Nếu không đá bóng, các tuyển thủ Việt Nam sẽ đi theo con đường nào?

Nếu không đá bóng, các tuyển thủ Việt Nam sẽ đi theo con đường nào?

Ít ai biết, các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam không chỉ đá bóng giỏi trên sân cỏ mà còn có nhiều sở trường “tay trái” cùng định hướng công việc khác vô cùng bất ngờ.

Chúng ta biết đến “lão tướng” Anh Đức không chỉ là 1 chân sút tài năng mà còn là 1 tỷ phú trong làng thể thao Việt với sự nghiệp kinh doanh đáng nể. Các cầu thủ khác của đội tuyển bóng đá quốc gia cũng thế, ngoài khả năng đá bóng họ còn có những thế mạnh, sở trường hoặc định hướng gia đình riêng.

Nói vui, nếu họ không đi theo con đường “quần đùi, áo số”, chúng ta đừng nên bất ngờ nếu Duy Mạnh gây tiếng vang trên thương trường hoặc Trọng Hoàng trong màu áo xanh cảnh phục.

Anh Đức: Tỷ phú kinh doanh, đá bóng chỉ vì đam mê

Sinh năm 1985, tiền đạo Nguyễn Anh Đức là người lớn tuổi nhất trong đội hình của HLV Park Hang Seo mùa giải AFF Cup 2018. Sát cánh cùng thế hệ đàn em đầy tài năng và nhiệt huyết, Anh Đức đã chứng tỏ “gừng càng già càng cay” khi luôn duy trì tốt phong độ trên sân cỏ, đặc biệt là cú ghi đẳng cấp vào lưới đội bạn Malaysia trong trận chung kết lượt về.

Anh Đức ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết lượt về gặp đội bạn Malaysia.

Anh Đức không chỉ khẳng định tài năng trên sân cỏ, ngoài đời anh còn là một doanh nhân thành đạt với công việc kinh doanh đã hơn 11 năm.

Năm 2008, tiền đạo Anh Đức khi ấy 22 tuổi đã tập tành kinh doanh. Ban đầu anh mở một cửa hàng kinh doanh thời trang ở Bình Dương với nguồn hàng được nhập từ nhiều nơi khác nhau. Sau đó, công việc thuận lợi, Anh Đức lập hẳn cho riêng mình một xưởng sản xuất giày và chuyên may trang phục thể thao.

Anh Đức giàu có nhờ kinh doanh. Ảnh: FB Nguyễn Anh Đức

Chỉ trong vài năm tiếp theo, Anh Đức đã nới rộng công việc kinh doanh hơn nữa với nhiều chi nhánh, đại lý cửa hàng trải dài từ Bình Dương cho đến TP.HCM. Các trang phục, giày thể thao ở xưởng của anh cũng được phân phối đi hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Chưa dừng lại ở đó, hiện tại tiền đạo Anh Đức còn là chủ của một số dãy trọ cho thuê và khách sạn, spa tại Bình Dương. Ngoài ra, anh còn mở cửa hai sân bóng mini của riêng mình và là đồng sở hữu một nhà hàng tại quê nhà cùng với gia đình vợ.

Vợ Anh Đức hiện đang sát cánh cùng chồng trong công việc kinh doanh.

Trọng Hoàng: Không đá bóng sẽ làm chiến sỹ công an

Tại AFF Cup 2018, Trọng Hoàng đã đá chính 6 trong 7 trận (1 trận vào sân từ ghế dự bị). Dù phải thi đấu ở vị trí chạy cánh phải không phải sở trường thế nhưng anh đã chơi rất ấn tượng.

Hoàng là người con thứ 2 trong gia đình có hai chị em, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Bố của Hoàng, ông Nguyễn Trọng Hường, từng làm việc trong ngành công an. Người chị gái của anh cũng vinh dự đứng vào hàng ngũ an ninh Công an tỉnh. Vì vậy, lúc đầu gia đình mong muốn tuyển thủ này cũng theo nghiệp gia đình.

