Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 7 tại các huyện ven biển
Sáng 13-10, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị khẩn cấp triển khai công tác ứng phó với bão số 7 (bão NANGKA). Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các huyện, thành phố; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Nam Hà, các Công ty KTCTTL của tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Trước thông tin về tình hình bão số 7, để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, các sở, ngành, các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện nghiêm túc Công điện số 1393/CÐ-TTg ngày 12-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7; Công điện số 24/CÐ-TW hồi 12 giờ 30 ngày 12-10-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; Công điện số 10/CÐ-UBND hồi 9 giờ 30 ngày 13-10-2020 của UBND tỉnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện truyền thông để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu, thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin kịp thời tới người dân về diễn biến của bão và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão số 7. Sở NN và PTNT hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai ngay các phương án xử lý giờ đầu những đoạn đê, kè xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở; nắm chắc tình hình mưa bão, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố rà soát và chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão đã xây dựng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân bằng nhiều biện pháp, nhất là thông qua hệ thống đài phát thanh, truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn để nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, tháo dỡ biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây. Có phương án chủ động di dời người dân trước khi bão đổ bộ trực tiếp, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, người nghèo, các gia đình chính sách. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng bến bãi; hệ thống truyền tải điện… Phối hợp chặt chẽ với các Công ty KTCTTL trên địa bàn thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng tiêu nước kém để bảo vệ sản xuất, cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa chưa đến thời kỳ thu hoạch, rau màu vụ đông. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản. Thực hiện cấm biển từ 19 giờ ngày 13-10-2020; cấm các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu du lịch ven biển và yêu cầu người dân di dời khỏi chòi canh vây vạng vào bờ trước 7 giờ ngày 14-10-2020. Cảng vụ Hàng hải Nam Ðịnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan hướng dẫn các loại tàu tải trọng lớn không vào được các cảng, khu neo đậu của tỉnh, phải vào sâu phía trong dòng sông để trú ẩn hoặc di chuyển đến các cảng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại các nhà yếu, nhà tạm; khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có lệnh.
Chiều 13-10, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác triển khai phương án phòng, chống bão số 7 tại các huyện ven biển.
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, đến 5h ngày 13-10-2020, toàn tỉnh có tổng số 2.130 tàu, thuyền/6.176 ngư dân đang hoạt động, trong đó số phương tiện đã về neo đậu tại bến 460 phương tiện/2.080 lao động; số phương tiện đang hoạt động ở khu vực đầm bãi, đánh bắt gần bờ (đi về trong ngày) trên vùng biển tỉnh là 1.486 phương tiện/3.269 ngư dân. Số phương tiện neo đậu ngoại tỉnh từ vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 184 phương tiện/827 ngư dân thuộc xã Giao Thiện, Giao An (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu); Phúc Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Số phương tiện này đã nhận được thông báo về bão số 7, liên lạc được với Ðồn Biên phòng và gia đình. Các ngành, cơ quan chức năng đã thông báo cho 1.228 lao động/1.019 lều, chòi khu vực ven biển nắm và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, sẵn sàng về nơi tránh trú khi có lệnh. Do ảnh hưởng của triều cường và áp thấp nhiệt đới gây sập, sạt tại một số vị trí mái kè Hải Thịnh 3 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu. Cụ thể, tại Km25+320 hố võng kích thước 58m2 sâu 0,3m cao trình từ -0,5 đến +2,4; tại Km25+770 hố sập, sạt với kích thước 220m2, sâu 1m cao trình từ -0,5 đến +2,4. Tổng diện tích các hố võng, sập, sạt là 278m2. Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Hải Hậu chỉ đạo đơn vị liên quan tiến hành xử lý giờ đầu bằng cách trải vải lọc, xếp rọ thép đựng đá hộc phủ lên trên hố võng, sạt, liên kết các rọ thép lại với nhau bằng dây thép buộc chặt. Khi triều kiệt tiến hành tháo dỡ rọ đá, các cấu kiện bị võng, sập, sạt, sau đó đắp bù đất thịt, trải vải địa kỹ thuật, rải đá dăm lót, tận dụng cấu kiện cũ lát lại mái kè, phần tiếp giáp đổ bê tông tại chỗ mác 300 có phụ gia đông kết nhanh. Công tác xử lý khẩn cấp giờ đầu đã hoàn thành trước 5h sáng ngày 13-10-2020.
Sau khi kiểm tra thực địa tại các vị trí kè bị sập, sạt trên tuyến đê biển thuộc địa bàn thị trấn Thịnh Long, khu vực Cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền Ninh Cơ (Hải Hậu) và khu neo đậu tàu, thuyền Hà Lạn (Giao Thủy), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, UBND các huyện ven biển cần tập trung theo dõi sát diễn biến của bão và tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu như phương án đã được phê duyệt. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình, chủ phương tiện tàu, thuyền và các lực lượng thông báo, kêu gọi tàu, thuyền nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn. Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn. Quản lý chặt chẽ tàu, thuyền neo đậu tại bến. Chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình bão, lũ. Tập trung huy động phương tiện, nhân lực gặt tối đa diện tích lúa mùa để giảm thiểu thiệt khi bão đổ bộ vào đất liền./.
- Chữ trên ấn đền Trần có nội dung gì?
- Khát khao được đến trường của cô bé nghèo ở Nam Định
- Tổng quan du lịch Nam Định
- Làm giàu ở nông thôn: Rắc muối “thả thính” cá bớp “bốn mắt”, thu trăm triệu/năm
- Chuyện ít biết về quá trình hoàn thiện tiêu bản ‘cụ rùa’ Hồ Gươm
- Chàng thủ khoa khối A1 trường danh tiếng nhất Thành Nam
- Bánh Trung thu truyền thống hút khách
- Nam Định: Va chạm, xe trộn bê tông ‘nằm ngửa’ dưới mương nước
- Hình dáng Thăng Long giữa lòng Nam Định
- Nhà thờ Giáo xứ Trung Linh giáo phận Bùi Chu
- Giao Thủy: Kịp thời Cứu 3 ngư dân trên tàu gặp nạn khi bão về
- Học làm đặc sản nộm rau câu, Nam Định
- Lễ hội bơi trải truyền thống của làng Đỗ Xá – Điền Xá – Nam Trực – Nam Định
- Ô tô biển Nam Định đi lùi trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng suýt gây tai nạn thảm khốc
- Công đoàn Giáo dục đề nghị không thi hành kỷ luật cô giáo buộc dây vào áo trẻ
- Quỳ lạy xin tha, nam thanh niên quê Nam Định vẫn bị đâm đến chết
- Mr.Đàm ‘kêu cứu’, trích 50% lương giúp nhà thờ trăm tuổi bị cháy
- Trót “ăn bánh trả tiền”, người đàn ông “tặng” vợ căn bệnh hiếm gặp
- Hai vợ chồng quê Nam Định bị lũ cuốn trôi khi đang qua suối
- Chuyện ít biết về thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định
- Tích súng, lựu đạn để buôn bán ma tuý
- Giải mã ngôi mộ độc đáo nhất đất Nam Định