Chuyện ít biết về công trình in trên tờ tiền 100 đồng đang xôn xao dư luận

Chuyện ít biết về công trình in trên tờ tiền 100 đồng đang xôn xao dư luận

Có thể nói tháp Phổ Minh đã đồng hành trong lịch sử dân tộc từ thời nước ta giành quyền độc lập lâu dài. Vì lẽ đó tháp Phổ Minh được chọn in trên mặt sau tờ tiền 100 đồng. Chúng ta cần biết trân trọng những đồng tiền, dù là mệnh giá nhỏ nhất.

Mặt trước tờ 100 đồng – Ảnh: Internet

Trong những ngày qua, câu chuyện về tờ tiền 100 đồng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Câu chuyện bắt đầu từ việc các tài xế đòi BOT Cai Lậy phải trả đúng 100 đồng tiền thừa khi qua trạm thu phí hôm 30.11. Điều này khiến người của BOT Cai Lậy bối rối vì không có đủ tiền 100 đồng để trả lại và dẫn đến việc xả trạm.

Rất nhiều người đã đi tìm thông tin về tờ 100 đồng và báo điện tử Một Thế Giới đã kịp cung cấp thông tin khẳng định Tờ 100 đồng đang là tờ tiền có mệnh giá nhỏ nhất được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Tờ 100 đồng phát hành ngày 2.5.1992 có các đặc điểm:

– Kích thước: 120 mm x 59 mm.

– Giấy in: Cotton.

– Màu sắc tổng thể: Màu nâu đen.

– Nội dung mặt trước: Dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – Quốc huy – Mệnh giá 100 đồng bằng chữ và số – Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.

– Nội dung mặt sau: Dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” – Phong cảnh tháp Phổ Minh – Mệnh giá 100 đồng bằng chữ và số – Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.

Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được hết ý nghĩa của công trình tháp Phổ Minh được in trên mặt sau tờ 100 đồng. Trong số các tờ tiền giấy đang được lưu hành không hạn chế hiện giờ (từ 5.000 đổng trở xuống), duy nhất tờ 100 đồng in hình một danh thắng cổ kính ở mặt sau. Tờ 5.000 đồng in Phong cảnh thuỷ điện Trị An ở mặt sau, tờ 2.000 đồng in hình Xưởng dệt, tờ 1.000 đồng in hình khai thác gỗ, tờ 500 đồng in hình phong cảnh Cảng Hải Phòng, tờ 200 đồng in hình sản xuất nông nghiệp.

Mặt sau tờ 100 đồng – Ảnh: Internet

Tháp Phổ Minh là một công trình trong khuôn viên chùa Tháp – một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía bắc. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng từ thời Lý và trùng tu rồi mở rộng với quy mô lớn từ năm 1262. Về sau, chùa đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.

Theo báo Giác ngộ, trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (tượng nằm); tượng Trúc Lâm Tam tổ dưới bóng cây trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn “Phổ Minh đỉnh tự” đúc năm 1796 – chùa vốn có một vạc lớn, sử sách coi là một trong bốn vật báu của Việt Nam (An Nam tứ đại khí) nhưng nay không còn.

HÌnh tháp Phổ Minh – Ảnh: Internet

Sau thượng điện, cách một khoảng sân hẹp là tòa nhà mười một gian kéo dài theo hình chữ “nhất”, giữa là năm gian nhà tổ, bên trái là ba gian nhà tăng, bên phải là ba gian điện thờ. Trong nhà tổ có pho tượng Bà Chúa Mạc, người từng tu ở chùa, tạc bằng đá trắng, ngồi trên tòa sen, dựa lưng vào bức nền có trang trí vòng ánh sáng với ba chữ “Thường tịch quang”. Hai dãy hành lang nối liền nhà tiền đường và tòa nhà 11 gian tạo thành vòng ngoài của chữ “Quốc”. Phía sau nhà tổ là vườn tháp, có tượng Bà Chúa Mạc bằng đất nung.

Qua các lần tu sửa theo thời gian, chùa Phổ Minh đã bị thu hẹp nhiều so với trước, tuy nhiên kiến trúc thời Trần vẫn còn rất đậm nét. Nằm rải rác trong khu vực chùa còn 96 chân tảng đá chạm hoa sen. Ở cổng tam quan cũng như quanh chân tháp còn nhiều đôi sóc đá gắn vào bậc lên xuống. Trước nhà bái đường có hai đôi rồng chạm đá dáng vẻ uy nghi. Đó là những con vật thân hình mập mạp, chân to, móng khỏe, mang nét đặc trưng của rồng chạm khắc thời Trần.

Riêng tháp Phổ Minh mang đậm phong cách kiến trúc thời Trần, dựng năm 1305. Tháp cao khoảng 20 m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.

Vua Trần Nhân Tông đã ca ngợi vẻ đẹp của tháp Phổ Minh bằng bốn câu thơ:

Sư về trong viện câu kinh vắng

Quán ở bên sông bóng nguyệt treo

Ba chục cung tiên cây tháp đặt

Trăm ngàn cõi Phật tiếng triều reo.

Trong lịch sử Việt Nam, tháp Phổ Minh là địa danh chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư chép vào 1262 (đời vua Trần Thánh Tông còn Trần Thái Tông làm Thái thượng hoàng), Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi.

Năm 1303 (thời vua Trần Anh Tông còn Trần Nhân Tông làm Thái thượng hoàng), mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí.

Có thể nói tháp Phổ Minh đã đồng hành trong lịch sử dân tộc từ thời nước ta giành quyền độc lập lâu dài. Vì lẽ đó, tháp Phổ Minh được chọn in trên mặt sau tờ tiền 100 đồng. Chúng ta cần biết trân trọng những đồng tiền, dù là mệnh giá nhỏ nhất.

Theo Anh Tú( một thế giới)


TOP