Hoàng là con út trong gia đình

Bước ngoặt cuộc đời đầu tiên đến với Hoàng là năm 1998, khi cả gia đình chuyển về sinh sống ở thành phố Vinh, cũng khá gần trụ sở CLB SLNA. Ngay trong năm đầu tiên học trường tiểu học Lê Lợi (TP Vinh), Hoàng tham gia vào đội tuyển bóng đá của trường đá giải đấu cấp thành phố và được chọn làm đội trưởng đội Nhi đồng của thành phố đoạt giải nhì môn bóng đá tại Hội khỏe Phù Đổng ở Hải Phòng.

Trọng Hoàng thi đấu ổn định tại AFF Cup 2018 ở vị trí hậu vệ cánh phải.

Thế nhưng, thời điểm này ông Hường vẫn chỉ nghĩ rằng đam mê là nhất thời, sự nghiệp mới là điều cần hướng đến. Với định hương ngay từ đầu, gia đình vẫn chuẩn bị cho Hoàng thi vào ngành công an.

“Khoảng cuối năm lớp 8, Hoàng bày tỏ nguyện vọng muốn chuyên tâm tập luyện để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi và vợ suy nghĩ nhiều đêm rồi mới dám quyết định. Hoàng thời điểm đó đã có thể kiếm được tiền, thậm chí còn nhiều hơn cả lương của tôi. Tuy nhiên, điều Hoàng khiến tôi an tâm là không hề tiêu xài phung phí mà đưa về cho mẹ nhờ cất và đặc biệt luôn đam mê bóng đá”, ông Hường nhớ lại.

Theo ông Hường, gia đình chỉ có thể định hướng công việc tốt nhất cho con, nhưng việc quyết định thì cả nhà tôn trọng Hoàng. Điều này là việc làm tốt nhất của một người bố dành cho con trai.

Gia đình từng dự định cho con học ngành công an

Thủ môn Đặng Văn Lâm: Người mẫu thời trang

Sau mùa giải AFF Cup 2018, thủ thành Đặng Văn Lâm trở thành một trong những cái tên được tìm kiếm nhiều nhất. Không chỉ có phong độ thi đấu xuất sắc, góp phần đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch, thủ môn mang 2 dòng máu Việt – Nga còn sở hữu chiều cao 1,88 m cùng gương mặt điển trai, nam tính, được so sánh như người mẫu.

Thủ thành Đặng Văn Lâm đã có những thành tích nổi bật tại AFF Cup 2018.

Qua những hình ảnh cầu thủ sinh năm 1993 đăng tải trên trang cá nhân, có thể thấy anh là người chuộng phong cách thời trang trẻ trung, đơn giản, không cầu kỳ.

Ngoài ra, trong những lần tham gia sự kiện hay xuất hiện trước công chúng, Lâm cũng gây ấn tượng mạnh bởi phong thái lịch lãm, gương mặt lạnh lùng chẳng kém gì một người mẫu chuyên nghiệp.

 

 

Phong cách thường ngày đơn giản nhưng tinh tế của Văn Lâm.

Nhiều khán giả cho rằng với lợi thế gương mặt, hình thể, Văn Lâm hoàn toàn có thể lấn sân lĩnh vực thời trang, thậm chí tham gia diễn catwalk trong vai trò khách mời như điều Bùi Tiến Dũng từng làm.

Lâm “tây” trong những hình ảnh thời trang đầy ấn tượng – Ảnh: Nguyễn Quang Tâm

Quế Ngọc Hải: Ông vua quảng cáo

Quế Ngọc Hải là đội phó của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 nhưng anh lại đeo băng đội trưởng gần hết giải đấu do Văn Quyết không thi đấu trong phần lớn thời gian. Trở thành thủ lĩnh tinh thần của toàn đội, Hải đã vượt qua nỗi ám ảnh về những sai lầm từng mắc ở các kỳ AFF Cup trước, anh chơi điềm tĩnh, chắc chắn hơn, cùng Đình Trọng, Duy Mạnh tạo nên tấm lá chắn thép nơi hàng thủ Việt Nam.

Quế Ngọc Hải ra sân với tấm băng đội trưởng ở trận đấu với Malaysia. Ảnh: Tiến Tuấn.

Sau khi gặt hái thành công tại AFF Cup 2018, Quế Ngọc Hải trở về quê hương trong sự chào đón nồng hậu của fan hâm mộ. Tại nhà anh ở Nghệ An, nghe tin anh trở về đã không ngớt người vào ra chúc mừng.

