Mười tám năm tìm con – quãng thời gian quá dài đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, đó cũng chính là hành trình thấm đẫm nước mắt của anh Lượng, chị Hoa.
3 lần thụ tinh nhân tạo IUI thất bại, 18 năm vô sinh, dự trữ buồng trứng kém do chị cũng đã 40 tuổi, chất lượng trứng cũng kém đi rất nhiều…, trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa ở Nam Định được liệt vào những ca khó. Thế nhưng, bằng tình yêu thương, sự kiên trì và nhờ kỹ thuật hiện đại, cuối cùng đi được gần nửa cuộc đời anh chị cũng đã được ôm đứa con bé bỏng trên tay.
18 năm khóc cạn nước mắt vì không thể mang thai
Chị Hoa kết hôn năm 1999 khi mới 23 tuổi. Cũng như bao cặp vợ chồng khác ở vùng nông thôn, hai anh chị không kế hoạch gì, cưới nhau về là “thả” để có bầu, cho gia đình có tiếng trẻ thơ. Nhưng rồi gia đình chị chờ đợi một năm, rồi hai năm… mãi mà tin vui chẳng về.
Một năm sau ngày cưới, thấy người ta con bồng con bế, anh chị bàn nhau đi chữa hiếm muộn. Lúc ấy, chữa vô sinh hiếm muộn còn chưa phổ biến như bây giờ. Anh chị đi cắt thuốc Bắc về uống, anh chị chạy chữa tứ phương, uống thuốc đông, tây, nam rồi bồi dưỡng đủ cả. Hễ thấy ai mách ở đâu có bài thuốc hay, thầy lang tốt là anh chị lại tìm đến để xin thuốc với mong mỏi sớm đón được con.
Thế nhưng, một, hai, ba rồi bảy năm trôi qua, niềm vui mãi vẫn chưa gõ cửa. Không muốn đầu hàng trước số phận, anh chị lặn lội tìm đến bác sĩ Tây y để khám, người chữa cho anh chị là một bác sĩ phòng mạch tư ở Nam Định. Tại đây, bác sĩ kết luận sức khỏe của anh bình thường, còn chị thì trứng nhỏ, chất lượng trứng quá kém.
Vẫn nhớ như in cái cảm giác buồn chán và thất vọng khi nghe các kết luận. Chị Hoa kể lại: “Ngồi trên chiếc xe máy chồng chở, mình khóc từ trên đường về tới nhà. Sau khi xác định được nguyên nhân chậm con, mình được bác sĩ kê toa thuốc. Tối đến hai vợ chồng khóc trong vòng tay nhau mà không biết phải giải quyết thế nào, trái tim như sụp đổ vì uống nhưng vẫn không có kết quả”.
Tây y không đạt, anh chị động viên nhau tiếp tục uống thuốc Bắc, hết thang này đến thang khác, hết ông lang nọ đến bà lang kia mà không có tín hiệu khả quan. Quá sốt ruột, anh Lượng động viên vợ lên Hà Nội tìm đến các bệnh viện sản để chạy chữa. Cuối năm 2014, chị được kích trứng bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) 3 lần, ăn dầm nằm dề ở bệnh viện, nhưng kết quả là cả 3 lần đều thất bại. Chán nản và thất vọng, anh chị chính thức bỏ cuộc sau 15 năm kiên cường chiến đấu.
Thế rồi, đem trong mình suy nghĩ “con cái là lộc trời cho”, bây giờ ông trời chưa cho thì cũng đành chịu, anh chị gạt nước mắt đứng lên quyết định miệt mài lao động, tự an ủi nhau qua tháng ngày. Kế hoạch làm kinh tế cũng dần qua đi, một năm, hai năm trôi qua, anh chị vẫn chưa thấy “lộc trời ban”. Bạn bè cùng trang lứa đều con bồng con bế.
Tin mừng “gõ cửa”, mang thai được chồng chiều hết mực
Và rồi, theo lời giới thiệu từ một người bạn, biết không thể nào dập tắt niềm hy vọng, anh chị lại khăn gói lên Thủ đô khám chữa. Tại bệnh viện, anh chị được khám và tư vấn ăn uống, dùng thuốc điều chỉnh nội tiết để có một thể trạng tốt nhất cho lần can thiệp bằng khoa học hiện đại (IVF).
Sau quá trình kích trứng, lọc tinh trùng và chuyển phôi khoảng nửa tháng, ánh sáng như bừng lên trong đôi mắt cặp vợ chồng luống tuổi. 18 năm chờ đợi, cuối cùng em bé đã về bên bố mẹ. Ngày thử que lên “2 vạch”, chị hạnh phúc vỡ òa. Anh Lượng còn mừng hơn. Chị kể: “Chồng tôi mừng lắm, liền đi khoe khắp nơi.”
Chị Hoa tâm sự: “Lần lên Hà Nội để thụ tinh trong ống nghiệm, tôi coi đây là cơ hội cuối cùng, mình cứ cố hết sức, dù chẳng biết may mắn có đến với vợ chồng mình không. Mấy lần trước đây là chạy chữa thuốc Bắc và IUI, lần này thử công nghệ IVF một lần xem thế nào. Được thì tốt, không được thì chịu, coi như số phận đã an bài rồi. Thật không ngờ, bằng sự chờ đợi cuối cùng con đã lắng nghe được khát vọng lớn lao của bố mẹ…”.
