Bảo tàng Tỉnh Nam Định

Bảo tàng Tỉnh Nam Định

Bảo tàng Nam Định là một trong số bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành khá sớm trong toàn quốc. Tiền thân là phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hoá Nam Định ra đời năm 1958. Năm 1980, UBND tỉnh có quyết định thành lập Nhà bảo tàng. Từ đây Bảo tàng tỉnh đã chính thức trở thành một thiết chế văn hóa có đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của một bảo tàng cấp tỉnh. Năm 2011, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam
Năm 2009, Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Nam Định đã hoàn thiện tại đường Cột Cờ, Tp Nam Định. Theo đó, tổng diện tích mặt bằng gần 12.000m2 , quy mô xây dựng 5.250m2, công trình chính gồm tòa nhà 3 tầng, tầng 1 sử dụng làm kho hiện vật và khu hành chính của cơ quan, tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày cố định và các chuyên đề.

Bảo tàng thành phố Nam Định

Bảo tàng thành phố Nam Định

Tọa lạc trong không gian của Thành Nam xưa, với quần thể các công trình văn hóa như: điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung), Cột Cờ, Dàn leo, vườn hoa và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ…Đặc biệt, tại đây ngày 21/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh và ghi bút tích trong sổ vàng truyền thống “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Bảo tàng tỉnh Nam Định

Bảo tàng tỉnh Nam Định

Với ý nghĩa lịch sử đó, Bảo tàng tỉnh Nam Định vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn, đồng thời là nơi phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang của Nam Định – một vùng quê văn hiến và cách mạng.
Trong dịp kỷ niệm 750 Thiên Trường – Nam Định (1262-2012), Bảo tàng Nam Định đã khai mạc trưng bày, chính thức mở cửa phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập của cán bộ, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Không gian trưng bày của bảo tàng gồm hai phần: nội thất và ngoại thất.

Bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm quê hương Nam Định

Bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm quê hương Nam Định

Với gần hai nghìn tài liệu, hiện vật tiêu biểu, được lựa chọn trong các bộ sưu tập của bảo tàng, nội dung trưng bày đã góp phần phản ánh một cách sinh động và tương đối toàn diện đặc trưng lịch sử xã hội của tỉnh Nam Định từ thời kỳ tiền sử đến văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ – Mạc, Hậu Lê, thời Nguyễn và Pháp thuộc, thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Trong đó mỗi giai đoạn lịch sử đều có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm như: sưu tập điêu khắc đá tháp Chương Sơn, sưu tập đất nung thời Lý, sưu tập đồ dùng sinh hoạt và vật liệu kiến trúc thời Trần, sưu tập đồ gốm tôn giáo thời Lê – Mạc, sưu tập điêu khắc gỗ và đồ đồng thời Hậu Lê, sưu tập hình ảnh, hiện vật về Trường thi Hương triều Nguyễn và Thành Nam xưa….

Phòng trưng bày thời Lý (thế kỷ XI-XIII)

Phòng trưng bày thời Lý (thế kỷ XI-XIII)

Điểm nhấn của phần trưng bày nội thất là thời kỳ Lý – Trần:
– Thời Lý (thế kỷ XI – XIII) giới thiệu hình ảnh, tư liệu, hiện vật của bảo tháp Chương Sơn được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng và đích thân ngự khi khánh thành trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên.

Thành bậc lan can tháp Chương Sơn thời Lý thế kỷ XII

Thành bậc lan can tháp Chương Sơn thời Lý thế kỷ XII

– Thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), tập trung làm nổi bật 3 nội dung cơ bản: khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần; quy mô cấu trúc Hành cung Thiên Trường và các căn cứ địa của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông; quá trình nghiên cứu và kết quả khai quật khảo cổ học tại các di tích thời Trần tại Nam Định.

Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh thời Trần thế kỷ XIII

Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh thời Trần thế kỷ XIII

Không gian ngoại thất của Bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, tôn giáo và điêu khắc chất liệu đá thể khối lớn, có niên đại từ thế kỷ XIII – XX; nhóm vũ khí, khí tài tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ; các loại hình hiện vật của nhiều giai đoạn lịch sử được thám sát, khai quật tại các di tích, di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Trong khuôn viên của Bảo tàng còn có di tích Cột cờ Nam Định – một trong sáu Cột cờ trên cả nước được triều Nguyễn cho xây dựng đầu thế kỷ XIX. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc, nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử mà còn hàm chứa giá trị tâm linh, là nơi thờ Giám Thương công chúa (Nguyễn Thị Trinh) – liệt nữ anh hùng có công bảo vệ Cột Cờ và kho lương Nam Định trong thời kỳ chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ngoài ra trong di tích Cột Cờ còn trưng bày một số tư liệu, hình ảnh về Thành Nam xưa.
Để phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa hiện đang lưu giữ trưng bày, Bảo tàng tỉnh Nam Định thực hiện chương trình đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với bảo tàng. Gần một năm qua, từ khi mở cửa Bảo tàng đã đón gần 10.000 lượt khách bao gồm các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 5.500 học sinh của gần 30 cơ sở giáo dục trên toàn thành phố đến tham quan, học tập. Tại đây, các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước, được tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống sôi nổi, bổ ích.
Sau khi mở cửa trưng bày, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã chủ động kết nối giữa bảo tàng tỉnh và các di sản văn hoá tiêu biểu gồm: các thiết chế bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm, các di tích lịch sử văn hoá, các làng nghề thủ công truyền thống… trên địa bàn Nam Định, tạo thành các tuyến điểm tham quan học tập, bước đầu đáp ứng nhu cầu của công chúng, các đoàn khách đạt hiệu quả và có những phản hồi tích cực.
Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hệ thống trưng bày đổi mới, công tác tuyên truyền giáo dục có nhiều cố gắng và sáng tạo, Bảo tàng Nam Định đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng về di sản văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về Thành Nam.
Lịch mở cửa tham quan Bảo tàng:
– Mở cửa thường xuyên hàng tuần vào các ngày: thứ Ba, thứ Năm, Chủ nhật


TOP