Chia sẻ cùng phóng viên, chú Hùng – bố của Ngọc Hải cho biết, từ nhỏ Hải và anh trai đều học giỏi, ý định của gia đình là sẽ để Hải chú tâm học hành để mai sau thi vào một trường đại học nào đó. Ngay cả cô giáo của Hải cũng nói Hải đi đá bóng thì uổng phí lắm vì anh học môn toán rất giỏi.

“Đến năm lớp 9 cô giáo chủ nhiệm của Hải vẫn gọi cho gia đình nói rằng nên cho Hải về đi học văn hóa thì tốt hơn vì nó học giỏi toán, cho đi đá bóng thì uổng phí. Chúng tôi cũng hỏi con xem ý định như thế nào, nhưng Hải quyết tâm lắm, tôi cũng tin tưởng nên không can thiệp” – chú Hùng kể lại.

Bên cạnh đó có một số thông tin cho rằng, gói quảng cáo gần nhất của Quế Ngọc Hải theo tìm hiểu rơi vào khoảng gần 400 triệu đồng. Đó là một con số mơ ước với bất kỳ cầu thủ Việt nào ở hiện tại.

Quế Ngọc Hải từng được không ít lời mời quảng cáo lên đến tiền tỷ. Tuy nhiên, trung vệ người xứ Nghệ bận thi đấu nên không thể tham gia.

Duy Mạnh: Ngoài bóng đá sẽ thử sức với kinh doanh

Trong mùa giải AFF Cup 2018 vừa qua, Duy Mạnh đã thi đấu rất xuất sắc tại vị trí trung vệ, có những pha cản phá kịp thời, dứt khoát để bảo vệ khung thành đội nhà.

Ngoài sân bóng, giống với đàn anh Anh Đức, Duy Mạnh cũng có niềm yêu thích với công việc kinh doanh. Trước đây, Duy Mạnh đã từng thử sức với kinh doanh online cùng bạn gái khi mở một cửa hàng đồ ngủ trực tuyến. Cửa hàng của cặp đôi buôn bán đủ các loại quần áo ngủ dành cho nam, nữ và trẻ em.

Duy Mạnh không ngần ngại thử sức ở lĩnh vực kinh doanh

Đình Trọng: Sẽ chỉ là bóng đá, không yêu thích 1 công việc nào khác

Trong mùa giải AFF Cup 2018 vừa qua, để có những pha đi bóng sang sân đối phương, đoàn quân áo đỏ cũng cần phải có những người hùng thầm lặng nơi tuyến dưới. Trần Đình Trọng chính là 1 người hùng như thế, là cái tên sáng nhất ở vị trí chốt chặn trước khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm.

Trọng “ỉn” đã chơi rất quyết liệt tại mùa giải AFF Cup.

Chú Trần Văn Hùng, bố ruột Trọng, là một người khó tính. Không giống vợ mình, là cô Nguyễn Thu Hương, chú Hùng ban đầu không thích con trai theo nghiệp “quần đùi, áo số”. Trọng thích bóng, mê bóng là một chuyện, chuyện còn lại phụ thuộc nhiều vào gia đình.

Nhưng thế rồi Trọng vẫn cứ đi, đơn giản chỉ vì anh thích bóng đá quá.

Trọng của ngày xưa, ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá. Nói chung là đam mê, đến nỗi không chú tâm quá nhiều vào việc học hành. Anh thường sẽ nghĩ, sau giờ học mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc chắn là chơi bóng, rồi chạy ù ra sân vận động của xã.

“Mình thích chơi bóng nên mình không tập trung học” – Trọng cười.

Giấc mơ bóng đá sinh ra và lớn lên cùng Trọng từ bé.

Đến giờ khi hỏi Trọng nếu không đá bóng thì sẽ làm gì? Trọng bối rối, vì anh không thích làm một công việc gì khác ngoài chơi bóng đá cả. Bóng đá gắn bó với anh từ bé đến lớn, trở thành sự nghiệp và cuộc sống. Có lẽ nếu không có bóng đá, Trọng là người “thất nghiệp”.

THỤC HẠNH, THEO HELINO


TOP