Tiếp nhận ca hiếm muộn của chị, PGS.TS.BS Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cũng là người trực tiếp hỗ trợ sinh sản cho chị Hoa, cho biết: “Trường hợp đặc biệt, do từng có tiền sử 3 lần IUI thất bại, 18 năm vô sinh, dự trữ buồng trứng kém do chị cũng 40 tuổi, chất lượng trứng cũng kém đi…. Khi đồng ý can thiệp y học để tìm con cho chị Hoa, các bác sĩ đã phải cân nhắc phác đồ điều trị, kích trứng, kết hợp với chế độ ăn uống nghỉ ngơi điều độ, đặc biệt theo dõi rất sát sao”.
Hiếm muộn gần 20 năm nhưng chị Hoa cảm thấy mình may mắn vì được về làm dâu trong một gia đình mà ở đó bố mẹ hết mực hiểu con cái. Nếu như những cặp vợ chồng vô sinh khác mỗi ngày phải gánh lời ra tiếng vào và cả những dè bỉu của người đời thì hai bên nội ngoại không tạo áp lực cho vợ chồng chị. Người thân chị còn dặn: Có thì tốt mà không có thì thôi, cứ sống vui với nhau là được.
Ngày mang thai, khác với đa số các cặp vợ chồng hiếm muộn, quá trình thai nghén của chị Hoa khá thuận lợi. Chị không kiêng cữ nhiều, món gì cũng ăn được, chỉ kiêng hai món rau ngót và đu đủ xanh theo lời khuyên của bác sĩ. Nhà nông, quanh quẩn cũng chỉ có thịt lợn, thịt gà và tôm cá, rau củ quanh nhà, chế độ dinh dưỡng của chị cũng đơn giản như thế. Anh xã thường mua thêm đôi chim bồ câu về hầm tẩm bổ cho vợ con.
Trước khi có bầu, chị chỉ làm ruộng. Lúc có bầu chị kiêng làm việc nặng nhọc nhưng vẫn sinh hoạt, đi lại bình thường. Anh Lượng thương và chiều vợ hết lòng, nên việc đồng áng anh nhận hết. Thậm chí, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… mọi việc trong nhà anh cũng đảm nhận luôn để vợ nghỉ ngơi, khỏe mạnh suốt thai kỳ.
Rất may mắn, 9 tháng 10 ngày mang thai chị không nghén. “Tôi không mệt mỏi, cũng không nghén như người ta. Tôi thoải mái tư tưởng, vui vẻ lạc quan, trong thai kỳ tăng 12 cân so với thời son rỗi. Cứ đến lịch khám thai định kỳ, hai vợ chồng lại dắt nhau đi khám thai” – chị Hoa nói.
Thai bước sang tuần 40 tuần, chị được chỉ định mổ chủ động ở bệnh viện chuyên ngành của địa phương. Bé gái khỏe mạnh, nặng 3,5kg, giống bố như đúc, chào đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của hai bên nội ngoại. Anh chị đặt tên con là Nguyễn Thị Thanh Tâm.
Ngày hôm nay, khi ôm con trong vòng tay chị Hoa đã có thể nở nụ cười viên mãn và chị muốn được gửi lời cảm ơn tới anh xã vì đã luôn đồng hành bên chị những lúc khó khăn nhất. “18 năm mong con, hôm nay ôm con trong tay vợ chồng tôi vẫn chưa tin đây là sự thật. Hạnh phúc được làm cha làm mẹ là thứ hạnh phúc ngọt ngào khôn tả. Tôi mong những đôi vợ chồng hiếm muộn luôn tin tưởng và lạc quan trong hành trình tìm con, lựa chọn thầy hay, thuốc tốt để tăng cơ hội thành công, sớm đón con yêu về để tròn đầy hạnh phúc”, chị Hoa cười hiền lành nói.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/18-nam-tim-con-trong-nuoc-mat-vo-nam-dinh-mang-bau-chong-lien-di-khoe-khap-noi-d225457.html
- Nam Định: Sáng tác tình khúc bằng ngón chân
- “Trái ngọt” song sinh của bà mẹ Nam Định 5 năm 3 lần mất con
- Đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa lễ hội
- Trang phục denim phủ sóng street style của mỹ nhân Việt tuần qua
- Tự hào Nam Định quê hương
- Hải Hậu: Chùa Phúc Hải – Hải Minh
- Nam Định: Chuyện cựu Trưởng công an xã tay không bắt ba tên cướp
- Phở Bò Nam Định
- Nam Định: Từ chối tình cảm trai làng, cô gái trẻ bị sát hại trước ngày cưới
- Nữ sinh lớp 8 ở Nam Định ‘mất tích’ đã được tìm thấy ở Hà Nội
- Nam Định: Mở cao điểm kiểm tra điều kiện an toàn xe khách
- Tuyệt đẹp với cung phượt nhà thờ đổ tại Nam Định
- Nam Định: Thêm huyện Hải Hậu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
- Làng nghề đúc đồng Ý Yên – Nam Định
- Bùi Chu: Cập nhật ngày hội ngộ 1400 tay kèn
- Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo tại Nam Định
- Nông dân thiệt hại nặng nề do bão số 1: “Tôi mất trắng rồi…”
- Xác định nguyên nhân vụ cháy nhà thờ cổ gần 130 năm tuổi ở Nam Định
- Vụ bé trai 4 tuổi bị cột dây vào cửa sổ: Hiệu trưởng nhà trường mong dư luận cảm thông cho giáo viên
- 68 người chết trong mưa lũ, 34 người còn mất tích
- 22 Món quà vặt ngon nổi tiếng của đất Nam Định – Bạn đã thử hết chưa ?
- Vụ khách Tây đăng clip tố bị trả tiền âm phủ: Nam tài xế khóa máy, công an Hoàn Kiếm phải in ảnh tìm kiếm xác minh