Về Vạn Lộc thưởng thức món ngon từ chuột đồng

Về Vạn Lộc thưởng thức món ngon từ chuột đồng

Thịt chuột là món ăn, bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng, thơm ngon, được rất nhiều người ưa thích và nếu bạn về Vạn Lộc, bạn sẽ được thưởng thức những miếng thịt chuột cực ngon và hấp dẫn.
Nói đến món thịt chuột, nhiều người có cảm giác sợ vì vốn ghét loài chuột, lại chưa biết rõ nguồn gốc, sự an toàn. Bạn cứ đến làng Vạn Lộc, Nam Định, sẽ thấy ở đây có nghề đào bắt chuột đồng làm thịt.

 

Như bao làng quê khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, đối với người dân làng Vạn Lộc, việc đi bắt chuột đồng từ lâu đã trở thành một kế sinh nhai, kiếm tiền của nhiều gia đình.

 

Loài chuột đồng chuyên gặm nhấm phá hoại lúa, hoa màu, sống bầy đàn và đào hang, làm tổ quanh các khu bờ đồng, bờ mương ở Vạn Lộc. Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch là mùa chuột đồng kiếm ăn nên con nào cũng mập mạp, tròn trĩnh, trở thành đối tượng săn bắt của bà con.

 

Những ngày nông nhàn, bà con trong làng thường rủ nhau đông hơn để ra đồng bắt chuột về làm thịt, vừa dùng làm món ăn, vừa bán cho người dân trong vùng cùng thưởng thức.

 

Là một làng thuần nông thuộc xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, Nam Định, nên Vạn Lộc chưa có nhiều hàng quán bày bán các món ăn chế biến sẵn từ thịt chuột. Bà con khi đánh bắt được chuột ngoài đồng, chỉ hơ qua lửa làm sạch lông rồi đem bày bán nguyên con dọc hai bên con đường dẫn vào làng, nơi tập trung bán nhiều là chợ gốc cây đa.

 

Vào dịp gần Tết Nguyên Đán này ở Vạn Lộc, thịt chuột đồng đang được người dân bán với giá trên dưới 70.000 đồng/kg, gần bằng giá tiền của 1kg thịt lợn. Ảnh: Mạnh Thắng

Vào dịp gần Tết Nguyên Đán này ở Vạn Lộc, thịt chuột đồng đang được người dân bán với giá trên dưới 70.000 đồng/kg, gần bằng giá tiền của 1kg thịt lợn. Ảnh: Mạnh Thắng

Theo nhiều người dân ở Vạn Lộc, cách phân biệt loài chuột đồng với các loài chuột khác cũng dễ, họ nhìn là biết ngay đâu là chuột đồng, đâu không phải chuột đồng. Chỉ có chuột đồng mới được dùng để chế biến thành món ăn.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng – người dân tại địa phương cho biết: “Đó là những con chuột trông giống như chuột cống ở khu vực đô thị, nhưng khác là bộ lông của chuột đồng có màu vàng nâu hơi sẫm và mượt”.

“Thịt chuột do người dân đánh bắt, hoặc mua về rồi tự chế biến món ăn. Khi sơ chế làm sạch lông, bỏ phần đầu và ruột, phần thân thường được tẩm ướp với ngũ vị hương hay sả ớt, chế biến thành các món như áp chảo, quay, rang muối, hấp lá chanh, nấu rượu mận… có hương vị rất đặc trưng, ăn là khoái liền”.

Cũng theo anh Thắng, để bắt được chuột đồng phải bới tìm các cửa hang của chuột, sau đó đốt cỏ, rơm, hun khói ở cửa hang và đặt lồng bẫy đón chuột. Chuột trong hang bị sặc khói, buộc phải phóng chạy ra ngoài, chui vào bẫy.

Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon

Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon

Được biết chuột đồng không chỉ là món ăn quen thuộc, khoái khẩu với người dân ở Vạn Lộc, Nam Định, mà tại nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp… thịt chuột vẫn là món đặc sản vùng miền không thể thiếu trong các bữa tiệc, cỗ cưới, cỗ giỗ của nhiều gia đình, ở cả vùng nông thôn và thành thị.

Trong văn hóa phương Đông, loài chuột đứng đầu trong mười hai con giáp. Tại Việt Nam, họ nhà chuột cũng có mặt trong nhiều tác phẩm văn học dân gian. Đặc biệt, con chuột còn được khắc họa khá đặc sắc trong dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng của vùng Kinh Bắc.

Trong sách “Món ăn bài thuốc”, dược sĩ Bùi Kim Tùng cho biết: Do đặc tính của loài chuột sinh sản mạnh, nên ăn thịt chuột đồng sẽ giúp cho thận khí, tinh tủy đầy đủ, không đau lưng, hết mỏi gối, tóc đen.

Khi sử dụng các món ăn từ thịt chuột, người dân cần chú ý chọn loại chuột đồng, làm sạch và đề phòng một số mùa bệnh dịch do các loài chuột gây nên.


TOP