cỡ bắp tay, chỉ dài khoảng 70cm. Nhệch khét nhỏ và dài hơn, có con dài tới cả mét.

Trong hai loại nhệch thì nhệch khét ngon hơn chính vì thế khi chế biến món gỏi nhệch thì người ta thường chọn nhệch khét làm nguyên liệu chế biến. Nhệch là loại khó bắt, không nuôi dự trữ được, chỉ sống được ở vùng ven biển.

Nhệch dùng làm gỏi phải chọn loại nhệch to (từ 300 – 400g trở lên) béo, bụng trắng hoặc vàng óng, lưng xanh màu đá thẫm. Làm gỏi nhệch thì đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu.

Do đặc tính da nhệch có nhiều nhớt, trơn cho nên khi bắt được nhệch về chế biến thì việc đầu tiên của người đầu bếp là loại bỏ chất nhờn có trên da của nó.

Theo cách dân gian truyền lại người ta dùng tro bếp phủ lên mình nhệch để hút nhờn, hay lấy lá tre hóp tuốt sạch nhờn rồi ngâm trong nước muối hay nước vôi trong…

Sau khi làm sạch, người ta mổ nhệch loại bỏ ruột, lấy mật đem hoàhòa cùng với rượu trắng để làm đồ uống thưởng thức cùng với gỏi nhệch.

Thịt nhệch được lọc tách khỏi xương. Xương nhệch và phần đầu, đuôi cá nhệch được băm nhỏ để chế biến nước chấm cùng với bỗng mẻ.

Thịt nhệch sau khi được lọc ra dùng giấy bản thấm khô, sau đó được đem thái nhỏ dọc thớ với độ dài khoảng 3 cm. Đem thịt nhệch ướp cùng với một số gia vị như riềng giã nhỏ và nước nghệ tươi cho thịt có màu vàng, gia vị, mắm tôm, xả, ớt… Tiếp đó trộn cùng với thính gạo rang.

Món gỏi nhệch ngon hay không còn phụ thuộc vào nước chấm. Nước chấm gỏi nhệch ở Giao Thủy được người dân nơi đây chế biến theo phương pháp cổ truyền với hương vị đặc biệt gọi là dấm.

Nguyên liệu để chế biến món dấm là nước bỗng mẻ được gạn chắt từ loại mẻ ngấu, chua. Mẻ chua đánh nhuyễn lọc bỏ bã. Sau đó cho xương, phần đầu và đuôi nhệch đã băm nhuyễn, hành, ớt, muối, đường làm nhân dấm.

Quấy đều, bắc lên bếp đun sôi kỹ rồi bắc xuống múc chia thành bát nhỏ để tiện khi thưởng thức. Dấm ăn gỏi chua dìu dịu, cay cay nhưng không gắt, thơm nồng và hấp dẫn.

Ăn gỏi nhệch nhất thiết là phải có rau thơm đi cùng. Rau thơm gồm: lá sung, lá đinh lăng, vọng cách, lá mơ lông… Và các loại quả như khế, sung, ớt…

Gỏi nhệch có thể ăn cùng với bánh đa vừng. Các loại rau thơm có thể để nguyên lá hoặc thái nhỏ và trộn lẫn với nhau.

Đây chính là các loại lá thuốc dân gian tốt cho đường tiêu hóa, vì vậy mà khi ăn cùng với thịt nhệch nhưng không một ai bị đau bụng.

Khi ăn, thực khách dùng miếng bánh đa nem cuộn với các loại rau gia vị và một gắp thịt nhệch cuộn chặt lại rồi chấm vào bát dấm, quả thật chẳng có món gỏi nào có thể sánh được với gỏi nhệch.

(Baodulich.net.vn)


TOP