Phế tích Tháp Chương Sơn- Di tích quốc gia

Phế tích Tháp Chương Sơn- Di tích quốc gia

Núi Ngô Xá, còn gọi là núi Chương Sơn, thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định, trên đỉnh núi ngày nay còn dấu vết rất rõ của công trình kiến trúc ngọn Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện lừng danh thời Lý, nhân dân thường gọi là Tháp Chương Sơn.
1
Tháp được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117.Thế kỷ XV bị quân Minh phá. Hiện nay trên đỉnh núi Ngô Xá còn bốn bức tường ghép bằng những tảng đá lớn, quây thành nền hình vuông, hai cửa có bậc lên xuống ở phía đông và phía tây, phía dưới là sân lát gạch. Vòng ngoài chân tháp hiện còn mỗi bề rộng 19m. Nhiều bộ phận bằng đá và đất nung còn nguyên vẹn. Những viên gạch lớn ghi “chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyện hoá năm thứ năm” (1105). Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cốt… đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim… Có những viên gạch chạm rồng rất tinh tế, đẹp như những bức phù điêu nhỏ. Nổi bật là bức thành bó bậc thềm lên xuống gồm hai tấm đá lớn ghép lại, chạm hình sóng cuộn, tay vịn là một phiến đá dài gần 2,5m, cao 0,5m, dầy 0,2m chạm cả hai bên mặt, mỗi mặt có 7 hình người, trong điệu múa dâng hoa, mỗi người ở tư thế khác nhau. Khuôn mặt trái xoan, đội mũ cài hoa, tay đeo vòng, cầm hoa sen, cổ đeo chuỗi hạt, quần túm ống, chân đi hài mũi cong.
2

Năm 1970, các nhà khảo cổ học nước ta đã khai quật toàn bộ di tích chùa Ngô Xá để nghiên cứu, kết quả trong cuộc khai quật thu được hơn 200 di vật và 50 viên gạch thời Lý còn nguyên vẹn có khắc chữ Hán “Lý gia đệ tứ Long Phù Nguyên Hòa ngũ niên tạo”, cho thấy gạch được sản xuất trước khi xây tháp 3 năm
2

. Những di vật văn hóa như đĩa tròn đá có chạm rồng, lá đề, khỉ, gạch, thành bậc lan can, các bộ phận kiến trúc khác chạm rồng, sóng nước. Nghiên cứu các di vật này, chúng ta có thể hình dung ra tháp Chương Sơn thời Lý có quy mô to lớn, với những đường nét chạm trổ tinh tế, duyên dáng mà lại khỏe khoắn, phản ánh sự tài ba của các nhà kiến trúc, điêu khắc Đại Việt đầu thế kỷ XII. Ngót 200 năm sau, Vua Trần Nhân Tông (1279- 1293) đã để lại một áng thơ trác tuyệt:

Lên núi Bảo Đài

Đất vắng đài thêm cổ

Ngay qua xuân chửa nồng

Gần xa mây núi ngất

Nắng rợp ngõ hoa lồng

Muôn việc nước trôi nước

Trăm năm lòng nhủ lòng

Tựa hiên nâng sáo ngọc

Đầy ngực ánh trăng trong

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

Ngày 6/6/2012 cùng với Đình, chùa Ngô Xá và Chùa Nề, Phế tích Tháp Chương Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia về mặt kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ.


TOP