Vụ giang hồ bắn nhau khiến người đi đường tử vong?

Vụ giang hồ bắn nhau khiến người đi đường tử vong?

Theo luật sư, đối với đối tượng trực tiếp sử dụng súng vô cớ bắn nhầm vào người đi đường đã cấu thành tội Giết người…

Nơi xảy ra vụ án mạng

Liên quan đến vụ giang hồ nổ súng bắn nhau ở khu vực cầu Đò Quan (Nam Định) làm một người đi đường tử vong vì đạn lạc vào rạng sáng 10/8 vừa qua, công an tỉnh Nam Định cho biết: Cơ quan công an đã tạm giữ 4 nghi can liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, hiện cảnh sát vẫn chưa bắt được kẻ chủ mưu vì đối tượng đang lẩn trốn. Theo nhiều nguồn tin, chủ mưu và cũng là người trực tiếp nổ súng có tên N.V.H (SN 1978, trú tại phường Cửa Nam, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định).

H. từng có 2 tiền án và mới ra tù được khoảng 1 năm trở lại đây và hiện đang có một cửa hàng hỗ trợ tài chính trên đường Đặng Xuân Bảng (phường Cửa Nam, TP.Nam Định).

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ “tài chính” giữa hai nhóm giang hồ nên đã xảy ra xô sát tại một quán karaoke. Sau đó, nhóm của H. đã thống nhất với nhóm kia đi về rồi ngày mai nói chuyện.

Tuy nhiên, nhóm kia bất ngờ mang theo hung khí tới nhà H. để giải quyết mâu thuẫn trước đó. Khi biết nhóm kia đến nhà, nhóm của H đã chuẩn bị hung khí để đánh lại. Trong lúc hỗn chiến, H bất ngờ sử dụng súng bắn về phía nhóm kia nhưng đạn lạc bắn trúng người đi đường.

Hậu quả anh Nguyễn Văn P. (SN 1990, quê Tiền Hải, Thái Bình) đi ngang qua đường bị trúng đạn gây tử vong. Khi thấy có người gục trên vũng máu, cả 2 nhóm vội giải tán rời khỏi hiện trường.

Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an đã đến phong tỏa, đồng thời khám nghiệm hiện trường và thu giữ một số vỏ đạn, đầu đạn

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: bản chất hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án này là chủ động chuẩn bị hung khí giải quyết mâu thuẫn.

Xét hành vi phạm tội của 2 nhóm thanh niên tham gia hỗn chiến đã có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

Đối với đối tượng trực tiếp sử dụng súng vô cớ bắn nhầm vào người đi đường đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có căn cứ xác định, đối tượng sử dụng súng bắn từng có 2 tiền án và mới ra tù được khoảng 1 năm trở lại đây thì còn phải chịu trách nhiệm về tình tiết định khung theo điểm p khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự “Tái phạm nguy hiểm”.

Kết quả giám định số vỏ đạn, đầu đạn thu giữ tại hiện trường sẽ xác định được khẩu súng mà đối tượng sử dụng bắn chết nạn nhân, nếu thuộc danh mục vũ khí quân dụng thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ vũ khí quân dụng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
………………………………………..
n) Có tính chất côn đồ;
p) Tái phạm nguy hiểm;

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

Theo (VnMedia)


TOP