Nghĩa Hưng : Người thương binh làm giàu từ nghề làm cói truyền thống

Nghĩa Hưng : Người thương binh làm giàu từ nghề làm cói truyền thống

Với ý chí của một người lính Cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ, thương binh Vũ Xuân Túy (sinh năm 1953, tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã mạnh dạn phát triển nghề làm cói truyền thống, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương lúc nông nhàn.

Thương binh Vũ Xuân Túy kiểm tra hàng trước khi giao cho khách hàng.

Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Vũ Xuân Túy hăng hái lên đường nhập ngũ, được phân công chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị (năm 1972), chiến trường Tây Nguyên;tham gia giải phóng thị xã Kon Tum, quận lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi)…

Tháng 8/1972, với vai trò là Trung đội phó, ông chỉ huy tiêu diệt địch tại cứ điểm trên cao Quảng Ngãi. Sau trận đánh này ông bị thương với thương tật 22% phải về hậu phương để điều trị.

Khi đất nước thống nhất, ông Túy trở về địa phương, làm đủ thứ nghề từ xây dựng, sửa điện, kinh doanh… Năm 1980, tích lũy được ít vốn, ông mạnh dạn đứng ra làm đại lý thu mua bao manh đan bằng cói rồi khâu thành bao bán cho các đơn vị sản xuất muối.

Cuối những năm 80, nghề làm bao bì cói ngày một khó khăn, nhiều bà con trong xã bị mất việc làm, nhiều hộ rơi vào nợ nần.

Trăn trở với nghề, ông đã đi nhiều nơi, sang cả Trung Quốc để học hỏi cách làm cói ép và mẫu mã trên thị trường sau đó vận dụng sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới gửi đi chào hàng tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

Cơ hội đã đến với ông khi Công ty xuất khẩu Baratex Nam Định đặt đơn hàng đầu tiên để xuất khẩu. Kể từ đó việc kinh doanh của ông diễn ra rất thuận lợi.

Sản phẩm hàng cói ép ngày càng được ưa chuộng, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy chuyên sản xuất, mua bán mây tre đan, cói xuất khẩu.

Đến nay sau 36 năm thăng trầm lăn lộn cùng với hàng cói, doanh nghiệp của ông đã đứng vững trên thị trường.

Hiện doanh nghiệp của ông Túy tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong và ngoài xã.

Hiện doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong và ngoài xã với thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thạch đã gắn bó với doanh nghiệp của ông Túy gần 20 năm. Mức lương hàng tháng của 2 vợ chồng anh dao động từ 8-10 triệu đồng. Nhờ có công việc ổn định nên năm trước vợ chồng anh xây được căn nhà 2 tầng khang trang.

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông Túy còn thường xuyên tham gia công tác từ thiện xã hội, cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, là thành viên tích cực của Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo tỉnh Nam Định… Hàng năm, ông dành trên 100 triệu đồng ủng hộ, tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Với phẩm chất tận tụy của một người lính, ông Túy không ngừng nghiên cứu, thiết kế sản xuất hàng trăm mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường để từng bước xây dựng thương hiệu bao bì cói tại vùng ven biển Nam Định.

Ngoài việc tạo việc làm, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm cho người dân trong xã, hàng năm doanh nghiệp của ông còn phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nam Định mở 2 lớp dạy nghề cho người nghèo, người khuyết tật và nhiều đối tượng khác.

Với những cống hiến cho quê hương, đất nước, ông Vũ Xuân Túy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên dương, khen thưởng.

Bài và ảnh: Công Luật (TTXVN)


TOP